(LSO) - Thực tiễn hoạt động hành nghề của luật sư nói chung và hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư đối với các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em nói riêng có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, quá trình hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là thực tiễn thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động xét xử các vụ án hình sự ở nước ta nói chung và vụ án liên quan đến trẻ em nói riêng.
Thực tiễn hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư đối với các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em
Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định riêng tại Chương XII đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Ngoài ra, trong vụ án hình sự liên quan đến trẻ em còn có rất nhiều bộ luật, luật liên quan quy định, như vấn đề bồi thường, cách thức xử lý giải quyết bồi thường được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự hay Luật Trẻ em xác định đối tượng là trẻ em, các quyền, nghĩa vụ của trẻ em cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với trẻ em…
Một vụ án hình sự xảy ra liên quan tới trẻ em, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, quan tâm là của toàn xã hội, không của riêng ai. Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em trong vụ án hình sự cũng đồng thời là trách nhiệm của luật sư đối với xã hội nói chung. Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, tình hình xâm phạm tình dục trẻ em nói riêng có diễn biến phức tạp, được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn xảy ra còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện nhằm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục toàn diện cho trẻ em trong tình hình mới.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trừ một số trường hợp đặc biệt khác.
Dù tham gia tố tụng với vai trò nào thì trẻ em cũng luôn là người còn hạn chế cả về thể chất và tinh thần, rất cần được sự giúp đỡ về mọi mặt và luôn phải có người đại diện hợp pháp cùng tham gia.
Trường hợp trẻ em là người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, khi có yêu cầu luật sư tham gia bào chữa thì trong các giai đoạn tố tụng từ khởi tố điều tra đến truy tố và xét xử, luật sư luôn phải dành tâm huyết nhiều hơn so với những vụ án bình thường. Bởi ngoài việc tìm hiểu những vấn đề đặc thù của trẻ em phạm tội được pháp luật quy định, luật sư còn phải nắm bắt được tâm lý, tình cảm, tâm tư; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của trẻ em, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề nghị yêu cầu thỏa đáng và đúng pháp luật giúp cho việc giải quyết vụ án được tốt nhất và hiệu quả nhất cho quyền lợi của trẻ em.
Ví dụ, trường hợp trẻ em phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khi tham gia bào chữa cho trẻ em trong vụ án này thì luật sư cần nghiên cứu thật kỹ các tình tiết, chứng cứ giúp bào chữa có hiệu quả và tốt nhất cho trẻ em. Bên cạnh đó cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cũng như nhân thân của người phạm tội như gia đình bị can, bị cáo ra sao, bố mẹ có hoàn cảnh gì đặc biệt, cha mẹ có ly hôn không, hoàn cảnh sống như thế nào và tác động ra sao tới việc phạm tội của trẻ em.
Tại giai đoạn khởi tố điều tra nhất là những buổi lấy cung, đòi hỏi sự có mặt của luật sư, ngoài việc tạo tâm lý ổn định cho người bị buộc tội thì cũng để cho trẻ em hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình để khai báo một cách khách quan, đầy đủ nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng và hiệu quả.
Trong giai đoạn truy tố, sau khi nhận được cáo trạng của viện kiểm sát đề nghị truy tố về khung, khoản, điều; người bị buộc tội là trẻ em có thể rất hoang mang, lo sợ hoặc cũng có thể không hiểu rõ sự việc thì luật sư là người cần giải thích cũng như tư vấn cho khách hàng của mình nắm chắc thêm các quy định của pháp luật, từ đó chấp hành phù hợp. Ngoài ra có những vấn đề liên quan, cần thiết cho khách hàng của mình thì luật sư có đề xuất, kiến nghị phù hợp bảo đảm quyền lợi cho trẻ em phạm tội.
Tại phiên tòa xét xử là đỉnh cao của quá trình tranh tụng, luật sư cần có sự chuẩn bị thật tốt từ việc hỏi bị cáo đến việc đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên tòa cũng như có luận cứ chặt chẽ bào chữa cho khách hàng của mình một cách sắc bén, có căn cứ nhằm thuyết phục hội đồng xét xử để đưa ra những phán quyết thấu tình đạt lý và có lợi nhất cho khách hàng của mình.
Trường hợp vụ án mà trẻ em là bị hại hoặc người tham gia tố tụng khác cũng đòi hỏi một yêu cầu nặng nề khác khi luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, bởi trong những vụ án này, trẻ em là người còn chưa hoàn thiện về thể chất cũng như tinh thần, hiểu biết pháp luật và xã hội rất hạn chế nên luôn có tâm lý e ngại, giấu sự việc; do vậy ngay từ ban đầu, việc đưa vụ án ra công khai đã là cả một quá trình khó khăn, khi được giải thích hay hiểu ra vấn đề thì mọi chuyện đều đã muộn, tình tiết, chứng cứ, nhân chứng đã cũ, phai nhạt, thậm chí là đã mất dấu tích… Ví dụ như những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Đây là những vụ án thường bị phát hiện và giải quyết muộn và chậm do người bị hại không dám tố cáo bởi nhiều lý do, hơn nữa đa phần người thực hiện hành vi phạm tội là người thân thích hoặc hàng xóm láng giềng hoặc người hiểu biết, dễ che dấu hành vi phạm tội của mình.
Một thực tiễn mà Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra thông qua Đoàn giám sát của Quốc hội đối với loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đó là chúng ta còn chưa quan tâm một cách đúng mức, đầy đủ về trẻ em là tương lai của đất nước. Có tới gần 50% người được hỏi không biết có Luật Trẻ em hoặc chỉ nghe đâu đó. Có tới trên 90% các vụ liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em là do người thân hoặc quen biết gây ra. Đây cũng là vấn đề mà toàn xã hội chúng ta cần suy ngẫm và dành sự quan tâm hợp lý nhất cho trẻ em.
Điều cần đề cập thực tiễn hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư đối với vụ án hình sự liên quan đến trẻ em, đó là ngoài việc khách hàng trực tiếp yêu cầu tham gia thì còn có việc chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều này dù cố gắng cũng vẫn mất một thời gian để luật sư hoàn tất thủ tục tham gia tố tụng. Hơn nữa, nhiều khi số lượng luật sư còn hạn chế cho việc tham gia chỉ định cũng như tâm lý luật sư ngại tham gia những vụ án này bởi thời gian, công sức tham gia nhiều nhưng thù lao còn hạn chế. Thực tế nhiều vụ án khó khăn, chậm chễ giải quyết còn có nguyên nhân là đối với những vụ án hình sự mà người phạm tội là trẻ em thì phần lớn có hoàn cảnh gia đình phức tạp như cha mẹ không còn hoặc ly hôn, do đó việc xác định các thủ tục đại diện hợp pháp cũng là một khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây cũng là một sự khó khăn, phức tạp cho luật sư khi tham gia vụ án.
Một số vướng mắc và kiến nghị, đề xuất
Thực tiễn hoạt động hành nghề của luật sư nói chung và hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư đối với các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em nói riêng có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, quá trình hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là thực tiễn thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động xét xử các vụ án hình sự ở nước ta nói chung và vụ án liên quan đến trẻ em nói riêng.
Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rằng, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
Trong trường hợp giấy tờ hợp lệ thì cơ quan tiến hành tố tụng vào sổ đăng ký và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký trong thời hạn 24 giờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời hạn 24 giờ quy định trong luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường vi phạm và ít khi thực hiện theo luật định, thậm chí phải liên hệ nhiều lần mới gặp được người tiến hành tố tụng. Cá biệt có nơi còn yêu cầu xác minh nhân thân luật sư rồi mới thông báo đăng ký bào chữa, điều này rất gây bức xúc cho đội ngũ luật sư.
Trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, việc yêu cầu người bào chữa thường thông qua người thân thích hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện nên việc xác định lại ý chí của bị can, bị cáo trong trại tạm giam là ít khả thi và cực kỳ khó khăn khi cơ quan quản lý trại giam không hợp tác và tạo điều kiện.
Luật sư đã có văn bản thông báo tham gia tố tụng thì được sử dụng trong cả quá trình tố tụng nhưng hiện nay mỗi nơi thực hiện một khác, thậm chí mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng lại yêu cầu đăng ký lại việc bào chữa, gây rất phiền hà, vướng mắc cho luật sư tham gia tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng, nhất là trường hợp khách hàng đang bị tạm giam hoặc thuộc các tỉnh vùng sâu, xa đi lại khó khăn, vất vả hoặc là trẻ em mà sự hiểu biết còn hạn chế và chưa hoàn thiện về mọi mặt.
Về thủ tục đăng ký bào chữa ban đầu, luật sư đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tiếp tục thực hiện việc bào chữa, tranh tụng thì việc gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam thường vướng mắc ở khâu xuất trình văn bản thông báo người bào chữa. Luật sư nhận được thông báo người bào chữa ở giai đoạn điều tra thì khi sang giai đoạn truy tố và xét xử, trại tạm giam thường yêu cầu phải đăng ký và có thông báo người bào chữa ở giai đoạn tương ứng; điều này là trái quy định của luật tố tụng hình sự cũng như rất mất thời gian và phiền hà cho luật sư, không đáp ứng được yêu cầu bào chữa cho khách hàng của mình một cách kịp thời và có hiệu quả. Đối với việc bào chữa hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em còn liên quan thủ tục người đại diện hoặc giám hộ…
Một vấn đề nữa mà các luật sư còn chưa hài lòng là bị hạn chế thời gian gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam. Pháp luật không quy định hạn chế thời gian làm việc của luật sư bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam để tạo điều kiện cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam hiểu rõ những nội dung chứng cứ buộc tội mình và có thể sử dụng các chứng cứ này tranh tụng tại phiên tòa xét xử cũng như làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, giám thị trại tạm giam lại thường hạn chế thời gian làm việc của luật sư bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, chỉ cho phép dài nhất là 60 phút, thông thường chỉ được 30 - 45 phút trong mỗi lần gặp. Luật sư muốn kéo dài thời gian làm việc với bị can, bị cáo thì phải chuyển sang ngày làm việc khác và phải làm lại thủ tục xin phép trình giám thị trại tạm giam. Điều này gây khó khăn nhất định khi luật sư muốn làm rõ những vấn đề chứng cứ cũng như thảo luận các phương án tranh tụng với bị can, bị cáo đang bị tạm giam để kịp thời phục vụ việc bào chữa.
Thời gian luật sư gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam đã eo hẹp; khi gặp lại có điều tra viên hoặc cán bộ điều tra ngồi cạnh để giám sát (các cơ quan thường không muốn người bào chữa có mặt trong hoạt động điều tra vì sợ rằng sẽ gây cản trở khó khăn). Trường hợp này xảy ra ngay cả trong trường hợp đã kết thúc điều tra và có cáo trạng truy tố của viện kiểm sát.
Việc bị can, bị cáo tiếp cận những tài liệu, hồ sơ vụ án khi luật sư bào chữa sao chụp được mang vào trại tạm giam cũng không phải dễ (do bị cán bộ trại tạm giam ngăn cản, không cho bị can, bị cáo tiếp xúc những tài liệu mà luật sư mang vào). Thực trạng này làm cho luật sư cũng như bị can, bị cáo không thể thuận lợi trong việc bào chữa cũng như phối hợp tranh tụng tại phiên tòa, đỉnh cao của hoạt động tranh tụng.
Nghị quyết 08/NQ- TW, 48/NQ- TW và 49/NQ- TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đã lãnh đạo rất rõ là phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tranh tụng của luật sư. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Ở giai đoạn xét xử, nhìn chung chất lượng bào chữa của luật sư tại phiên tòa có rất nhiều cải thiện tốt, luật sư đã đưa ra những tài liệu, chứng cứ có tính thuyết phục để bào chữa cho khách hàng của mình, đặc biệt đối với khách hàng là trẻ em. Người bào chữa được quyền trình bày lập luận, đưa ra các chứng cứ, tài liệu để đối đáp với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh luận và yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp tranh luận với ý kiến của người bào chữa, hội đồng xét xử phải ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa ... Tuy nhiên các quy định này vẫn chưa được thưc hiện nghiêm túc và đầy đủ: kiểm sát viên thường không tranh luận hoặc đối đáp đến cùng với ý kiến của luật sư nêu ra hoặc tranh luận không đầy đủ, do đó vụ án không được giải quyết một cách sáng tỏ, triệt để. Hội đồng xét xử thường nhắc luật sư khi họ bắt đầu trình bày quan điểm trong khi chưa hiểu rõ họ định trình bày như thế nào, nội dung ra sao, dài hay ngắn, cá biệt còn hạn chế thời gian tranh luận gây bức xúc, ức chế cho người bào chữa. Nội dung trong bản án, quyết định của tòa án ít khi nêu hoặc không nêu ý kiến trình bày, tranh luận của luật sư hoặc phần tranh luận của luật sư thường bị cắt xén hoặc nêu rất chung chung, chưa thể hiện rõ quan điểm của luật sư khi tranh tụng tại phiên tòa. Điều này khiến các cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận vị trí, vai trò của luật sư rất phiến diện và hạn chế.
Khó khăn, vướng mắc của luật sư trong hoạt động hành nghề nói chung và trong thực tiễn thực hiện hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em, trong đó có nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự nói riêng là một chủ đề rất trọng tâm được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm và tìm cách tháo gỡ. Qua phân tích thấy rằng, những khó khăn, vướng mắc này đến bởi nhiều nguyên nhân khác nhau cũng như từ nhiều phía, nhiều chủ thể liên quan. Để hoạt động luật sư và hành nghề luật sư ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em là tương lai của đất nước góp phần bảo vệ công lý, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong tình hình mới; tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; để hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng hình sự trong đó có nguyên tắc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự, chúng ta cần có quy chế phối hợp chung giữa ba cơ quan trọng tâm trong hoạt động xét xử là tòa án, kiểm sát và luật sư. Theo quy định của pháp luật cũng như thực tiễn tham gia các vụ án hình sự, qua tham khảo một số nước phát triển mô hình tranh tụng hình sự như Mỹ, Nhật Bản… thì sự phối hợp giữa ba cơ quan hoạt động rất hiệu quả và hàng năm, các cơ quan này họp chung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tố tụng hình sự nói riêng, bảo đảm cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện tốt, đồng thời tránh được oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện tốt những yêu cầu sau:
Tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức và hiểu biết pháp luật cho mỗi người dân để họ thực hiện tốt; sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trong mỗi cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn luật sư Việt Nam phải giáo dục cho cán bộ, nhân viên cũng như thành viên của mình nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như tạo điều kiện cho nhau thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Thường xuyên xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, phù hợp, có tính dự báo và ổn định cao; bảo đảm cho mỗi người dễ hiểu, hiểu đúng và đủ để thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả. Những vấn đề quan trọng, tác động đến nhiều chủ thể, quyền lợi của nhân dân cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng như tôn trọng nhân dân, trong đó có chủ thể tác động chính như Luật Trẻ em và thận trọng trước khi quyết định hoặc thông qua.
Mỗi cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần hú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên và thành viên của mình không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận cũng như ý thức văn hóa, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với công việc trong tình hình mới. Bên cạnh đó có sự giao lưu, phối hợp giữa các cơ quan với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cho mỗi chuyên đề hoặc công việc theo định kỳ hoặc kế hoạch nhằm phát huy những điểm tốt và khắc phục những bất cập, hạn chế.
ThS. LS. LÊ ĐĂNG TÙNG