(LSO) -Sáng 18/9, tiếp tục Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất 2 văn phòng: Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng trước đây và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh; vừa phải bảo đảm cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải bảo đảm thực hiện chức năng riêng của đoàn ĐBQH và HĐND.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và quan điểm xây dựng Nghị quyết quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh với những lý do nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua thảo luận trong Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án giao HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng là phù hợp, đúng quy định của Luật Chính quyền địa phương.
Về số lượng và tên gọi các phòng của Văn phòng này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội và thấy rằng, việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao. Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 3 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm một phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý việc quy định số lượng phòng như trong dự thảo và cho rằng, nếu thành lập thêm một phòng để đáp ứng công việc thì cần căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương. Tổng biên chế nhân sự cho Văn phòng địa phương quyết định dựa trên vị trí việc làm nhưng không được vượt quá số lượng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh cần làm rõ khái niệm "thành lập mới" để phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời cần quy định cụ thể về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, vị trí, chức năng, quyền hạn của Văn phòng này. Về biên chế, cần căn cứ vào khung biên chế theo luật Chính quyền địa phương. Về cấp phó của Văn phòng này, thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ sẽ rà soát, đánh giá cán bộ và do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Đồng tình với quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu thành lập thêm phòng thứ 4, phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Trung ương là 7 biên chế với thành phố lớn và 5 biên chế với tỉnh, thành phố nhỏ, ít dân số…
Trên cơ sở thảo luận, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
LÊ SƠN/VGP