/ Góc nhìn
/ Thao túng tiền tệ - “Đặc sản” của pháp luật Hoa Kỳ

Thao túng tiền tệ - “Đặc sản” của pháp luật Hoa Kỳ

29/04/2021 08:31 |

(LSVN) - Năm 2020, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có hành vi can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế hay thường được gọi là hành vi “thao túng tiền tệ”.

Luật sư Đào Xuân Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Thao túng tiền tệ là gì?

Theo Điều IV trong các điều khoản thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm 1978, các nước thành viên IMF sẽ “tránh thao túng tỷ giá hối đoái hoặc hệ thống tiền tệ quốc tế để ngăn chặn hiệu quả hành vi điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các thành viên khác”. Nhưng cho đến hiện nay, vẫn không có bất kỳ định nghĩa rõ ràng nào trong kinh tế học về cụm từ “lợi thế cạnh tranh không công bằng” nên cụm từ này trở thành công cụ quan trọng trong đàm phán thương mại quốc tế song phương và đa phương.

Chính phủ Hoa Kỳ đã luật hóa vấn đề thao túng tiền tệ (currency manipulation) thành một đạo luật cụ thể là Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus vào năm 1998 để giành quyền áp đặt các biện pháp thuế quan lên các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Trong Luật này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (United States Department of the Treasury) phải thực hiện báo cáo một năm 02 lần về tình hình tỷ giá hối đoái giữa Hoa Kỳ và những đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ; cụ thể là báo cáo về các vấn đề chính sách kinh tế và tỷ giá quốc tế, thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai, mua bán ngoại hối, chính sách tiền tệ, chính sách kiểm soát dòng vốn, hoạt động tỷ giá, tích luỹ ngoại hối và tất cả các hoạt động liên quan khác.

Trên cơ sở báo cáo, Tổng thống Hoa Kỳ có thể gắn mác “thao túng tiền tệ” cho một quốc gia và Bộ Tài chính Hoa Kỳ có quyền lập đoàn điều tra, khảo sát nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp qua IMF, để yêu cầu các quốc gia này phải loại bỏ việc thao túng tiền tệ.

Năm 2015, Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015 - được viết tắt là TFTEA) được ban hành dưới thời Tổng thống Obama để cụ thể hóa hơn các tiêu chí chứng minh một quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ”. Theo đó, nếu một quốc gia thỏa mãn các tiêu chí đặt ra sẽ bị coi là quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ, các tiêu chí cụ thể:

- Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD;

- Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP;

- Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Đạo luật TFTAE yêu cầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ. Khi xác định một quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ” thì sẽ mở rộng các biện pháp “trừng phạt” các quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ như áp dụng thuế quan và sử dụng các rào cản thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ có thể được áp dụng sau ít nhất một năm đàm phán.

Không có bất kỳ định nghĩa rõ ràng nào trong kinh tế học về cụm từ “lợi thế cạnh tranh không công bằng”. Vấn đề này liên quan đến mối liên hệ giữa tài khoản vãng lai và mức chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm; sự khác biệt giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực; cũng như sự khác biệt giữa tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Chính vì thế, thao túng tiền tệ tập trung vào tỷ giá hối đoái thực, và tỷ giá hối đoái thực cũng có thể bị tác động bởi cầu đầu tư hoặc cung tiết kiệm hoặc cả hai yếu tố này.

Tài khoản vãng lai = Tiết kiệm trong nước - Đầu tư trong nước

Như vậy, mọi chính sách tác động đến một trong hai biến trên (tiết kiệm hoặc đầu tư trong nước) đều có tác động đến tỷ giá hối đoái và tài khoản vãng lai.

Trong lịch sử áp dụng Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus và Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại, Chính phủ Hoa Kỳ đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Đài Loan …. và hiện nay có thêm Việt Nam.

Việt Nam đã chứng minh như thế nào để không bị coi là có hành vi “thao túng tiền tệ”? 

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong 4 năm qua: Từ 38,3 tỷ USD năm 2017, tăng lên 39,4 tỷ USD năm 2018; 55,7 tỷ USD năm 2019 và dự báo đạt mức kỷ lục 63 - 65 tỷ USD trong năm 2020. Việc Chính phủ Hoa Kỳ chỉ dựa trên một tiêu chí này để đánh giá và xem xét đưa Việt Nam vào danh sách các nước có hành vi “thao túng tiền tệ” theo quy định tại Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại là chưa khách quan.

Chính phủ Việt Nam đã chứng minh được Việt Nam không vi phạm các tiêu chí của Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại và đã được chính phủ Hoa Kỳ công nhận, đưa ra khỏi danh sách các quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ”; cụ thể Việt Nam đã chứng minh:

- Sự tăng vọt thặng dư thương mại với Hoa Kỳ năm 2020 là do Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 hơn Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ nhưng thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ mà thực tế công ty mẹ và những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn thặng dư, bao gồm cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…

- Theo World Bank, lượng kiều hối của người Việt gửi về Việt Nam cho người thân năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6,5% GDP; đây là một trong những nguyên nhân rất lớn làm cho thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4,6% GDP. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa vi phạm tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai/GDP thấp nhất là 2% (theo cách tính GDP mới) nên không vi phạm tiêu chí của Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại.

- Pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, mọi nguồn ngoại tệ khi chuyển vào Việt Nam thì đều phải đổi sang tiền đồng (VND) để giải ngân và sử dụng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường nên việc mua vào ngoại tệ nhằm ổn định thị trường tài chính - tiền tệ - ngoại hối là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật Việt Nam hợp lệ.

- Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam (nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) nên việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian qua và sắp tới vẫn là công việc cần thiết của Ngân hàng nhà nước nhằm củng cố an ninh tài chính quốc gia.

- Theo lý thuyết ngang giá sức mua, biến động tỷ giá hối đoái phản ánh mức chênh lệch về lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong những năm gần đây, lạm phát của Việt Nam bình quân khoảng 3,1%/năm trong khi lạm phát của Hoa Kỳ khoảng 1,5%/năm. Do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND khoảng 1,5%/năm trong những năm gần đây là hoàn toàn có cơ sở.

Nói tóm lại, chỉ có duy nhất nước Hoa Kỳ là có các đạo luật cụ thể điều chỉnh về hành vi “thao túng tiền tệ”; đây là sản phẩm đặc trưng của luật pháp Hoa Kỳ nhằm giúp cho chính phủ Hoa Kỳ dành được các lợi thế trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam và các quốc gia khác không có các đạo luật tương tự như Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus, Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại của Hoa Kỳ.

Luật sư ĐÀO XUÂN SƠN

Chủ tịch HĐTV - Công ty Quản Lý Vốn VCAB

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ

Admin