Bà Margarita Konenkova (1895-1980) là một điệp viên xuất sắc của tình báo Liên Xô. Người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo này cũng được cho là người tình cuối cùng của nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein.
Konenkova là ai?
Năm 1998, nhà đấu giá Sotbey đã đưa ra đấu giá một số kỷ vật của nhà vật lý học vĩ đại Albert Einstein. Trong số những vật phẩm được đưa ra đấu giá khi đó có một chiếc đồng hồ, vài bức hình “độc” của Einstein và đặc biệt là những bức thư mà nhà khoa học nổi tiếng đã viết cho bà Margarita Konenkova - vợ của nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga Sergey Konenkov.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những bức thư đó không cho thấy mối quan hệ giữa nhà khoa học người Mỹ và Margarita Konenkova không chỉ là mối quan hệ bạn bè bình thường. Ví dụ, trong những bức thư, Einstein thường gọi Margarita Konenkova là “Margarita yêu quý” một cách trìu mến. Ông cũng dành nhiều thời gian để miêu tả về việc cuộc sống của ông trở nên khó khăn ra sao khi không có bà ở bên.
“Tôi vừa gội đầu xong nhưng không thể làm được như em đã làm. Mọi thứ xung quanh đều khiến tôi nhớ về em, từ những chiếc khăn quàng cổ tới những cuốn từ điển hay những chiếc kèn mà chúng ta từng nghĩ đã bị mất. Tổ ấm của chúng ta trống rỗng”, Eistein viết trong một bức thư gửi cho Margarita đề ngày 27/11/1945.
Theo nhà bán đấu giá, những bức thư nói trên đã được một trong những người họ hàng của Margarita tìm thấy trong số những đồ đạc còn lại của bà vào cuối những năm 1990. Bà Margarita Konenkova sinh năm 1895 trong một gia đình danh giá.
Khi cuộc nội chiến nổ ra ở Anh, gia đình Margarita với truyền thống nhân ái sẵn có trở thành nơi trú ẩn, bệnh xá của rất nhiều người dân xung quanh. Chú của Margarita vốn là một người có tiếng nói ở địa phương cũng đã rất tích cực đứng ra quyên góp hỗ trợ cho những nạn nhân chiến tranh.
Về sau, gia đình Margarita chuyển tới Moscow sinh sống. Tại đây, bà theo học ở trường nữ Sarapul rồi học ngành luật tại trường Madame Poltoratsky ở Moscow. Sự thông minh cùng vẻ quyến rũ khiến Margarita lúc bấy giờ trở thành mục tiêu theo đuổi của rất nhiều chàng trai trẻ, trong đó có cả những ngôi sao. Ấy thế nhưng, duyên trời sắp đặt, bà lại nảy sinh tình cảm với Sergei Konenkov - một nhà điêu khắc nổi tiếng, được ví như Rodin của Nga.
Ông Konenkov về sau từng tả về vợ mình như sau: “Cô ấy xinh đẹp đến nỗi tôi nghĩ rằng cô ấy phải là sản phẩm của những nghệ sĩ vĩ đại và tài năng nhất”. Năm 1992, hai người thành hôn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Năm 1923, Margarita cùng chồng sang Mỹ dự một triển lãm về nghệ thuật Liên Xô. Theo kế hoạch, chuyến đi của họ chỉ kéo dài trong vài tháng nhưng cuối cùng hai vợ chồng chỉ trở về quê hương sau đó 22 năm. Và, bậc thầy về tình báo của Liên Xô Pavel Sudoplatov trong một cuốn sách xuất bản năm 1995 khẳng định, khi lên đường sang Mỹ, Margarita đã là một thành viên của cơ quan tình báo Liên Xô.
Bà sang Mỹ với một nhiệm vụ đặc biệt là tìm hiểu về chương trình hạt nhân của Mỹ thông qua việc tiếp cận nhà khoa học chính của dự án Manhattan Robert Oppenheimer cùng các nhà khoa học nổi tiếng khác mà bà có cơ hội gặp gỡ. Theo đúng kế hoạch đã đặt ra, ngay khi đặt chân tới Mỹ, Margarita đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội và trở thành một ngôi sao trong cộng đồng người Nga tại Mỹ.
Thậm chí, bà còn trở nên nổi tiếng hơn cả người chồng của mình, quen thân với những nhân vật có vai vế tại Mỹ. Trong số những người bạn thân của bà khi đó được cho là có cả Đệ nhất phu nhân Mỹ Elizabeth Roosevelt. Cũng chính bà là người đưa về cho ông Konenkov nhiều đơn đặt hàng quan trọng và duy trì được danh tiếng của mình.
Năm 1935, trường Đại học Princeton đã mời ông Konenkova điêu khắc một tượng của nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein. Chính lời mời này đã dẫn đến cuộc gặp định mệnh giữa nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ và Margarita Konenkova. Năm đó, Albert Einstein 56 tuổi còn Margarita 39 tuổi. Ban đầu, Einstein và Margarita duy trì quan hệ khá bình thường.
Tuy nhiên, sau khi người vợ thứ 2 của Einstein qua đời vào năm 1936, hai người đã trở nên thân thiết hơn. Thời gian đầu, hai người thường bí mật gặp gỡ ở Princeton - nơi được xem là tổ ấm của họ. Kết hợp những chữ cái đầu tiên trong tên của họ, Albert và Margarita thậm chí còn đặt biệt danh cho riêng 2 người là Almar.
Mỗi năm, khi người chồng làm việc ở Chicago, Margarita lại tới sống ở ngôi nhà gần nhà của Einstein ở Saranac, New York trong vài tháng. Trong những bức thư của mình, Einstein thể hiện rõ ông rất trân quý quãng thời gian được ở cùng Margarita và sẵn sàng làm bất cứ thứ gì mà bà yêu cầu.
Điệp viên bí mật
Theo tướng tình báo Liên Xô Pavel Sudoplatov, trong thời gian ở Mỹ, Margarita trở thành mắt xích không thể thiếu trong hoạt động gián điệp của Liên Xô nhằm tìm hiểu về dự án Manhattan. “Tại Princeton, dưới sự hướng dẫn của bà Liza Zarubina - vợ của ông Vasily Zarubin, nhân viên thường trú của NKVD (cơ quan tình báo tiền thân của KGB) - Margarita đã trở nên thân thiết với cả Einstein lẫn Oppenheime.
Nhờ sự thân tình đó, bà ta đã có ảnh hưởng nhất định tới những người này. Ví dụ, Konekova là người đã tích cực tác động để Oppenheimer tiếp xúc và có quan hệ qua lại với các thành viên của Đảng Cộng sản Mỹ. Về sau, bà ấy đã thuyết phục Oppenheime thuê những người có quan điểm cánh tả vào làm việc trong dự án hạt nhân của Mỹ.
Và những điệp viên của chúng tôi, bao gồm cả bất hợp pháp và hợp pháp, đều sẵn sàng làm công việc đó”, ông Sudoplatov cho hay. Không giống như Oppenheimer, Einstein không thực sự tham gia vào dự án Manhattan nhưng nhà khoa học này được cho là tiếp cận được rất nhiều thông tin liên quan đến chương trình hạt nhân của Mỹ thông qua các học trò hay đồng nghiệp của ông đang làm việc cho dự án.
Và tất cả các thông tin này đều là những thông tin mà phía Liên Xô muốn có. Oleg Odnokolenko - một nhà báo của tờ Nezavisimaya Gazeta từng điều tra về chuyện tình của Einstein và Margarita - trong một cuộc phỏng vấn nói rằng rất khó để xác định liệu Konenkova có thực sự có cảm tình với Einstein không, hay chỉ vì công việc. Song, điều chắc chắn là mối quan hệ đó có ích cho công việc tình báo của Margarita.
Theo các nguồn tin, chính Margarita là người đã lôi kéo Einstein gặp Pavel Mikhailov - đại diện lãnh sự của Liên Xô và là người làm việc cho tình báo nước này. Nhà báo Odnokolenko cho rằng, trên thực tế, Einstein chấp nhận gặp Mikhailov vì Margarita và ông biết rõ tương lai của bà tại Liên Xô sau này sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp đó.
Trên thực tế, nhà vật lý học nổi tiếng đã không chỉ gặp điệp viên của Liên Xô một lần mà còn nhiều lần. Dù nội dung các cuộc thảo luận giữa 2 người chính xác là gì và liệu Einstein có cung cấp cho phía Liên Xô các thông tin tình báo hay không là điều đến nay vẫn chưa được làm rõ nhưng trong một bức thư gửi cho một người bạn, Einstein nói rằng ông đã làm mọi việc có thể.
Trong khi đó, việc chính quyền Liên Xô về sau đã trợ cấp hưu trí cho Margarita được nhiều người diễn giải là bằng chứng cho thấy bà đã thực hiện tốt công việc tình báo của mình trong thời gian ở Mỹ. Có tài liệu khẳng định Einstein đã cung cấp thông tin mật cho Liên Xô và hành động này không chỉ vì tình cảm mà ông dành cho Margarita mà còn vì ông luôn cảm thấy dằn vặt lương tâm, muốn cung cấp cho Liên Xô thông tin việc việc chế tạo bom nguyên tử để không cho Mỹ độc quyền bom nguyên tử.
Sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc và cuộc Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên “nóng” hơn, Margarita và chồng bà đã buộc phải rời Mỹ để về nước. Einstein đã tặng cho Margarita chiếc đồng hồ bằng vàng như món quà tiễn biệt. Kể từ đó, họ chỉ có thể duy trì mối quan hệ qua những cánh thư.
HÀ LÊ/PLO