Ảnh minh họa.
Từ thực tiễn công tác này, có thể thấy nhiều điểm sáng cần được tiếp tục phát huy, lan tỏa. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp và người dân giảm thời gian kê khai, đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của doanh nghiệp được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, doanh nghiệp cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, thủ tục hành chính về thuế trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập như:
- Thời gian kê khai thuế quá lớn. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 24% doanh nghiệp cho rằng cán bộ thuế còn yêu cầu các văn bản không cần thiết và đánh giá thủ tục thuế xếp thứ hai về chậm cải cách thủ tục hành chính.
- Trong nhiều trường hợp, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thuế chậm ban hành, hoặc thiếu, hoặc không thống nhất khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh như điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, làm gia tăng chi phí, thời gian…
- Thiếu sự phối hợp của cán bộ cơ quan thuế. Hầu hết doanh nghiệp đều có những sai sót khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế lần đầu, tuy nhiên, việc nhận được hướng dẫn cụ thể từ cán bộ thuế là chưa nhiều, khiến doanh nghiệp thường phải làm nhiều lần mới có thể hoàn thành, làm tăng chi phí khi thực hiện.
- Những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới thực hiện chính sách và thủ tục hành chính thuế chưa nhận được những giải đáp kịp thời của cơ quan thuế, điển hình là về các vấn đề nợ thuế, thông báo nợ thuế và phạt nộp chậm thuế.
- Các báo cáo kiểm toán chủ yếu nặng về phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế để từ đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước. Việc kiểm toán đánh giá sự tuân thủ pháp luật, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan quản lý thu chưa được quan tâm, chú trọng. Các đánh giá kiểm toán về công tác quản lý thu chủ yếu dựa trên số báo cáo của đơn vị như: Số liệu thu thuế, tỉ lệ thực hiện dự toán, nợ đọng, miễn giảm...; chưa tập trung phân tích, đánh giá tồn tại, bất cập trong công tác quản lý thu thuế, nhất là việc ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến thuế và quản lý thu thuế của các bộ, ngành, địa phương; chưa phân tích, làm rõ được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý điều hành nên chất lượng các ý kiến tư vấn, kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý thu thuế chưa cao.
- Phạm vi kiểm toán việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế còn hạn chế. Việc kiểm toán chủ yếu thực hiện trong quá trình kiểm toán báo tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế tại đơn vị quản lý thu. Việc kiểm toán nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác được thực hiện thông qua hình thức đối chiếu nhưng do thiếu cơ sở pháp lý và Kiểm toán nhà nước chưa quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung, phạm vi kiểm toán tại các đối tượng này nên quá trình kiểm toán gặp nhiều khó khăn.
- Số lượng đối tượng nộp thuế lớn, địa bàn rộng khắp trong khi nguồn nhân lực của cơ quan kiểm toán còn hạn chế, dẫn đến mẫu chọn kiểm toán chiếm tỉ lệ nhỏ trong số lượng đối tượng quản lý. Mặt khác, việc quản lý thuế được thực hiện qua các phần mềm quản lý thuế, trong khi kiểm toán viên chỉ thực hiện kiểm toán trên hồ sơ do cơ quan quản lý thuế chiết xuất, do đó hạn chế đến kết quả kiểm toán.
- Cơ sở pháp luật chưa rõ ràng về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước đối với kiểm toán thuế nên phạm vi kiểm toán còn hẹp, chưa bao quát hết các đối tượng nộp thuế. Việc kiểm toán thuế mới chỉ thực hiện tại các doanh nghiệp nhà nước, tại cơ quan quản lý thu, trong khi đối tượng nộp thuế rộng, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã, hộ cá thể kinh doanh…
- Sự phối hợp với các cơ quan quản lý thu với Kiểm toán nhà nước chưa tốt; Kiểm toán nhà nước chưa thể truy cập và khai thác được dữ liệu quản lý của ngành thuế.
- Chưa thực hiện kiểm toán theo phương pháp phân tích rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán nên chức năng xác nhận bị hạn chế.
- Quy trình kiểm toán chưa quy định cụ thể, nhất là nội dung, phạm vi, quyền hạn khi thực hiện việc đối chiếu thuế tại các đối tượng nộp thuế. Chất lượng kiểm toán viên còn nhiều hạn chế…
Một số giải pháp giải quyết bất cập thủ tục hành chính về thuế
- Một là, kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết từng đơn vị. Đây là khâu hết sức quan trọng, giúp cho các thủ tục về thuế đơn giản, dễ thực hiện và không để phát sinh thêm thủ tục mới.
- Hai là, công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
- Ba là, chú trọng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “4 tại chỗ”, “5 tại chỗ”.
- Bốn là, ứng dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông để nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, địa phương.
- Năm là, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
- Sáu là, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Bảy là, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí; bố trí công chức làm việc tại trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
- Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục về thuế. Tạo kênh thông tin, tuyên truyền kiến thức pháp luật liên quan đến thủ tục thuế cho doanh nghiệp, người dân.
- Chín là, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại các cơ quan.
Luật sư HOÀNG TRỌNG GIÁP
Công ty Luật TNHH Hoàng Sa