Đây là một nội dung trong Quyết định số 2/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo do Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 21/01.
Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, NHCSXH tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.
Hiện nay mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
Sau 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã có trên 1,4 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay gần 62.000 tỉ đồng; trong đó ưu tiên tập trung vốn cho hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thu hút, tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 7/11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội, đổi mới các hình thức sản xuất,…) và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (như: thu nhập, lao động có việc làm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn “nghèo - vay vốn - thoát nghèo - trả vốn - tái nghèo”; đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng. Tuy nhiên, muốn triển khai giảm nghèo bền vững phải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ…
Để giảm nghèo bền vững, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên. Đồng thời, cần quan tâm đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ thành giải pháp cơ bản để nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
THANH HÀ
Dự thảo hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ