/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế dưới góc nhìn từ luật học so sánh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế dưới góc nhìn từ luật học so sánh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

29/11/2023 07:06 |

(LSVN) - Quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hoá trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế luôn tìm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, đòi hỏi cần phải có những quy định rõ ràng để xác định thời điểm chuyển rủi ro hàng hoá nhằm hạn chế tranh chấp có thể xảy ra trong khi thực hiện hợp đồng. Công ước Viên 1980 (CISG) và Luật Thương mại năm 2005 (Luật Thương mại) đều có những quy định cụ thể, nhưng có sự khác biệt đáng kể về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Trong khi đó, CISG và Luật Thương mại đều có thể là nguồn luật được các bên thoả thuận áp dụng điều chỉnh khi giao kết hợp đồng hoặc được cơ quan tài phán viện dẫn để giải quyết tranh chấp phát sinh. Bài viết nhằm so sánh những điểm giống và khác nhau trong quy định về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế giữa CISG và Luật Thương mại thông qua việc luận giải, phân tích, so sánh đối chiếu các quy định chi tiết để kiến nghị hoàn thiện Luật Thương mại.

Ảnh minh họa. 

Với tính chất đặc thù của hoạt động thương mại quốc tế là hàng hoá được mua bán bởi các thương nhân có trụ sở tại các quốc gia khác nhau, làm cho việc giao nhận hàng hoá luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong quá trình giao kết, vận chuyển, lưu kho và bảo quản. Do đó, thời điểm chuyển rủi ro là một trong những nội dung quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà các bên phải rất chú trọng khi đàm phán, giao kết hợp đồng. Việc xác định thời điểm chuyển rủi ro không chỉ có ý nghĩa phân định phần nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên mà còn giúp cho quá trình thực hiện hợp đồng được thuận lợi, ngăn ngừa sự khởi phát “chủ ý” vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bất kỳ bên nào và dẫn đến tranh chấp. Vì vậy, các quy định về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của pháp luật thương mại quốc gia và pháp luật thương mại quốc tế là tiền đề để các thương nhân làm cơ sở đối chiếu, suy xét khi đàm phán giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế; đồng thời cũng là nguồn luật để các bên hoặc cơ quan tài phán áp dụng giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Khái quát chung về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế theo CISG và Luật Thương mại

1.1. Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế cũng chỉ là một loại hợp đồng trong lĩnh vực thương mại mua bán hàng hoá nên mang đầy đủ bản chất cơ bản của một hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định pháp luật, nhưng có thêm yếu tố đặc trưng riêng là “tính quốc tế - vượt qua phạm vi quốc gia” nên cần đáp ứng thêm các điều kiện để thoả mãn một số yêu cầu do yếu tố này đòi hỏi[1]. Theo pháp luật Việt Nam, “hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015); “Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận” (khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại). 

Như vậy, có thể hiểu: Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong việc mua bán hàng hoá có yếu tố nước ngoài, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.

Yếu tố nước ngoài được quy định một cách trực tiếp tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong khi đó, Điều 1 CISG lại gián tiếp đưa ra định nghĩa về “tính quốc tế” của Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thông qua quy định: “Công ước này áp dụng đối với những hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau”. Như vậy, ‘tính quốc tế” của CISG có phần khác biệt với “yếu tố nước ngoài” của Bộ luật Dân sự năm 2015, Do đó, các bên trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần lưu ý sự khác biệt này để chọn luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng và giải quyết tranh chấp cho phù hợp..

1.2. Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Về mặt ngôn ngữ, thời điểm được hiểu là khoảng thời gian cực ngắn được hạn định một cách chính xác, coi như một điểm trên trục thời gian[2]. Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn như sau: “Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định…”. Do đó, có thể hiểu thời điểm chính là một mốc thời gian được xác định cụ thể.

Theo từ điển Luật học, “Rủi ro là sự thiệt hại, trở ngại có thể xảy ra”[3]. Trong khi, theo Oxford Dictionary, “Risk is the possibility of something bad happening at some time in the future; a situation that could be dangerous or have a bad result”[4]. Như vậy, cách hiểu bao quát nhất, rủi ro là khả năng xảy ra tình huống xấu trong tương lai có thể gây ra thiệt hại hoặc trở ngại.

Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm: thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là mốc thời gian được xác định cụ thể nhằm chuyển dịch khả năng xảy ra những thiệt hại (mất mát hoặc hư hỏng) đối với hàng hoá từ bên bán sang bên mua, để phân định quyền và nghĩa vụ giữa các bên khi thực hiện hợp đồng[5].

1.3. Nguyên tắc chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Khoản 3 Điều 50 Luật Thương mại quy định: “Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra”. Tương tự, Điều 66 CISG cũng có quy định: “Việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa xảy ra sau khi rủi ro chuyển sang người mua không miễn trừ cho người này nghĩa vụ phải trả tiền, trừ phi việc mất mát hay hư hỏng ấy là do hành động của người bán gây nên”. Như vậy, CISG và Luật Thương mại quy định khá tương đồng nhau là rủi ro hàng hoá sẽ được chuyển giao từ người bán sang người mua vào một thời điểm nhất định và đây chính là thời điểm chuyển rủi ro hàng hoá. Sau thời điểm này, người mua phải có trách nhiệm đối với hàng hoá trong mọi hoàn cảnh, trừ khi họ chứng minh được việc mất mát hay hư hỏng hàng hoá là xuất phát từ hành động của người bán gây nên (CISG)/lỗi của bên bán gây ra (Luật Thương mại). Suy ra, có hai vấn đề cơ bản trong nguyên tắc chuyển rủi ro hàng hoá cần phải được phân tích làm rõ, đó là: (i) Giới hạn trách nhiệm và (ii) hậu quả pháp lý[6].

- Giới hạn trách nhiệm: “Mất mát” hay “hư hỏng” là hai phạm trù tổn thất, thiệt hại về hàng hoá được xem là thuộc phạm vi điều chỉnh trong trường hợp xác định rủi ro hàng hoá. Trong đó, “mất mát” hàng hoá là trường hợp không thể tìm thấy, bị trộm, bị chuyển giao cho người khác hoặc bị trộn lẫn với hàng hoá khác trong một số trường hợp nhất định; còn “hư hỏng” hàng hoá là trạng thái bị phá huỷ toàn bộ, giảm sút chất lượng do yếu tố bên ngoài tác động, bị hao hụt trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, bảo quản[7]. Tuy nhiên, người bán sẽ phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng về hàng hoá nếu do “hành động hoặc sơ suất” của mình gây nên, chẳn hạn như việc không hướng dẫn đúng cách bảo quản hàng hoá dẫn đến hàng hoá bị hư hỏng, giảm sút chất lượng[8]. Những “hành động hoặc sơ suất” của người bán sẽ bị xem là cấu thành một vi phạm của hợp đồng[9]. Điểm cần lưu ý ở đây là Luật Thương mại lại dùng thuật ngữ là “lỗi” thay vì “hành động hoặc sơ suất” của bên bán như CISG. Do đó, khi xác định định “lỗi” sẽ phải áp dụng quy định tại Điều 364 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.
- Hậu quả pháp lý: Người mua sẽ buộc phải thanh toán cho người bán kể cả khi hàng hoá bị “mất mát” hay “hư hỏng” sau thời điểm chuyển rủi ro hàng hoá và chỉ được loại trừ nghĩa vụ này nếu thuộc trường hợp giới hạn trách nhiệm khi hàng hoá bị mất mát, hư hỏng do hành động/lỗi của bên bán.

1.4. Một số nền tảng học thuyết về thời điểm chuyển rủi ro hàng hoá trên thế giới

Có thể nói, việc xây dựng khung pháp lý hài hoà để điều chỉnh về thời điểm chuyển rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa là rất phức tạp, luôn gặp phải nhiều thách thức bởi quá trình phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế xã hội và toàn cầu hoá - khi mà các hoạt động giao thương hàng hoá đã vượt xa lãnh thổ của một quốc gia. Có nhiều học thuyết về vấn đề này được xây dựng bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, nhưng có ba học thuyết cơ bản thường thấy như: (1) kể từ khi ký kết hợp đồng (Hà Lan, Thuỵ Sỹ); (2) khi chuyển giao quyền sở hữu (Anh, Pháp); (3) khi giao hàng hoá (Đức). Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện đại, dường như các học thuyết này không còn phù hợp và thiếu sự hài hoà thực tế. Vì lẽ đó, mà CISG và Luật Thương mại đã không xây dựng khung pháp lý dựa trên các nền tảng học thuyết này mà chọn một giải pháp khác hài hoà và linh hoạt hơn[10].

So sánh các quy định của CISG và Luật Thương mại về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

2.1. Chuyển rủi ro đối với trường hợp có quy định về vận chuyển hàng hoá

Điều 67 CISG, xây dựng hai quy phạm xác định thời điểm chuyển rủi ro đối với Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có quy định vận chuyển hàng hoá cho hai trường hợp khác nhau đó là: (1) Người vận chuyển đầu tiên và (2) địa điểm giao hàng xác định. Theo đó, khi hợp đồng có quy định vận chuyển hàng hóa và không phải giao hàng tại nơi xác định, thì thời điểm chuyển rủi ro là lúc hàng hoá được giao cho người vận chuyển đầu tiên chiếu theo hợp đồng. Trường hợp người bán phải giao hàng cho một người chuyên chở tại một nơi xác định, thì thời điểm chuyển rủi ro sang người mua là lúc hàng hóa được giao cho người chuyên chở tại nơi đó. Để áp dụng Điều 67 CISG thì hợp đồng phải chứa đựng một điều khoản rõ ràng về vận chuyển hàng hoá hoặc dẫn chiếu đến nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá của người bán hoặc người mua. Người vận chuyển hàng hoá ở đây bắt buộc phải là một đơn vị vận chuyển độc lập với người bán và người mua; nếu đơn vị vận chuyển là công ty con của bên bán hoặc bên mua, nhưng kinh doanh hoạt động vận chuyển độc lập thì vẫn được chấp nhận. Tóm lại, theo CISG, hợp đồng có quy định vận chuyển hàng hoá thì sẽ có hai thời điểm chuyển rủi ro là: (1) Thời điểm giao cho người vận chuyển đầu tiên theo hợp đồng hoặc (2) thời điểm hàng hóa được giao cho người vận chuyển tại nơi xác định theo hợp đồng. thời điểm chuyển rủi ro trường hợp (2) giống với quy định tại điều kiện FOB, CIF của INCOTERMS ® 2010, tức hàng hoá được giao lên tàu (on board)[11].

Đối chiếu Điều 67 của CISG với các Điều 57 và 58 của Luật Thương mại sẽ thấy hai quy phạm được xây dựng khá tương thích với nhau. Sự khác nhau cơ bản nằm ở hai vấn đề: (1) Kỹ thuật lập pháp: Luật Thương mại tách trường hợp này ra thành điều luật khác nhau thay vì gói gọn trong một điều luật như CISG; (2) Luật Thương mại lại không nhấn mạnh đến yếu tố đặc định hàng hoá để làm điều kiện tiên quyết xác định thời điểm chuyển rủi ro như CISG, vì Điều 57 Luật Thương mại quy định thời điểm chuyển rủi ro là lúc “hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng hoá tại địa điểm đó”. Tuy nhiên, có thể khẳng định là những quy định về thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp này của Luật Thương mại đã rất tiệm cận với CISG.

2.2. Chuyển rủi ro trong trường hợp hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Chuyển rủi ro trong trường hợp hàng hoá đang trên đường vận chuyển là trường hợp chuyển rủi ro rất đặc thù bởi hàng hoá đang được vận chuyển nên sự rủi ro về hàng hoá bị mất mát hoặc hự hỏng đã hiện hữu ngay từ khi các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Mặc dù, kỹ thuật lập pháp có sự khác nhau trong câu từ, nhưng xét về hàm ý chung dường như cả CISG và Luật Thương mại đều đang theo hướng đơn giản hoá việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp này đó là kể từ thời điểm giao kết/ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Theo đó, Ðiều 68 CISG quy định: “Người mua nhận rủi ro về mình đối với những hàng hóa bán trên đường vận chuyển kể từ lúc hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát chứng từ xác nhận một hợp đồng vận chuyển. Tuy nhiên, nếu vào lúc ký kết hợp đồng mua bán, người bán đã biết hoặc đáng lẽ phải biết sự kiện hàng hóa đã bị mất mát hay hư hỏng và đã không thông báo cho người mua về điều đó thì việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa do người bán phải gánh chịu”. Trong khi đó, Điều 60 Luật Thương mại đã quy định đơn giản hơn đó là: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng”. Như vậy, có thể thấy sự khác nhau của CISG với Luật Thương mại là ở câu từ, bởi vì mặc dù CISG quy định thời điểm chuyển rủi ro kể từ lúc hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát chứng từ xác nhận một hợp đồng vận chuyển, nhưng về nguyên tắc quan hệ mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển giữa các chỉ phát sinh từ thời điểm giao kết hợp đồng nên thời điểm chuyển rủi ro được suy luận trong trường hợp này là kề từ thời điểm giao kết hợp đồng và gần như tương đồng với quy định của Luật Thương mại. Tuy nhiên, bởi vì hàng hoá được giao cho vận chuyển trước đó nên về nguyên tắc người mua đã nhận rủi ro về mình từ lúc hàng hoá được giao cho người chuyên chở (mang tính hồi tố)[12]. Điểm khác biệt duy nhất ở đây là CISG có giới hạn rủi ro cho người mua khi giao kết là trường hợp hàng hoá đã bị mất mát hoặc hư hỏng và người bán đã biết hoặc đáng lẽ phải biết sự kiện này nhưng đã không thông báo về điều đó. Câu hỏi đặt ra là: (1) Làm sao để xác định những mất mát hay hư hỏng về hàng hoá xảy ra trước hay sau thời điểm giao kết hợp đồng?; (2) Như thế nào là đã biết hoặc đáng lẽ phải biết sự kiện hàng hóa đã bị mất mát hay hư hỏng?. Có lẽ, đó là vấn đề khó xác định khi mà có những hàng hoá trở nên rất nhạy cảm với các điều kiện về thời tiết, quá trình bảo quản; ranh giới giữa sự nguyên vẹn và hư hỏng chỉ cách nhau trong gang tấc. Trong khi, theo luận giải từ các học giả và các án lệ thì các bên không nhất thiết phải thoả thuận nội dung hồi tố rủi ro này một cách rõ ràng trong hợp đồng, mà chỉ cần bên bán chứng minh được mình đã hoàn tất nghĩa vụ chuyển cho người mua toàn bộ tài liệu tiêu chuẩn, hướng dẫn bảo quản, trong đó bao gồm cả hợp đồng bảo hiểm là đủ thể hiện việc chuyển toàn bộ rủi ro cho người mua kể từ thời điểm hàng hóa được giao cho người vận chuyển[13].

2.3. Chuyển rủi ro hàng hoá trong một số trường hợp khác

2.3.1. Chuyển rủi ro khi giao nhận hàng tại trụ sở bên bán

Theo khoản 1 Điều 69 CISG, rủi ro sẽ được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm bên mua nhận hàng hoá; hoặc từ thời điểm hàng hóa đặt dưới sự định đoạt của bên mua tại cơ sở của bên bán và bên mua vi phạm hợp đồng do không chịu nhận hàng. Quy định này khá tương đồng với khoản 1 Điều 61 Luật Thương mại, theo đó: “Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng”. Cả CISG và Luật Thương mại quy định về thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp này là từ thời điểm hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của bên mua tại cơ sở của bên bán giống với điều kiện EXW của INCOTERMS ® 2010, nhưng khác nhau ở chỗ là theo điều kiện EXW thì bên bán phải có nghĩa vụ thông báo cho bên mua rằng hàng hóa đã được giao tại xưởng của mình.

Trong khi, theo CISG dù bên mua không biết rằng hàng hóa đã được đặt dưới quyền định đoạt của mình thì rủi ro cũng đã được chuyển sang cho bên mua[14]; còn theo khoản 2 Điều 61 Luật Thương mại để chuyển rủi ro cho bên mua, hàng hoá cần phải được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, thông báo cho bên mua hoặc xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác. Do đó, nếu áp dụng EXW của INCOTERMS ® 2010 và Điều 61 Luật Thương mại thì sẽ đỡ rủi ro hơn cho bên mua so với áp dụng khoản 1 Điều 69 CISG.

2.3.2. Chuyển rủi ro khi giao nhận hàng ngoài trụ sở bên bán

Trường hợp bên mua phải nhận hàng tại một nơi khác với nơi có trụ sở của bên bán, rủi ro được chuyển giao khi đã đến thời hạn giao hàng và bên mua biết rằng hàng hóa được đặt dưới quyền định đoạt của họ tại nơi đó (khoản 2 Điều 69 CISG). Như vậy, trường hợp này dự liệu cho việc bên mua nhận hàng tại địa điểm khác trụ sở bên bán như: Cảng, kho, bãi hay địa điểm kinh doanh của bên mua. Khi đó, thời điểm chuyển rủi ro là thời hạn giao hàng nếu thoãn mãn các điều kiện: (i) giao hàng đúng thời hạn trong hợp đồng, (ii) hàng hoá đặt dưới quyền định đoạt của người mua, (iii) người mua biết rằng hàng hoá đã được đặt dưới quyền định đoạt của mình. Tuy nhiên, Luật Thương mại lại không có quy định về trường hợp cụ thể nào giống như khoản 2 Điều 69 CISG.

2.3.3. Chuyển rủi ro khi giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Theo quy định của Điều 59 Luật Thương mại, khi hàng hoá đang được nắm giữ bởi người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định trong hai trường hợp: (1) Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá; (2) Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua. CISG không có quy định về trường hợp cụ thể như vậy.

Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của Luật Thương mại về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Với một chặn đường dài đã qua, những quy định về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của Luật Thương mại đã phần nào cho thấy được sự ổn định và tiệm cận với các quy phạm chuẩn mực trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thế nhưng, bối cảnh giao thương hàng hoá quốc tế thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay, cùng với việc tham gia các hiệp ước quốc tế đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết đó là hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói chung và Luật Thương mại nói riêng để hoà nhập với sân chơi chung toàn cầu. Từ kết quả nghiên cứu so sánh các quy định của CISG và Luật Thương mại về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, tác giả xin được trình bày những điểm còn bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện một số quy định về vấn đề này trong Luật Thương mại như sau:

3.1. Quy định về chuyển rủi ro đối với trường hợp hàng hoá đang trên đường vận chuyển chưa có sự tương thích với CISG, gây nhiều bất lợi cho người mua và khó giải quyết hợp lý khi phát sinh tranh chấp

Với sự đơn giản nhất có thể, Điều 60 Luật Thương mại quy định rằng: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng”. Thật khó để người mua tưởng tượng được những gì đã và đang xảy ra đối với hàng hoá mà mình sắp mua khi nó đã được người bán giao cho đơn vị vận chuyển trước đó và đang trên đường vận chuyển, trong khi họ buộc phải nhận rủi ro về mình từ lúc giao kết hợp đồng. Có thể, những nhà lập pháp sẽ cho rằng khi chấp nhận giao kết trong trường hợp này là người mua đã nhận thức được hết các rủi ro có thể gặp phải liên quan đến hàng hoá là đối tượng của hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ là rất khiên cưỡng nếu nói rằng ý chí của người mua là vẫn chấp nhận giao kết hợp đồng ngay cả khi nhận thức được hàng hoá đã hư hỏng hoặc mất mát trong giai đoạn từ lúc người bán giao hàng cho đơn vị vận chuyển đến lúc người mua giao kết hợp đồng. Thậm chí ngay cả khi người bán trung thực trong giao kết thì cũng chỉ cần một sự chuyển giao bảo quản bất cẩn hoặc sơ suất của người bán sang người vận chuyển cũng đã đủ đặt hàng hoá (đối tượng của hợp đồng) trước muôn vàng khả năng tổn thất (ánh sáng, nhiệt độ, tác động cơ học,…). Tuy nhiên, nếu quy định thêm một mốc thời gian để chuyển rủi ro như Điều 68 CISG là “kể từ lúc hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát chứng từ xác nhận một hợp đồng vận chuyển” thì cũng khó để xác định là hàng hoá bị mất mát hoặc hư hỏng ở giai đoạn nào?. Do đó, quy định của Điều 60 Luật Thương mại dù đơn giản để các bên xác định thời điểm chuyển rủi ro, nhưng lại hàm chứa rất nhiều rủi ro cho người mua nên không đảm bảo tính hài hoà về quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng và vì thế nó cần phải được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Tác giả đề xuất hoàn thiện như sau: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng nếu trước đó đã không có bất kỳ sự bất cẩn hay sơ suất nào từ người bán. Trong trường hợp người bán đã biết hoặc đáng lẽ phải biết sự kiện hàng hóa đã bị mất mát hay hư hỏng mà không thông báo cho người mua thì việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa sẽ do người bán gánh chịu”.

3.2. Quy định về thời điểm chuyển rủi ro khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá của Điều 59 Luật Thương mại là không phù hợp, nên bãi bỏ

Trường hợp này, trên thực tế gây ra nhiều tranh cãi vì điều luật đã không làm rõ nội dung “Người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển” là ai? Nếu người này có mối quan hệ mật thiết với người bán thì rủi ro của người mua sẽ bị gia tăng khi thời điểm chuyển rủi ro là lúc họ nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá. Dù vậy, thì việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp này cũng không phù hợp với thực tế mua bán hàng hoá quốc tế hiện nay vì việc nhận chứng từ sở hữu hàng hoá chỉ là hành vi pháp lý có thể chuyển giao bằng cách khác, còn trên thực tế thì hàng hoá vẫn chưa đặt dưới sự kiểm soát của người mua nên nếu buộc người mua phải nhận rủi ro về mình là không hợp lý. Do đó, tác giả cho rằng nên xem xét bải bõ quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Thương mại.

3.3. Trong một số trường hợp ranh giới chuyển rủi ro trong Luật Thương mại chưa được xác định một cách rõ ràng như các điều kiện của Incoterm

Ranh giới chuyển rủi ro là một vấn đề tiên quyết để xác định thời điểm chuyển rủi ro giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nên cần phải được quy định chi tiết, rõ ràng để áp dụng giải quyết trong trường hợp các bên không có thoả thuận, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các bên khi đàm phán gaio kết hợp đồng chọn Luật Thương mại áp dụng mà không cần phải thoả thuận thêm ranh giới chuyển rủi ro như các điều kiện trong Incoterm. Do đó, Luật Thương mại cần thiết phải có quy định cụ thể về ranh giới chuyển rủi ro. Tác giả đề xuất xác định ranh giới chuyển rủi ro như sau: Điều 57, 59, 61 (hàng hoá đặt an toàn trên phương tiện vận chuyển hoặc tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian đã định), Điều 58 (hàng hoá đặt an toàn trên phương tiện vận chuyển).

3.4. Điều 57 của Luật Thương mại chưa quy định rõ như thế nào được gọi là “đã giao cho bên mua” nên gây nhiều tranh cãi

Trong một số trường hợp, việc quy định như thế nào được xem là “đã nhận hàng hoá”, “đã được giao” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định thời điểm chuyển rủi ro. Trường hợp như tại Điều 57 của Luật Thương mại là một dẫn chứng điển hình. Mặc dù, đã quy định chi tiết về chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định là “khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá”, nhưng thực tế sẽ dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp nếu có thiệt hại xảy ra đối với hàng hoá từ việc tranh cãi về các thuật ngữ pháp lý “đã nhận hàng hoá”, “đã được giao”. Vì vậy, tác giả kiến nghị nên định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ này theo hướng gắn với ranh giới chuyển rủi ro như tiểu mục 3.3 nêu trên.

Với tính chất là một nội dung quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trở nên có ý nghĩa đối với quá trình thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp pháp sinh nếu có giữa các bên. Vì vậy, không chỉ là sự cẩn trọng cần có của các bên khi đàm phán giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, mà các quy phạm điều chỉnh vấn đề này cần phải hết sức rõ ràng, chi tiết và phù hợp với thực tiễn vận hành, phát triển của hoạt động thương mại quốc tế để thúc đẩy các hoạt động ngoại thương phát triển.


[1] Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Chủ biên PGS.TS. Trần Văn Nam), Bài giảng Pháp luật Kinh doanh quốc tế, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân (2019), tr.119.

[2] Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.879.

[3] Từ điển Luật học, tr.422.

[4] https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/risk_1?q=risk.

[5] Xem thêm: Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Tóm tắt Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, 2018, tr.8.

[6] Trần Viết Long, Bùi Thị Huyền Trang, Chuyển rủi ro hàng hoá trong Công ước Viên 1980: Tiếp cận pháp lý và khuyến nghị thực thi tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01-2021, tháng 4/2021.

[7] Theo giải thích của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Án lệ về CISG.

[8] CLOUT case No.683 (1999), CIETAC Arbitration, China. Nguồn truy cập: http://cisgw3.law.pace.edu/ cases/990000c1.html, truy cập ngày 27/7/2023.

[9] Theo Bình luận của Ban Thư ký về Điều 78 của Bản Dự thảo CISG năm 1978.

[10] Xem thêm: Trần Viết Long, Bùi Thị Huyền Trang, Chuyển rủi ro hàng hoá trong Công ước Viên 1980: Tiếp cận pháp lý và khuyến nghị thực thi tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01-2021, tháng 4/2021, tr.122.

[11] https://mrhale.vn/wp-content/uploads/2020/02/Incoterms-2020.pdf.

[12]Xem thêm: https://apolatlegal.com/vi/bai-viet/tong-quan-ve-chuyen-rui-ro-trong-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te-theo-cisg.html,<truy cập ngày 27/7/2023>.

[13] Xem thêm: Trần Viết Long, Bùi Thị Huyền Trang, Chuyển rủi ro hàng hoá trong Công ước Viên 1980: Tiếp cận pháp lý và khuyến nghị thực thi tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01-2021, tháng 4/2021, tr.123.

[14] Xem thêm: https://law-itd.com/2021/07/31/moi-quan-he-giua-incoterms-va-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te-cisg/, <truy cập ngày 27/7/2023. 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế năm 1980.

2. Quy tắc của ICC về sử dụng các điều kiện thương mại quốc tế và nội địa (Incoterms) 2010.

3. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.

4. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005.

5.  Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Tóm tắt Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, 2018, tr.8.

6. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Chủ biên PGS.TS. Trần Văn Nam), Bài giảng Pháp luật Kinh doanh quốc tế, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân (2019).

7. Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, tr.879.

8. Trần Viết Long, Bùi Thị Huyền Trang, Chuyển rủi ro hàng hoá trong Công ước Viên 1980: Tiếp cận pháp lý và khuyến nghị thực thi tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01-2021, tháng 4/2021.

9. https://law-itd.com/2021/07/31/moi-quan-he-giua-incoterms-va-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te-cisg/.

10. https://apolatlegal.com/vi/bai-viet/tong-quan-ve-chuyen-rui-ro-trong-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te-theo-cisg.html.

11. https://mrhale.vn/wp-content/uploads/2020/02/Incoterms-2020.pdf.

12. CLOUT case No.683 (1999), CIETAC Arbitration, China. Nguồn truy cập: http://cisgw3.law.pace.edu/ cases/990000c1.html.

13. https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/risk_1?q=risk.

Nghiên cứu sinh QUÁCH MINH TRÍ

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Nguyễn Mỹ Linh