/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tội 'Bức tử' theo quy định của Bộ luật Hình sự

Tội 'Bức tử' theo quy định của Bộ luật Hình sự

24/01/2022 16:07 |

(LSVN) - Bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát. So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung mới một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 2, Điều 130 đó là "Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai". Những hành vi cấu thành tội "Bức tử" là những hành vi đi ngược đạo đức và lẽ phải, bị xã hội lên án, xâm phạm trực tiếp quyền sống, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Trong phạm vi tìm hiểu về tội "Bức tử", theo quan điểm cá nhân, tác giả đưa ra mộ số nội dung cần lưu ý trong cấu thành loại tội phạm này và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của điều luật

"Điều 130, Bộ luật Hình sự quy định về tội "Bức tử":

1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai".

Theo quy định trên, bảo đảm các yếu tố cấu thành loại tội phạm này đó là:

Về khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ, quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.

Về mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp hoặc ngược đãi, làm nhục nạn nhân. Đối xử tàn ác với nạn nhân là hành vi gây đau khổ về thể chất hay tinh thần như nạn nhân bị đánh đập, bị bỏ đói, bỏ rét, bắt làm việc nặng nhọc, quá sức, không cho học hành, vui chơi... Những hành vi này bị dư luận xã hội lên án. Hành vi đánh đập người khác nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho nạn nhân làm nạn nhân tự sát thì cấu thành tội "Bức tử". Nếu hành vi đó lại gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân từ 11% trở lên thì phạm tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 134).

Thường xuyên ức hiếp nạn nhân là hành vi của người phạm tội dựa vào quyền chức, tiền bạc để đè nén, áp bức người lệ thuộc mình, làm những điều bất công, phi lý đối với nạn nhân như: Trả lương không công bằng, đánh đập không được kêu la, bớt xén tiêu chuẩn chế độ... Ngược đãi đối với nạn nhân là hành vi đối xử tàn nhẫn, trái với lương tâm, đạo đức, lẽ phải. Đạo đức và lẽ phải là những quy tắc xử sự trong xã hội, trong gia đình, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như con cái phải kính trọng bố mẹ; vợ chồng phải có nghĩa vụ thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, nuôi dạy con cái, nhân viên phải tôn trọng và chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo, lãnh đạo phải dân chủ và tôn trọng ý kiến của nhân viên... Ngược đãi đối với nạn nhân chính là đi ngược lại những quy tắc xử sự đó. Làm nhục nạn nhân là hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc mình như: Chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông, tung tin đồn nhảm để người khác tưởng là nạn nhân thật sự xấu xa, tội lỗi...(1).

Đối với hành vi đối xử tàn ác có thể chỉ diễn ra một lần, nhưng các hành vi ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục phải diễn ra thường xuyên mới cấu thành loại tội phạm này.

Về phía nạn nhân: Nạn nhân phải là người lệ thuộc vào người phạm tội và chính nạn nhân tự tước bỏ quyền sống của mình chứ không phải ai khác. Mối quan hệ lệ thuộc có thể là về kinh tế, công tác, lệ thuộc về tôn giáo hoặc về các mặt khác cụ thể là: Lệ thuộc về kinh tế: Thể hiện qua việc nạn nhân phải phụ thuộc người phạm tội về việc được cung cấp các nhu cầu ăn, mặc, ở hoặc các điều kiện vật chất khác để duy trì cuộc sống; Lệ thuộc về công tác thể hiện qua việc nạn nhân phải chịu ảnh hưởng và tác động của người khác trong quan hệ công tác trong các cơ quan tổ chức (như chịu ảnh hưởng của Thủ trưởng, của Giám đốc, của cấp trên…); Lệ thuộc về tôn giáo như tín đồ của người có chức sắc trong giáo hội; Lệ thuộc về các mặt khác như bệnh nhân với thầy thuốc, học sinh với thầy cô giáo…(2).

Hậu quả tự sát có chết người hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nguyên nhân và động cơ thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tiêu cực, bế tắc đã tự sát là do hành vi của người phạm tội gây ra. Vì vậy, cần làm rõ mối quan hệ nhân quả này. Trong trường hợp người phạm tội cưỡng bức người khác tự sát vì các lí do khác nhau thì phải coi là phạm tội "Giết người".

Chủ thể của tội phạm: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý gián tiếp hoặc do lỗi vô ý.

- Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, thấy trước hậu quả là người bị hại sẽ tự sát của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

- Lỗi vô ý:

 + Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Lỗi vô ý do quá cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Đối với loại tội phạm này, khi áp dụng trên thực tiễn cũng cần lưu ý, tránh nhầm lẫn với các tội phạm khác. Ví dụ: Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại không tự mình tước bỏ quyền sống của mình mà nhờ người khác giúp thì người đó tùy theo từng trường hợp cụ thể mà xác định phạm tội "Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát" (Điều 131, Bộ luật Hình sự) hoặc phạm tội "Giết người" (Điều 123, Bộ luật Hình sự). Người có hành vi đối xử tàn ác, ức hiếp, ngược đãi nạn nhân sẽ không phạm tội "Bức tử" mà có thể bị xử lý về tội "Hành hạ người khác", căn cứ vào hành vi nạn nhân có tự sát hay không (Điều 140, Bộ luật Hình sự). Người có hành vi ép buộc người khác phải tự sát mà nạn nhân không còn sự lựa chọn nào khác thì người đó không phạm tội "Bức tử" mà phạm tội "Giết người" (Điều 123, Bộ luật Hình sự).

2. Những hạn chế, vướng mắc

Thứ nhất, khoản 1, Điều 130, Bộ luật Hình sự quy định “Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát…”.

Theo quy định trên, hành vi đối xử tàn ác dù mới xảy ra một lần nhưng nếu dẫn đến người lệ thuộc tự sát thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn hành vi ức hiếp, ngược đãi, làm nhục phải diễn ra nhiều lần, thường xuyên làm cho nạn nhân bị dày vò về tư tưởng, tình cảm, thấy bế tắc mà tự sát, nếu hành vi đó không diễn ra thường xuyên thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều luật quy định cụm từ “thường xuyên” trong một số trường hợp cụ thể sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi áp dụng, qua đó dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Trên thực tế, có những hành vi ức hiếp, ngược đãi, làm nhục người lệ thuộc không cần diễn ra thường xuyên mà chỉ diễn ra một hoặc hai lần nhưng đã gây ra những tổn thương, bức xúc đè nén nhất định khiến người lệ thuộc tự sát. Ví dụ: Chị Nguyễn Thị D. và anh Nguyễn Văn A. là vợ chồng, do bị thất nghiệp và phải ở nhà trông con nên chị D. bị phụ thuộc chồng (anh A.) trong vấn đề tiền bạc. Trong một lần bực tức, cho rằng vợ chỉ ở nhà ăn bám mình nên anh A. đã có những lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự chị D. trước sự chứng kiến của hàng xóm xung quanh. Áp lực trong cuộc sống nuôi dạy con và bị chồng miệt thị đến nhân phẩm, danh dự nên chị A. đã tìm đến cái chết.

Thứ hai, về tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 2, Điều 130, Bộ luật Hình sự có quy định trường hợp phạm tội “Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết có thai”. Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng nên quy định thêm các đối tượng khác cũng thuộc trường hợp này như người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, người ốm đau, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng sẽ bảo đảm đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định của điều luật, đối với trường hợp nếu bị hại là người dưới 16 tuổi khi áp dụng sẽ không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là người dưới 16 tuổi. Đối với bị hại là phụ nữ có thai, điều kiện đặt ra đó là chỉ khi người phạm tội biết chính xác người đó có thai mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 130, Bộ luật Hình sự, nếu người phạm tội không biết người phụ nữ đó có thai thì hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc là phụ nữ có thai làm người đó tự sát thì không có cơ sở để áp dụng.

Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền của người phụ nữ và trẻ em theo quy định của pháp luật, tác giả cho rằng, điểm b, khoản 2, Điều 130, Bộ luật Hình sự chỉ nên quy định “Phạm tội đối với phụ nữ có thai” và có thể bổ sung thêm trường hợp phạm tội đối với “Phụ nữ nuôi con dưới 06 tháng tuổi”.

3. Kiến nghị

Tội "Bức tử" quy định tại Điều 105, Bộ luật Hình sự năm 1985 được hướng dẫn áp dụng bởi Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành. Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 130, Bộ luật Hình sự năm 2015 nên có thể áp dụng tinh thần Nghị quyết số 04. Tuy nhiên, Nghị quyết hướng dẫn mới chỉ quy định một cách khái quát, hơn nữa đối với tội danh này Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung mới.

Chính vì vậy, để pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, xuất phát từ nguyên tắc “nghiêm trị nhưng vẫn có sự khoan hồng” đối với người phạm tội, khắc phục trường hợp bỏ lọt tội phạm do các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất. Trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 130 về tội "Bức tử", trong đó hướng dẫn cụ thể các hành vi ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc dẫn đến tự sát nếu hành vi đó không diễn ra thường xuyên mà chỉ diễn ra một hoặc hai lần thì áp dụng quy định nào để giải quyết?

Qua nghiên cứu, tác giả có quan điểm kiến nghị về việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung tội "Bức tử" tại Điều 130, Bộ luật Hình sự đó là bỏ cụm từ “thường xuyên” trong kết cấu của điều luật; bổ sung thêm các đối tượng là người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, người ốm đau, người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng vào điểm b, khoản 2, Điều 130, Bộ luật Hình sự; bỏ điều kiện nếu bị hại là phụ nữ có thai phải biết là đang có thai theo hướng chỉ cần quy định “Phạm tội đối với phụ nữ có thai” theo điểm b, khoản 2, Điều 130, Bộ luật Hình sự. Điều luật cụ thể bao gồm các nội dung như sau:

Điều 130. Tội "Bức tử"

1. Người nào đối xử tàn ác, ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, người ốm đau, người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

(1) Mục 4, Chương 2, Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1985 do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành.

(2) Mục 4, Chương 2, Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1985 do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành.

PHÙNG HOÀNG

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Điểm mới cần lưu ý tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2014

 

Lê Minh Hoàng