(LSVN) - Việc bồi thường bảo hiểm đối với thiệt hại trong vận tải hàng hải được pháp luật quy định thế nào? Đồng thời, vấn đề miễn trừ nghĩa vụ đối với trường hợp bất khả kháng cũng được rất nhiều người quan tâm.
Ảnh minh hoạ.
Theo Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho biết, về trách nhiệm của công ty vận tải, theo quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, công ty vận tải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển và chịu trách nhiệm bồi thường nếu hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng. Tuy nhiên, công ty vận tải lập luận rằng sự cố do thời tiết xấu, một sự kiện bất khả kháng và do đó họ không phải chịu trách nhiệm. Để lập luận này được chấp nhận, công ty vận tải cần chứng minh rằng điều kiện thời tiết tại thời điểm xảy ra sự cố thực sự là bất khả kháng và họ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hàng hóa.
Trong pháp luật Việt Nam, bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Để được miễn trách nhiệm, công ty vận tải cần cung cấp bằng chứng về tình hình thời tiết vào thời điểm xảy ra sự cố, chẳng hạn như báo cáo khí tượng hoặc dự báo thời tiết, cùng với chứng minh họ đã thực hiện các biện pháp an toàn như cố định hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật tàu, và chỉ ra rằng sự cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Luật sư Mai Thảo cho rằng, việc mua bảo hiểm cho hàng hóa không phải là yêu cầu bắt buộc theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trừ khi có thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển. Điều này có nghĩa là, nếu hợp đồng giữa hai bên không có điều khoản về bảo hiểm, người vận chuyển không bắt buộc phải mua bảo hiểm hàng hóa. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm là biện pháp an toàn hợp lý giúp giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên trong những tình huống không lường trước.
Do đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên nên xem xét lại nội dung hợp đồng vận chuyển đã ký kết để xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc mua bảo hiểm và bảo vệ hàng hóa. Nếu hợp đồng có điều khoản về bảo hiểm, các điều khoản này sẽ được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp không có thỏa thuận bảo hiểm, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được yếu tố bất khả kháng.
Quá trình giải quyết tranh chấp nên được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải trước khi đưa ra tòa án. Đây là phương thức hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giữ được mối quan hệ hợp tác giữa các bên. Nếu không đạt được thỏa thuận, tòa án sẽ là nơi giải quyết cuối cùng theo các quy định pháp luật hiện hành.
Để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, công ty vận tải cần cung cấp đầy đủ bằng chứng về các biện pháp đã thực hiện để bảo vệ hàng hóa và chứng minh yếu tố bất khả kháng. Đồng thời, cần xem xét liệu có các sai sót trong quá trình vận chuyển hay không, như việc xếp dỡ hàng hóa không đúng cách hoặc không đảm bảo an toàn cho tàu. Chủ hàng cần kiểm tra lại hợp đồng và nếu có bảo hiểm, họ nên yêu cầu công ty bảo hiểm tham gia vào quá trình giải quyết bồi thường. Nếu hợp đồng không có điều khoản về bảo hiểm, chủ hàng có thể yêu cầu công ty vận tải bồi thường trực tiếp nếu chứng minh được lỗi thuộc về họ.
Ý NHƯ