Theo đó, phát triển nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo dùng chung trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm nhằm mục đích giúp tự động hóa quy trình, tiết kiệm nhân công, tăng cường năng suất công việc và chất lượng dịch vụ. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là phát triển các nền tảng trợ lý ảo phục vụ các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân; khách du lịch và người học.
Đồng thời, đưa trợ lý ảo trở nên phổ biến với công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và phục vụ nhu cầu cơ bản tra cứu, tìm kiếm thông tin của người dân.
Nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo phải đáp ứng nhu cầu hỏi đáp, tra cứu, tìm kiếm thông tin trong cơ quan nhà nước và của người dân; đáp ứng các tiêu chí cơ bản của các nền tảng số quốc gia mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ chức năng liên tục bổ sung tri thức từ nhiều nguồn khác nhau để trở nên thông minh hơn, hỏi đáp tốt hơn. Trợ lý ảo có khả năng hỏi – đáp theo hội thoại, trả lời các câu hỏi liên tiếp có nội dung liên quan đến nhau.
Đối với trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước: Xây dựng và triển khai tại một số Bộ phục vụ nhu cầu hỏi đáp của công chức, viên chức, người lao động về các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ.
Đối với trợ lý ảo cho người dân: Xây dựng và triển khai trợ lý ảo cho người dân để hỗ trợ hỏi đáp về một số quy trình, thủ tục, dịch vụ công mà người dân quan tâm.
Đối với trợ lý ảo cho khách du lịch: Xây dựng và triển khai trợ lý ảo phục vụ tra cứu, tìm kiếm thông tin về du lịch như hỏi đáp về danh lam thắng cảnh, các địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn và các thông tin khác theo nhu cầu của du khách.
Đối với trợ lý ảo cho người học: Triển khai trợ lý ảo hỏi đáp các tri thức chung về địa lý, lịch sử... và một số kiến thức chuyên sâu theo một số ngành, lĩnh vực cụ thể.
Quyết định nêu rõ, việc thúc đẩy sử dụng nền tảng số trợ lý ảo nhằm góp phần nâng cao mặt bằng tri thức của người Việt, lưu giữ tri thức của người Việt, đồng thời mở ra một không gian mới cho phát triển kinh tế số.
HỒNG HẠNH