/ Tư vấn
/ Trách nhiệm pháp lý của người từ 14 tuổi đến 16 tuổi khi thực hiện hành vi 'Hiếp dâm'

Trách nhiệm pháp lý của người từ 14 tuổi đến 16 tuổi khi thực hiện hành vi 'Hiếp dâm'

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Việc xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là vấn đề rất quan trọng. Bởi nó thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc xử lý tội phạm đảm bảo an toàn trật tự xã hội đồng thời bảo vệ quyền con người, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phạm tội. Vậy Bộ Luật hình sự 2015 quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của người từ 14 tuổi đến 16 tuổi khi thực hiện hành vi Hiếp dâm?

Ảnh minh họa.

Trước hết, căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Điều 141 Bộ luật Hình sự quy định về tội "Hiếp dâm", theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Nhiều người hiếp một người; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Có tính chất loạn luân; Làm nạn nhân có thai; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Căn cứ vào Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phân loại tội phạm, theo đó có thể xác định với khung hình phạt cao nhất tại khoản 1 Điều 141 là 07 năm tù là tội phạm nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất tại khoản 2 Điều 141 là 15 năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất tại khoản 3 Điều 141 là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Mà theo quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 141. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi vi phạm thuộc khoản 2, khoản 3 Điều 141.

Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, tại Điều 98 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Cải tạo không giam giữ;

– Tù có thời hạn.

Với những hình phạt trên, mức cao nhất người chưa thành niên phạm tội phải chịu là án hình phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, cần xem xét nhiều tình tiết của vụ việc cùng với yếu tố về độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm mà áp dụng hình phạt phù hợp.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Điều 91 Bộ luật Hình sự quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

THANH THANH

/lay-nguon-tien-tu-dau-de-boi-thuong-cho-cac-vu-an-oan-sai.html