Tại Việt Nam, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019, trong đó định hướng sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để phù hợp với các hoạt động của kinh tế chia sẻ.
Theo Báo cáo mới đây của Bộ Tư pháp [1] về việc rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ thì mô hình này được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự liên quan đến hoạt động kinh tế chia sẻ chỉ tập trung vào 03 lĩnh vực phổ biến nhất, đang có tác động kinh tế-xã hội lớn nhất trong thực tiễn tại Việt Nam, gồm: dịch vụ vận tải trực tuyến; dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ và cho vay ngang hàng (P2P lending).
Trên thế giới, qua nghiên cứu, rà soát pháp luật của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore... có thể thấy, về cơ bản, các quốc gia đều áp dụng các quy định pháp luật dân sự hiện hành để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ. Các tranh chấp, vướng mắc pháp lý phát sinh do sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ chủ yếu tập trung vào các vấn đề về cạnh tranh, điều kiện đầu tư, kinh doanh, bảo vệ người lao động, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thuế... Các vấn đề này được các quốc gia giải quyết, xử lý bằng hệ thống pháp luật chuyên ngành như các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, pháp luật về lao động, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thuế, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Dưới góc độ pháp lý, có 03 quan hệ hợp đồng cơ bản trong một mô hình kinh tế chia sẻ cụ thể, gồm: quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp dịch vụ (vận tải, lưu trú...) với người cung cấp nền tảng kết nối; quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp nền tảng kết nối với khách hàng (người tiêu dùng); và quan hệ hợp đồng giữa khách hàng (người tiêu dùng) với người cung cấp dịch vụ. Theo pháp luật Việt Nam, 03 quan hệ hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định chung về giao kết, thực hiện, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng (Điều 385-569) cũng như quy định cụ thể về một số hợp đồng thông dụng như hợp đồng thuê tài sản (Điều 472-493), hợp đồng vận chuyển (Điều 522-541), hợp đồng dịch vụ (Điều 513-521), hợp đồng vay tài sản (Điều 463-470), hợp đồng ủy quyền (Điều 562-569)... Về hình thức của hợp đồng, về nguyên tắc, các hợp đồng trong mô hình kinh tế chia sẻ là hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu và phải chịu sự điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, Chương 4 Luật Giao dịch điện tử đã có các quy định đặc thù về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, Chương 2 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử cũng đã có quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử.
Quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp dịch vụ (vận tải, lưu trú...) với người cung cấp nền tảng kết nối
Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định chung về hợp đồng cũng như những quy định riêng về hợp đồng dịch vụ (Điều 513-521). Bên cạnh đó, Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về các hoạt động trung gian thương mại trong đó có hoạt động môi giới thương mại (Điều 150-154). Điều 150 Luật Thương mại quy định: Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
Như vậy, quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp dịch vụ (chia sẻ xe, chia sẻ phòng ở, cho vay ngang hàng...) với người cung cấp nền tảng kết nối có thể coi là hợp đồng môi giới, trong đó, người cung cấp nền tảng kết nối là bên môi giới còn người cung cấp dịch vụ là bên được môi giới. Theo quy định của Luật Thương mại thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có nghĩa vụ trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới [2]. Thực tế, trong các mô hình kinh tế chia sẻ, thường các công ty cung cấp nền tảng kết nối sẽ miễn tiền phí dịch vụ (bản chất là thù lao môi giới) cho khách hàng (người tiêu dùng) nhưng sẽ thu tiền phí dịch vụ từ bên cung cấp dịch vụ, chẳng hạn ở Việt Nam hiện nay, Grab thu phí sử dụng nền tảng ở mức 33%/giá trị 01 giao dịch đặt xe thành công. Ngoài ra, do bản chất của hoạt động trung gian thương mại và hoạt động trên môi trường điện tử nên trên thực tế, hiện nay, các nền tảng kết nối này đang được quản lý như các sàn giao dịch thương mại điện tử theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Theo quy định này, bản chất của việc cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối (dù là qua website hay ứng dụng di động) thì đều được coi là cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, rất nhiều nền tảng kết nối tại Việt Nam như Grab, Luxstay... đã đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương với tư cách sàn giao dịch thương mại điện tử và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thương mại điện tử.
Quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp nền tảng kết nối với khách hàng (người tiêu dùng)
Trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác, các nền tảng đóng vai trò của một bên trung gian, cụ thể là bên môi giới giữa các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Quan hệ hợp đồng giữa người cung cấp nền tảng kết nối với khách hàng (người tiêu dùng) có thể coi là hợp đồng môi giới, trong đó, người cung cấp nền tảng kết nối là bên môi giới, còn khách hàng (người tiêu dùng) là bên được môi giới.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về loại hình dịch vụ mà nền tảng cung cấp thì cần căn cứ vào quy định của pháp luật chuyên ngành đó để xác định mối quan hệ hợp đồng giữa các bên, đặc biệt là giữa nhà cung cấp nền tảng kết nối với khách hàng (người tiêu dùng). Chẳng hạn, trong trường hợp các công ty cung cấp nền tảng kết nối vận tải lựa chọn mình là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ [3] thì hợp đồng giữa công ty cung cấp nền tảng kết nối với khách hàng (người tiêu dùng) không còn là hợp đồng môi giới nữa mà chính là hợp đồng vận chuyển. Quan hệ giữa bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về hợp đồng vận chuyển đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 522-529), Nghị định số 10/2020/NĐ-CP...
Quan hệ hợp đồng giữa khách hàng (người tiêu dùng) với người cung cấp dịch vụ
Bản chất của mối quan hệ giữa người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ trong mô hình kinh tế chia sẻ là quan hệ trao đổi ngang hàng (cho thuê tài sản, cho vay, cung cấp dịch vụ) thông qua trung gian là nền tảng kết nối. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định chung về hợp đồng cũng như những quy định riêng về một số hợp đồng thông dụng có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, như: hợp đồng thuê tài sản (Điều 472- 493), hợp đồng vận chuyển (Điều 522-541), hợp đồng dịch vụ (Điều 513-521), hợp đồng vay tài sản (Điều 463-470)... Giá cả dịch vụ được cung cấp thông qua các nền tảng kết nối do nhà cung cấp dịch vụ nền tảng quyết định (như trong mô hình kinh doanh của Uber, Grab) hoặc do người cung cấp dịch vụ quyết định (như trong mô hình kinh doanh chia sẻ phòng ở của Airbnb, Luxstay).
Ngoài ra, trên thực tế, mối quan hệ hợp đồng giữa người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ trong mô hình kinh tế chia sẻ còn phải tuân thủ quy chế hoạt động và các điều khoản sử dụng dịch vụ hay điều khoản hoạt động do các nền tảng xây dựng và công bố, trong đó có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa các bên tham gia giao dịch thông qua nền tảng.
Các quy định pháp luật dân sự về sở hữu, quyền tài sản liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ
Trong mối quan hệ giữa nền tảng, người cung cấp dịch vụ (như lái xe cho Grab, người cho thuê nhà trên Airbnb, Luxstay, bên cho vay trên Interloan) và khách hàng (người sử dụng dịch vụ) thì người cung cấp dịch vụ vẫn là chủ sở hữu đối với các tài sản này (nhà, căn hộ, khoản tiền, xe...), chứ không phải các nền tảng. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã có các quy định chung về tài sản (Điều 105-115) và quyền sở hữu (Điều 186-244). Khách hàng (người sử dụng dịch vụ) chỉ có quyền sử dụng các tài sản này trên cơ sở hợp đồng (hợp đồng vận chuyển, hợp đồng thuê nhà) với nhà cung cấp dịch vụ và phải trả tiền thuê, phí dịch vụ. Có một ngoại lệ là đối với mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) thì có sự chuyển giao quyền sở hữu đối với khoản tiền vay, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó (Điều 465 Bộ luật Dân sự năm 2015), tương tự như trong các hợp đồng vay tài sản truyền thống.
Tuy nhiên, sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng và kinh tế số nói chung đã đặt ra vấn đề pháp lý mới về quyền sở hữu đối với các dữ liệu do người dùng tạo ra khi tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ (dữ liệu có được coi là tài sản và ai là chủ sở hữu đối với dữ liệu?).
Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”. Như vậy, bản thân “dữ liệu” là một khái niệm rất rộng, vì vậy, khi nghiên cứu pháp luật về quyền sở hữu điều chỉnh các dữ liệu được tạo ra trong mô hình kinh tế chia sẻ, cần phân biệt giữa dữ liệu cá nhân và dữ liệu khác không phải là dữ liệu cá nhân, đồng thời, cũng như cần phân biệt giữa dữ liệu bí mật và dữ liệu công khai.
Đối với các dữ liệu cá nhân, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đang tiếp cận dữ liệu cá nhân dưới góc độ của quyền nhân thân chứ không phải quyền tài sản, tức là “gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” [4]. Như vậy, theo quan niệm của các nhà làm luật thì dữ liệu cá nhân không phải là một loại tài sản.
Tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Dưới góc độ của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì bản thân dữ liệu không được coi là tài sản sở hữu trí tuệ mà chỉ có sưu tập dữ liệu mới được coi là tài sản và được bảo hộ quyền tác giả. Khoản 2 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó. Quy định này cho thấy, điều kiện để dữ liệu được coi là tài sản là dữ liệu phải được tập hợp, tuyển chọn, sắp xếp một cách sáng tạo. Việc các nền tảng đơn thuần lưu trữ các dữ liệu do người dùng tạo ra khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ không đương nhiên tạo ra quyền sở hữu đối với sưu tập dữ liệu do chưa đáp ứng được yêu cầu về tính sáng tạo trong việc tuyển chọn, sắp xếp các dữ liệu.
Đối với các dữ liệu bí mật, trường hợp dữ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn của bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ thì có thể được coi là tài sản và được bảo hộ với danh nghĩa là bí mật kinh doanh.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì tùy từng trường hợp cụ thể, dữ liệu chỉ có thể được coi là tài sản khi đáp ứng những điều kiện nhất định.
Các quy định pháp luật dân sự về cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ các phương thức giải quyết tranh chấp trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên trong mô hình kinh tế chia sẻ, như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết. Trong trường hợp không thể tự thương lượng, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp khác như hòa giải, trọng tài thương mại hoặc một bên có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Tựu trung lại, mô hình kinh tế chia sẻ vẫn là một xu hướng mới, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này. Trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào ban hành một luật riêng chỉ để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ. Khung pháp luật dân sự hiện hành của Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đã khá đầy đủ để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giao dịch, hợp đồng, tài sản, quyền sở hữu và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ mà không cần có sự sửa đổi, bổ sung hay xáo trộn lớn. Tại Việt Nam, việc điều chỉnh pháp luật (nếu có) trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ, chẳng hạn: rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ; rủi ro biến tướng thành “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending); rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân và rủi ro các dữ liệu do người dùng tạo ra khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ không được khai thác, sử dụng hiệu quả…
Đối với những vấn đề các bên không có thỏa thuận, Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể thì khi phát sinh tranh chấp, có thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, tòa án có thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.
[1] Báo cáo số 45/BC-BTP ngày 17/3/2021. [2] Xem Điều 152 Luật Thương mại 2005. [3] Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định “Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này”. [4] Khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015. |
Thạc sĩ TRẦN THÚY VÂN
Trường Đại học Tân Trào
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được giao khu vực biển