Ảnh minh họa.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về thời điểm người bào chữa có thể tham gia tố tụng cùng một số quy định liên quan tới yêu cầu đối với người bào chữa. Những quy định này là bảo đảm về mặt hình thức để bảo đảm việc người bào chữa có đủ điều kiện thực hành việc bào chữa, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người được bào chữa.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng đưa ra quy định bảo đảm người bào chữa có đủ thông tin về vụ án để thực hiện tốt nhất công tác bào chữa, bảo đảm tính công bằng trong xét xử như quy định về quyền của người bào chữa, quy định liên quan tới việc gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam cũng như các quy định liên quan tới thu thập, giao nộp chứng cứ.
Để bảo đảm quyền tiếp cận với thông tin vụ án của người bào chữa, đặc biệt là khi pháp luật quy định công tác điều tra vụ án thuộc cơ quan công quyền, cần bảo đảm có sự hợp tác giữa các cơ quan này với người bào chữa. Điều này được quy định qua các vấn đề như quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án hay trách nhiệm thông báo cho người bào chữa.
Có thể thấy rằng, để bảo đảm khả năng tranh tụng của Luật sư trong quá trình tố tụng, cần có được sự phối hợp giữa ba chủ thể là người được bào chữa, cơ quan công quyền và Luật sư. Thiếu vắng đi bất kỳ yếu tố nào thì chất lượng của việc tranh tụng trước tòa của Luật sư cũng sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định nhằm bảo đảm cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa đang tồn tại một số khó khăn cho Luật sư và người được bảo vệ. Các khó khăn này tới từ việc thiếu đi tính linh hoạt trong công tác thủ tục cũng như các khó khăn liên quan tới việc áp dụng thực tế các quy định, gây khó khăn cho Luật sư trong công việc cũng như ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền lợi của người được bảo vệ.
Các vấn đề thực tế
Các quy định liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự đã góp phần tạo điều kiện cho Luật sư tác nghiệp trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, thực tiễn hành nghề vẫn còn hiện tượng quan liêu từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho hoạt động bào chữa của Luật sư.
Thủ tục đăng ký bào chữa
Khoản 4, Điều 78, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5, Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án, nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Thực tế cho thấy, các Luật sư rất hiếm khi nhận được văn bản sau thời hạn được quy định của luật, cá biệt có những trường hợp thời gian này có thể kéo dài tới vài tháng nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra.
Gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam
Quy định liên quan tới việc gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam được nêu rõ tại Điều 80, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng chỉ tập trung vào các yêu cầu về mặt thủ tục gặp gỡ và nghĩa vụ của người bào chữa.
Việc gặp thân chủ trong trường hợp bị tạm giam là yêu cầu để bảo đảm quyền hành nghề của Luật sư và quyền được bảo vệ của đương sự. Quy định hiện hành của pháp luật chưa tập trung vào bảo vệ quyền lợi của hai đối tượng là chủ thể thực hiện quyền này.
Vấn đề này được hướng dẫn chi tiết hơn tại Điều 12, Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an và tại khoản 3 có quy định việc “không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam”. Tuy nhiên trên thực tiễn, việc Luật sư gặp khách hàng trong quá trình điều tra vấp phải rất nhiều khó khăn từ phía Cơ quan điều tra, Điều tra viên và cả cơ sở tạm giam.
Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam chưa thực sự có các quy định để tạo điều kiện cho Luật sư và thân chủ được trao đổi về vụ việc. Trong khi pháp luật nhiều quốc gia ghi nhận đặc quyền giữa Luật sư và thân chủ. Theo đó, mọi trao đổi giữa Luật sư và thân chủ của mình, dù là bằng hình thức văn bản hay lời nói thì đều được bảo mật, trừ một số trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định. Đây là quyền thuộc về khách hàng và nghĩa vụ tuân thủ của Luật sư.
Thực tiễn ở Việt Nam, khi Luật sư tiếp xúc với bị can bị tạm giam luôn có người thuộc cơ sở giam giữ ngồi cạnh. Với sự tham gia của người thuộc cơ sở giam giữ trong các buổi tiếp xúc giữa Luật sư với thân chủ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc trao đổi.
Kể từ thời điểm Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực vào đầu năm 2018 đến nay, đã có bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và thực tế từ phía các cơ quan và những người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực thi các quy định nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự trong nhiều vụ án hình sự, đây cũng là cơ sở cho việc hội đồng xét xử quyết định, ban hành bản án xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở từ phía một số Cơ quan điều tra và Điều tra viên, cơ sở giam giữ. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức không đúng, không đầy đủ về quyền gặp, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra tại cơ sở giam giữ.
Hiện nay, rất nhiều Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ quản lý cơ sở giam giữ vẫn nhận thức và yêu cầu thực hiện trên thực tế trong giai đoạn điều tra là việc gặp, tiếp xúc, làm việc, tham dự các buổi hỏi cung của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự chấp thuận của Cơ quan điều tra hoặc theo kế hoạch hỏi cung của Điều tra viên. Ðiều này đã được các Luật sư phản ánh rất nhiều trong các cuộc tọa đàm, hội thảo. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổng hợp, thống kê và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về hàng trăm đơn thư khiếu nại trong nhiều năm qua của Luật sư do phải đăng ký, chờ đợi hàng tháng vẫn không được gặp, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra. Ðó là chưa kể, trong các buổi làm việc, hỏi cung, thường các Luật sư không được đặt câu hỏi, thậm chí nếu có chỉ được hỏi thăm về sức khỏe, thông tin về tình trạng gia đình mà thôi…
Quyền gặp mặt, tiếp xúc, làm việc riêng của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam bắt nguồn và liên quan trực tiếp từ quyền Hiến định cho phép người bị buộc tội có quyền nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa và đây là cơ sở triển khai hoạt động của Luật sư trong tố tụng hình sự.
Tinh thần mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của Luật sư trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Ðiều 74, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các văn bản nêu trên không có điều, khoản nào quy định về việc Luật sư gặp khách hàng trong giai đoạn điều tra bắt buộc phải có mặt Điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của Cơ quan điều tra.
Như vậy, về mặt pháp lý, như nội dung điểm a, b khoản 1, Ðiều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có hai trình tự cuộc gặp của người bào chữa:
Thứ nhất, cuộc gặp, làm việc riêng, chủ động của người bào chữa với người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa, trong trường hợp cần thiết thì báo với cơ quan thụ lý vụ án để cử người tham gia giám sát, chứ không thể lấy lý do Cơ quan điều tra không đồng ý, hoặc Điều tra viên bận không tham dự, để từ chối việc Luật sư yêu cầu gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam.
Thứ hai, người bào chữa tham dự cuộc làm việc, hỏi cung theo kế hoạch của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, chỉ được đặt câu hỏi khi được Điều tra viên đồng ý, nếu được phép đặt câu hỏi và trả lời thì nội dung phải ghi rõ trong biên bản, Luật sư đọc lại, xác nhận và ký tên trên biên bản.
Do đó, cùng với các kiến nghị, góp ý bằng văn bản, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề nghị Bộ Công an hướng dẫn, quán triệt để Cơ quan điều tra các cấp, các Điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ cần nhận thức thống nhất và bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa nói chung và quyền gặp riêng của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, không bị giới hạn thời gian gặp, làm việc và có hướng dẫn rõ trường hợp nào bị hạn chế gặp hoặc phải có sự giám sát.
Vấn đề này sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, tôn trọng sự thật khách quan và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân trong các vụ án hình sự.
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng quy định tại Điều 74, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho phép người bị bắt, tạm giữ có thể yêu cầu người bào chữa được tham gia tố tụng từ thời điểm người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Quy định này được đưa ra vì hành vi tạm bắt, tạm giữ người đang là một hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người và việc người bào chữa tham gia tại thời điểm này là để tránh xảy ra các trường hợp lạm dụng quyền lực của các cơ quan công quyền, dẫn tới những câu hỏi mang tính dẫn dắt, bức cung, nhục hình.
Ngay khi bị bắt, tạm giữ thì Luật sư đã có quyền tham gia tố tụng nếu như đáp ứng được các quy định về thủ tục đăng ký bào chữa, đây là điểm mới và tiến bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, từ thực tiễn hành nghề có thể thấy rằng rất hiếm trường hợp người bị bắt, tạm giữ có ý thức về việc yêu cầu sự tham gia của Luật sư ngay trong giai đoạn này. Việc này gây bất lợi cho Luật sư về mặt thời gian trong quá trình tiếp nhận vụ án, đồng thời cũng ảnh hưởng tới nội dung điều tra được ghi nhận.
Chỉ định người bào chữa
Khoản 1, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tội danh và hình phạt phải chỉ định người bào chữa như sau:
“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.
Việc quy định đối tượng của chỉ định bào chữa đối với nhóm tội phạm có mức án cao nhất của khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên và chung thân, người dưới 18 tuổi và người có nhược điểm về thể chất so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã mở rộng hơn. Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng phát triển cả về kinh tế lẫn nhận thức thì việc bắt buộc có Luật sư ở nhóm tội từ nghiêm trọng trở lên cũng là một giải pháp phù hợp cả về thực tiễn cũng như lý luận trong pháp luật về tố tụng hình sự.
Tiêu chuẩn Luật sư trong án tử hình
Việc người bào chữa tham gia vào các vụ án có hình phạt là án tử hình là một quy định bắt buộc trong pháp luật tố tụng hình sự. Quy định này xuất phát từ tính nghiêm trọng trong hậu quả của việc án tử hình yêu cầu sự xem xét kỹ lưỡng các tình tiết để tránh xảy ra những sai lầm, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các vụ án có khung hình phạt tử hình thường có tình tiết hết sức phức tạp, người bào chữa trong các vụ án này cũng có trách nghiệm đặc biệt lớn, việc thiếu đi kinh nhiệm hành nghề và kinh nghiệm tranh tụng có thể khiến mục đích của việc quy định bắt buộc có người bào chữa trong các vụ án hình sự không được bảo đảm.
Trên thực tế, pháp luật của nhiều quốc gia đã đặt ra yêu cầu tối thiểu cho các Luật sư tham gia vào việc tranh tụng trong các vụ án có hình phạt tử hình. Việc đặt ra các quy định này là để bảo đảm đại diện của bị can có sự cân xứng trong quá trình tố tụng cũng như bảo đảm việc Luật sư tham gia tranh tụng có đủ năng lực, tránh việc lãng phí thời gian và nguồn lực của Tòa án.
Hoa Kỳ là ví dụ tiêu biểu cho hệ thống pháp luật sử dụng mô hình tranh tụng. Với vị thế đặc biệt quan trọng của Luật sư tranh tụng trong các vụ án có hình phạt tử hình, pháp luật của mỗi bang đều đưa ra yêu cầu tối thiểu để một Luật sư có thể tranh tụng trước tòa trong vụ án tử hình. Tuy có thay đổi cụ thể trong pháp luật của từng bang, song điểm chung của các quy định này đều yêu cầu Luật sư có tối thiểu hai tới ba năm kinh nghiệm hành nghề tính tới trước thời điểm nhận vụ án và có kinh nghiệm tham gia tối thiểu trong các vụ án có hình phạt là tử hình.
Hiện nay, mặc dù pháp luật Việt Nam đã quy định về việc bắt buộc có người bào chữa trong các vụ án có khung hình phạt cao nhất là tử hình nhưng thực tế cho thấy, đặc biệt trong các vụ án mà Luật sư bào chữa được chỉ định, vẫn chưa có một quy định nào về điều kiện tối thiểu để có thể tham gia vào các vụ án này.
Đứng từ góc độ bảo đảm yếu tố tranh tụng, việc thiếu đi những yêu cầu đối với Luật sư tham gia tranh tụng trong các vụ án có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không bảo đảm được việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa.
Thạc sĩ LÊ HỒNG LAM
Công ty Luật TNHH Lạc Việt
Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự Việt Nam