/ Trao đổi - Ý kiến
/ Tội ‘Loạn luân’ - Vướng mắc, bất cập và kiến nghị

Tội ‘Loạn luân’ - Vướng mắc, bất cập và kiến nghị

18/04/2022 15:35 |

(LSVN) - Điều 184 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội "Loạn luân", đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính văn hóa phổ quát nhất, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị gia đình Việt Nam bền vững, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập và đưa ra những kiến nghị về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

So với quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 có điểm tiến bộ hơn, đã bổ sung tình tiết “mà biết rõ người đó” trong cấu thành hành vi, đảm bảo đáp ứng tốt hơn việc phân hóa trách nhiệm hình sự, cụ thể:

“Điều 184. Tội loạn luân

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Khi áp dụng pháp luật, chúng ta cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, về chủ thể của tội phạm là những người từ đủ 16 tuổi trở lên và bao giờ cũng từ hai người, nếu một trong hai người dưới 16 tuổi hoặc bị lừa dối thì người kia phạm tội khác và người dưới 16 tuổi hoặc người bị lừa dối đó trở thành người bị hại. Điều quan trọng là chủ thể phải có cùng dòng máu về trực hệ hoặc mối quan hệ anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Hai là, về khách thể của tội phạm:

Thứ nhất, về khách thể loại: Tội phạm đã xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình, thuần phong mỹ tục, hạnh phúc gia đình mà pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Thứ hai, về khách thể trực tiếp: Tội phạm xâm phạm đến sự phát triển bình thường của giống nòi và sự phát triển bình thường về tình dục của những người chưa đến tuổi trưởng thành. Bởi, những người cùng dòng máu trực hệ khi giao cấu với nhau mà có con thì đứa con sinh ra sẽ bị quặt quẹo, thậm chí quái thai, dị tật.

Ba là, về mặt khách quan của tội phạm:

Thứ nhất, về hành vi khách quan: Người phạm tội loạn luân là người có hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại. Tuy nhiên, đối với những người tuy có quan hệ giữa cha, mẹ đối với các con; giữa ông bà với cháu nội, cháu ngoại, nhưng đó không phải là người có dòng máu trực hệ thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội loạn luân, như: Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu; giữa mẹ vợ với con rể; giữa bố dượng với con riêng của vợ; giữa mẹ kế với con riêng của chồng. Mặc dù những người này không đáp ứng về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình nhưng do không phải là người có dòng máu trực hệ nên việc giao cấu với nhau giữa những người này không phải là hành vi loạn luân. Việc giao cấu giữa những người có dòng máu trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là sự thỏa thuận, đồng tình của hai người; nếu một trong hai người bị ép buộc hoặc bị cưỡng bức thì người có hành vi ép buộc, cưỡng bức không phạm tội loạn luân mà tùy trường hợp cụ thể mà người có hành vi ép buộc, cưỡng bức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm.

Thứ hai, về hậu quả: Là những thiệt hại do việc giao cấu giữa người có cùng dòng máu trực hệ; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Những thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của chính người phạm tội. Ngoài ra, những hành vi loạn luân còn gây ra thiệt hại về tinh thần cho những người thân của người phạm tội, đồng thời gây thiệt hại cho xã hội về thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc. Tuy nhiên, hậu quả của tội "Loạn luân" không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, cho dù hậu quả như thế nào thì tội phạm cũng đã hoàn thành từ khi hai người thực hiện hành vi giao cấu.

Bốn là, về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ người mà mình giao cấu là người có dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi giao cấu.

Một số vướng mắc, bất cập

Qua nghiên cứu các quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong quy định của điều luật, cụ thể:

Một là, về kết cấu tên điều luật tội "Loạn luân” và phần quy định về hành vi của điều luật chưa thống nhất, bởi theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì khái niệm “loạn luân” được hiểu là biệt ngữ để mô tả mọi hoạt động tình dục giữa những người trong cùng gia đình hoặc những người có liên hệ huyết thống gần gũi. Loạn luân thường bao gồm các hoạt động tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần (chung dòng máu), và thỉnh thoảng giữa những người có quan hệ luật pháp, con riêng, con nuôi hoặc có liên quan đến hôn nhân (ví dụ con với mẹ kế), hoặc các thành viên trong thị tộc có cùng tổ tiên. Nhưng ở phần quy định hành vi chỉ gói gọn chủ thể của tội phạm là những người có cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Với quy định như vậy sẽ bó hẹp chủ thể tội phạm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, bởi một số quan hệ giao cấu thuận tình giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa bố chồng với con dâu, giữa mẹ vợ với con rể, giữa bố dượng với con riêng của vợ, giữa mẹ kế với con riêng của chồng… thì sẽ bị xử lý như thế nào? Đồng thời, điều này dẫn đến sự không tương thích giữa tên điều luật và phần quy định hành vi.

Hai là, quy định hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với các điều luật có liên quan như Điều 141, 142, 143, 144, 145… BLHS năm 2015, bởi các điều luật ấy đều có quy định “có tính chất loạn luân” ở khoản 2 (khung hình phạt tăng nặng, có mức hình phạt cao hơn Điều 184 BLHS năm 2015), điều này dẫn đến chủ thể tội phạm thường hướng tới tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi để định tội danh chính xác. Ví dụ: Nguyễn Văn A. có vợ là B. và có con gái là C., A. là người thường xuyên say rượu và mỗi lần như vậy là đánh đập vợ con. Có lần say rượu về nhà, A. đã vào phòng C. đòi giao cấu, vì sợ bố đánh đập nên C. phải miễn cưỡng để A. giao cấu. Sau khi phạm tội, A. đã khống chế con gái phải khai rằng có sự đồng tình giao cấu với A. Trong trường hợp trên, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó chứng minh hành vi của A. có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn… hay không để cáo buộc A. phạm tội hiếp dâm hay cưỡng dâm… bởi các tội danh đó có hình phạt cao hơn nhiều so với tội loạn luân chỉ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở một số vướng mắc, bất cập, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, việc cấm loạn luân với mục đích tránh việc sinh sản cận huyết nhưng đồng thời cũng căn cứ vào mối quan hệ hôn nhân và gia đình, dó đó tác giả đề xuất sửa đổi điều luật theo hướng mở rộng chủ thể của tội phạm này và tăng mức hình phạt, để tránh việc bỏ lọt tội phạm, phân hóa trách nhiệm hình sự và phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, văn hóa gia đình Việt Nam, cụ thể:

Điều 184. Tội Loạn luân

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ; là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; là cha, mẹ nuôi với con nuôi, người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; là bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; là bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Hai là, thời gian tới Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp có sự thuận tình trong giao cấu nhưng hành vi ấy thỏa mãn cả điểm c khoản 2 Điều 145 và Điều 184 thì phải định tội danh với hành vi nào, để có căn cứ áp dụng thống nhất pháp luật.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số vấn đề về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Lê Minh Hoàng