LSVNO - Tòa thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo. Nơi đây từ lâu là một trong những địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với điểm núi Bà, Tòa thánh Tây Ninh đã làm cho Tây Ninh ngày thêm tỏa sáng, phát huy hết thế mạnh về du lịch văn hóa, tôn giáo.
Trong cái nắng nhè nhẹ tháng Ba của đất trời Tây Ninh, tôi theo các tín đồ áo trắng đi vào trong tòa thánh. Là người ngoại đạo, được ông Nguyễn Phát Quan, tín đồ theo đạo Cao Đài hướng dẫn và giải thích nhiệt tình, tôi mới vỡ ra được nhiều điều ẩn trên những lớp kiến trúc đồ sộ như những con mắt trên các cửa sổ, những bút ký hay những biểu tượng tưởng chừng rất thân quen nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Nếu không có ông Quan thì cũng như bao vị khách du lịch khác, thực sự tôi cũng chỉ biết ngắm nhìn những cái đẹp, lạ, nét cổ kính của một công trình kiến trúc có thể nói có một không hai trên mảnh đất Tây Ninh, mà không thể hiểu hết những kiến trúc mang nhiều ý nghĩa của nền văn hóa và tôn giáo nơi đây.
Tòa thánh Tây Ninh cái nôi của đạo Cao Đài.
Đại đạo Tam kỳ phổ độ còn gọi tắt là Cao Đài, là một tôn giáo được sáng lập vào năm Bính Dần (1926) và chọn Tây Ninh làm thánh địa. Mục đích của đạo Cao Đài là lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động… Ông Nguyễn Phát Quan cho biết, người tín đồ đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn ban cho bộ thiết giáp để chầu thầy, tức là bộ áo dài trắng khăn đóng đen, ý thầy muốn các con của thầy phải có cái tâm trong trắng, tâm hồn như bộ áo mặc kiến thầy trắng từ ngoại thể đến nội tâm. Là Đạo hữu tín đồ môn đệ nền đại đạo Tam kỳ phổ độ sáng vào đền thánh thất làm lễ cúng trời, chiều đến báo ân từ điện thờ cúng lễ đất. Vào cúng là quỳ hay ngồi là để tịnh tâm luyện ngũ quan và lắng nghe lời khuyên dạy tu tâm dưỡng tính. Ông Nguyễn Phát Quan giải thích, ý nghĩa của “thiên nhãn” tức là con mắt trời. Thờ Thiên nhãn tức là thờ trời. Trên quả càn khôn, Đức Chí Tôn bảo vẽ thiên nhãn ngay phía trên ngôi sao Bắc Đẩu, tức nhiên Đức Chí Tôn ngự tại ngôi Bắc Đẩu.
Ngay lần đầu xây dựng thánh thất, việc đầu tiên là lập đàn cầu cơ để xây dựng nền móng, và nơi đây bây giờ vẫn còn giữ lại dấu tích trên nóc cung đạo, cung đạo là một vòm trời hình bầu dục xung quanh là các ánh hào quang. Bên trong các ánh hào quang có chạm hình thiên nhãn, một người nam tượng trưng cho nhân loại, đại ngọc tơ, tiểu ngọc cơ với bảng mẫu tự a, b, c, một cái bàn ba chân dùng xây bàn, một ống xâm, quyển sách, một bàn tay cầm bút được nói lên rằng thượng đế đã dùng cơ bút để dạy đạo ở buổi đầu khai sơ, tất cả những biểu tượng được xem là sự thông nhau giữa người với cõi vô hình.
Bát quái đài - nơi thờ Thần thiên nhãn
Tại Hiệp Thiên đài với 2 lầu chuông trống cao chót vót, ở giữa 2 tháp có tượng Đức Phật Di Lặc ngự trên nóc với những mái ngói đỏ cong cong chập chùng, tương tự như kiểu dáng của các chùa Phật giáo Trung Hoa. Trong Cửu Trùng đài có 9 cấp bậc từ thấp lên cao, giống như 9 bậc phẩm của quan lại trong triều đình vua chúa, theo Nho giáo thời xưa ở Trung Hoa. Tất cả những kiến trúc trên đều thể hiện rất rõ tôn chỉ của đạo Cao Đài là quy nguyên tam giáo, phục nhứt ngũ chi. Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh đỏ, trắng rất sặc sỡ. Trên trần được ngăn ra làm 9 khoảng có hình bầu trời đầy mây và sao. Khu chính diện thờ thiên nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.072 ngôi sao, tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu.
Toàn cảnh buổi lễ lúc 12 giờ trưa trong Tòa thánh.
Anh Hồ Văn Phi, người xứ Huế vào Tây Ninh lập nghiệp, hiện là một tín đồ của đạo Cao Đài cho biết, khách đến tham quan Tòa thánh thường chọn giờ Tòa thánh có hành lễ lúc 12 giờ để chứng kiến cách hành lễ rất trang trọng của các tín đồ. Tòa thánh đã thu hút hàng vạn tín đồ tham dự, đặc biệt là những người dân Tây Ninh.
“Tòa thánh Tây Ninh là nơi chắt lọc tinh hoa của ba tôn giáo lớn: Phật, Lão, Nho hiện còn lưu giữ những giá trị truyền thống, sự kết hợp của ba dòng tôn giáo nên được gọi là Đại đạo tam kỳ phổ độ. Cái nhìn đầu tiên khi du khách bước vào Hiệp Trùng Đài sẽ bắt gặp ngay tại lối đi một hình ảnh ba vị thánh đang viết một bản hòa ước về nhân loại và trời lên một tấm bia đá để công bố cho toàn thể Vạn Linh biết rõ. Ba vị Thánh: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Victor Hugo - Tôn Dật Tiên là Thiên Sứ hướng đạo cho nhân loại thực hành đệ tam thiên nhơn hòa ước ‘Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình’. Thuở xưa Đức Chí Tôn mở đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng chỉ có mục đích dạy dỗ nhơn sanh thực hiện 4 chữ bác ái và công bình trong tờ hòa ước nói trên. Đây chính là nội dung thể hiện sự hòa hợp giữa trời - đất và con người với nhau”, anh Phi cho biết thêm.
Ba vị Thánh: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Victor Hugo - Tôn Dật Tiên là Thiên Sứ hướng đạo cho nhân loại thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước "Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình".
Khách du lịch nước ngoài tới thăm Tòa thánh
Tòa thánh là một điểm đến hấp dẫn được các bậc chân tu khắp nơi trên thế giới tìm về để chiêm ngưỡng và lễ bái. Tòa thánh Tây Ninh đã thực sự là một điểm du lịch văn hóa và tôn giáo đặc sắc, thắm đượm tinh thần dân tộc của người dân sống trên mảnh đất này.
Tự Ba