Tổng quan về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp

13/09/2020 16:35 | 3 năm trước

(LSO) - Quan hệ với đồng nghiệp một mặt tự thân nhu cầu giao lưu, bày tỏ, trao đổi giữa Luật sư với Luật sư, mặt khác đây là nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư, và Tổ chức hành nghề Luật sư. Trên thực tế, quan hệ của Luật sư với đồng nghiệp không chỉ là sự thấu hiểu, sẻ chia, giúp đỡ, mà còn chứa đựng cả mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí là sự đối kháng, đối đầu giữa Luật sư với đồng nghiệp. Với tính chất đặc biệt quan trọng, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số: 201/QĐ – HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc đã giành 11/32 Quy tắc điều chỉnh mối quan hệ Luật sư với đồng nghiệp.

Bộ Quy tắc không đưa ra định nghĩa về khái niệm quan hệ Luật sư với đồng nghiệp, những thông qua thuộc tính của các Quy tắc, chúng ta có thể hiểu khái niệm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ đồng nghiệp như sau: Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ đồng nghiệp được hiểu là phép đối nhân, xử thế giữa Luật sư với đồng nghiệp mà ở đó mỗi Luật sư phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự của nhau. Luật sư phải coi trọng danh dự, uy tín của đồng nghiệp như của chính mình, điều mình không muốn thì không được thực hiện với đồng nghiệp. Chỉ có như vậy, người Luật sư và nghề Luật sư tại Việt Nam mới thật sự được xã hội yêu quý, và được tôn vinh.

Quan hệ Luật sư với đồng nghiệp được quy định trực tiếp tại Quy tắc 3. Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư. Theo đó, yêu cầu Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

Chương III của Bộ Quy tắc gồm 09 Quy tắc trực tiếp điều chỉnh quan hệ Luật sư với đồng nghiệp. Bắt đầu từ Tình đồng nghiệp của luật sư ( QT17) là nền tảng để tạo lập, xây dựng, phát triển quan hệ Luật sư với đồng nghiệp. Tình đồng nghiệp, quan hệ Luật sư với đồng nghiệp chỉ có khi Luật sư Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp (QT 18).

Đã cùng làm một nghề, đã cùng hành nghề tất yếu sẽ có cạnh tranh nghề nghiệp, Bộ Quy tắc quy định về Cạnh tranh nghề nghiệp (QT19). Đã có giao thiệp, đã có cạnh tranh tất yếu sẽ có tranh chấp, Bộ quy tắc đề ra quy định Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp (QT 20).

Độc lập, tự chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm cá nhân là đặc trưng của nghề Luật sư, nhưng điều đó không đồng nghĩa việc vô tổ chức, cạnh tranh không lành mạnh, chà đạp lên đồng nghiệp, chà đạp lên danh dự, uy tín nghề nghiệp vì cái tôi, vì lợi ích cá nhân. Bộ Quy tắc đặt ra quy định Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp ( QT21).

Là thành viên của Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc tổ chức nơi Luật sư làm việc trong trường hợp Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, Luật sư sẽ có quan hệ với đồng nghiệp là Luật sư của tổ chức hoặc cán bộ, nhân viên của tổ chức. Ứng xử, giao tiếp với đồng nghiệp trong tổ chức ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nghề luật sư vì vậy Bộ Quy tắc đề ra quy định về Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư (QT 22) Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân (QT23).

Luật sư là người thầy, là đồng nghiệp có trách nhiệm dìu dắt thế hệ kế tiếp, Bộ Quy tắc đặt ra quy tắc về Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư (QT 24). Là thành viên bắt buộc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư. Luật sư có quyền và trách nhiệm, ứng xử phù hợp với tổ chức của mình. Bộ quy tắc đặt ra Quy tắc điều chỉnh Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư (QT25).

Ứng xử của Luật sư tại chốn Công đường trực tiếp phản ánh tâm, tầm và đạo đức người Luật sư không chỉ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà còn đối với chính Luật sư đồng nghiệp. Bộ Quy tắc đặt ra quy định Ứng xử tại phiên tòa (QT27) yêu cầu Luật sư phải tôn trọng người tiến hành tố tụng, luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa;

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam góp phần quan trọng thúc đẩy nghề Luật sư tại Việt Nam phát triển toàn diện, đảm bảo  nghề Luật sư thật sự được xã hội tôn vinh và yêu quý. Thấu hiểu, tuân thủ, vận dụng nội dung Bộ Quy tắc trong quan hệ với đồng nghiệp là căn cứ, cơ sở giúp Luật sư nhận thức bản chất mối quan hệ của mình với đồng nghiệp; là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực về Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Hiểu và tuân thủ nội dung quy tắc không chỉ giúp Luật sư nhận thức đúng đắn, ứng xử phù hợp qua đó vững tâm, chủ động trong quan hệ với đồng nghiệp, hạn chế sai lầm, ngộ nhận có thể dẫn tới vi phạm không chỉ đạo đức nghề nghiệp mà có thể vi phạm pháp luật.

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp đặt ra và giúp Luật sư nhận thức, tạo lập, củng cố tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam; giúp Luật sư nhận thức truyền thống, đạo nghĩa cao quý nghề Luật sư được tạo lập, quyết định trên tình đồng nghiệp của Luật sư; Đạo đức, Ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ đồng nghiệp trực tiếp tạo lập, quyết định vị trí, uy tín của nghề Luật sư trong xã hội.

Tuân thủ có trách nhiệm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp giúp Luật sư phòng tránh vi phạm, rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra. Bộ Quy tắc đặt ra nghĩa vụ, trách nhiệm, quy định những điều cấm Luật sư thực hiện trong quan hệ với đồng nghiệp; chủ động vận dụng linh hoạt, đúng đắn, có thiện chí, có trách nhiệm nội dung quy tắc góp phần giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp là điều kiện tiên quyết để hình thành và khẳng định thương hiệu, uy tín của cá nhân Luật sư. Luật sư được xã hội công nhận, đánh giá cao trước hết phải được chính đồng nghiệp của mình tin yêu, nể phục. Nghề Luật sư là nghề gắn liền với thương hiệu cá nhân, thương hiệu của Luật sư là điều kiện để Luật sư thu hút khách hàng từ đó đảm bảo thu nhập bền vững, ổn định.

Bộ quy tắc điều chỉnh quan hệ Luật sư với đồng nghiệp ở các khía cạnh chủ yếu:

Thứ nhất, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đặt ra các quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp điều chỉnh quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp khi Luật sư hành nghề. Hoạt động nghiệp vụ của Luật sư gắn bó mật thiết, tác động trực tiếp đến Luật sư đồng nghiệp. Luật sư với Luật sư là những người cùng làm một nghề, có thể nhiều Luật sư cùng cung cấp dịch vụ pháp lý cho một hoặc một nhóm khách hàng, có thể nhiều Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhiều khách hàng có quyền, lợi ích đối lập nhau. Trong trường hợp Luật sư tiến hành các hoạt động nghiệp vụ đều có sự giao thoa, ảnh hưởng đến hoạt động và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư đồng nghiệp.

Thứ 2, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh quan hệ Luật sư với đồng nghiệp khi Luật sư thực hiện công việc có tính chất đặc trưng xuất phát từ nghề Luật sư, các hoạt động bổ trợ hoạt động hành nghề Luật sư. Không chỉ quan hệ với đồng nghiệp trong hành nghề, khi tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động của Luật sư còn tác động đến đồng nghiệp, cũng như chịu sự tác động của đồng nghiệp thông qua hoạt động xã hội có liên quan đến nghề Luật sư, khi thực hiện công việc đặc trưng xuất phát từ tính chất nghề nghiệp. Ví dụ khi Luật sư trả lời phỏng vấn Báo chí, truyền thông, Luật sư tham gia các hội thảo, hội nghị để đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật sư phát biểu với tư cách là Đại biểu Quốc Hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp…

Luật sư Trần Văn An
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của Luật sư, phát ngôn, ứng xử của Luật sư có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội; tác động, ảnh hưởng lớn đến nghề Luật sư và hoạt động của Luật sư đồng nghiệp. Hoạt động của Luật sư có thể trực tiếp tác động đến uy tín, vị thế của nghề Luật sư trong xã hội, có thể tác động đến quyền lợi của Luật sư khác mặc dù các Luật sư không quen biết nhau, không liên quan đến vụ án, vụ việc hoặc khách hàng của nhau. Ví dụ một Luật sư bào chữa và được Hội đồng xét xử tuyên vô tội cho bị cáo tại Tòa sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực, lan tỏa nghề nghiệp, tạo dựng niềm tin của người dân đối với hoạt động Luật sư. Ngược lại, một Luật sư vi phạm pháp luật do lừa dối khách hàng sẽ gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín, vị trí vai trò của nghề Luật sư. Thậm chí, đây có thể là nguyên nhân trực tiếp để khách hàng tiềm năng của một Luật sư khác từ bỏ ý định thuê Luật sư vì khách hàng đó mất niềm tin đối với nghề Luật sư.

Thứ 3, Ngoài mối quan hệ hành nghề, Luật sư với đồng nghiệp còn có nhiều quan hệ đan xen, có sự tiếp xúc thường xuyên, liên tục, trực tiếp với nhau. Vì vậy, giữa các Luật sư tất yếu hình thành, phát sinh quan hệ xã hội ngoài quan hệ chuyên môn, nghiệp vụ. Ví dụ Luật sư trong cùng Đoàn Luật sư có thể có hoạt động giao lưu, thăm hỏi ốm, đau, hiếu hỷ với đồng nghiệp và gia đình… Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh quan hệ Luật sư với đồng nghiệp trong giao tiếp xã hội, đời sống thường ngày.

Chủ thể Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh trong quan hệ với đồng nghiệp gồm:

Thứ nhất, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh quan hệ của Luật sư với Luật sư dưới góc độ Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp.

Thứ 2, Bộ Quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa Luật sư với những người thực hiện hành vi hỗ trợ để Luật sư thực hiện hoạt động nghiệp vụ theo hướng cấm Luật sư sử dụng những người này thực hiện những công việc trợ giúp cho Luật sư thực hiện hành vi có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ đồng nghiệp. Quy Tắc 21.5.3 quy định cấm Luật sư: Trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước trụ sở các Cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Cơ quan nhà nước và các Tổ chức khác. Quy tắc 2.2 quy định: Luật sư trong Tổ chức hành nghề Luật sư có biện pháp hợp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đảm các thành viên trong Tổ chức tuân thủ Bộ quy tắc.

Thứ 3, đồng nghiệp của Luật sư không chỉ là Luật sư mà bao gồm cả cán bộ, nhân viên trong Tổ chức chức hành nghề Luật sư. Quy tắc 22.1 quy định: Luật sư tôn trọng, cư xử đúng mực với đồng nghiệp, nhân viên trong Tổ chức hành nghề Luật sư. Bộ quy tắc cũng đặt ra yêu cầu Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không để mình bị chi phối bởi các yêu cầu, quy định nội bộ của Cơ quan, Tổ chức nơi Luật sư đang làm việc trong trường hợp nội dung quy định của Cơ quan, Tổ chức mâu thuẫn Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; yêu cầu Luật sư phải có trách nhiệm kiến nghị, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật tại Cơ quan, tổ chức đó nếu có (QT 23).

Thứ 4, Bộ Quy tắc điều chỉnh quan hệ của Luật sư với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư theo đó buộc Luật sư phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên đối với tổ chức trên tinh thần tôn trọng, trung thực, khách quan, xây dựng (QT 25) cũng là một loại quan hệ đồng nghiệp.

Thứ 5, Bộ Quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa Luật sư hướng dẫn với Người tập sự hành nghề Luật sư theo hướng nâng cao trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn, ngăn chặn hành vi lạm dụng, lợi dụng sự bất bình đẳng, phụ thuộc trong mối quan hệ thầy - trò để Luật sư hướng dẫn có thể đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi không thỏa đáng, vi phạm đạo đức đối với Người tập sự hành nghề Luật sư (QT 24).

Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp không chỉ là quy định riêng biệt, độc lập được quy định tại các Quy tắc cụ thể. Các Quy tắc trong Bộ Quy tắc là một thể thống nhất, Quy tắc này bổ trợ, hỗ trợ, hoàn thiện Quy tắc kia. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sẽ chỉ là quy tắc chết, quy định trên giấy nếu cá nhân Luật sư không tự ý thức, tự trau dồi, rèn luyện, vận dụng nội dung Quy tắc trở thành phương châm, động lực phấn đấu được thể hiện qua việc làm, ứng xử thường ngày của Luật sư với đồng nghiệp.

Trong bài viết sau, tôi xin trao đổi về Tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, đóng góp của quý đồng nghiệp và những người quan tâm nghề Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
/nhung-khia-canh-phap-ly-cua-quyen-huong-dung.html