Toàn bộ sức lực, tâm trí, tình cảm, trí tuệ và cả cuộc sống của Người đều tập trung vào mục đích đó, thế giới quan tâm nhiều nhất ở Người cũng chính là những nét đặc sắc của sự hòa quyện một cách tự nhiên giữa tài năng và nhân cách, giữa cái lớn lao và cái bình dị, được hội tụ tạo nên cốt cách Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời Người luôn phấn đấu hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.
Tấm lòng cao cả
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh đã biểu thị một lý tưởng rõ rệt về lòng nhân ái cộng sản. Lòng nhân ái, sự thương người, thương dân của Hồ Chí Minh dành cho những con người bị lao khổ, bị đày đọa, áp bức không phân biệt chủng tộc và màu da.
Trong những năm tháng tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến nhiều thuộc địa. Người xúc động trước cảnh khổ cực áp bức của quần chúng lao động ở đây cũng như đồng bào mình và đã giành nhiều tâm sức, suy nghĩ con đường loại trừ những nỗi khổ của họ.
Khi trở về Tổ quốc, người từng xót xa khi thấy các cháu bé dân tộc thiểu số gầy gò, ốm yếu theo người lớn vào chào Đại hội quốc dân Tân Trào, Người đã nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, áo ấm, được đi học, không khổ mãi thế này”. Người căn dặn cán bộ đảng viên trong Chính phủ phải chăm nom đời sống nhân dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng, Chính phủ có lỗi”.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh coi trọng nhân cách con người, quý trọng những người lao động, coi con người không chỉ là sản phẩm của hoạt động tự nhiên và xã hội mà còn là sản phẩm của chính mình. Đối với Hồ Chí Minh, con người không chỉ tiếp thu mà còn sáng tạo. Quần chúng nhân dân lao động đóng vai trò là động lực cách mạng, là chủ thể của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng cả chính mình. Vì thế tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh làm cho mỗi người Việt Nam nhận thức được vai trò và sứ mệnh cao quý của mình. Người đã từng nói: “Nhân dân ta từ lâu sống với nhau có tình có nghĩa... Từ khi có Đảng ta giáo dục và lãnh đạo, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa “Bốn phương vô sản đều là anh em” (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III - 1960). Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu chính sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đó là quan điểm hướng thiện trong việc phát triển nhân cách con người. Mối quan hệ giữa người với người là một trong những thước đo trình độ phát triển nhân cách. Tên tuổi Hồ Chí Minh gắn liền với một nhân cách có khả năng chính trị tuyệt vời, trình độ học vấn sâu sắc, tình cảm nhân hậu nồng thắm, phong cách giản dị, chân thật, đức tính liêm khiết, lôi cuốn mọi người. Với dân tộc Việt Nam, Người đã trở thành “Bác Hồ”, bởi mối liên hệ mật thiết đó đối với quần chúng nhân dân, quan tâm đến nỗi lo và ước vọng của nhân dân. Uy tín và sức thu phục mạnh mẽ của Hồ Chính Minh bắt nguồn từ đó. Nó khác xa với thứ quyền lực do sức mạnh của đồng tiền, của địa vị giành giật lẫn nhau.
Với tình cảm yêu nước, thương dân, mọi suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh đều hướng vào cái thiện, vào công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi kiếp ngựa trâu. Trong hoàn cảnh nước mất, phải quyết tâm tìm đường cứu nước. Nước đối với Người trước hết là dân, vì thương dân mà phải đi tìm đường cứu nước. Ý chí giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Hồ Chí Minh đã trở thành niềm say mê, mãnh liệt, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã bất chấp mọi khó khăn, Người kêu gọi đồng bào “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.
Nhân dân Việt Nam ta, không ai không cảm thấy thấm thìa tình thương của Người, muôn người như một anh dũng phất cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giành lại cho được độc lập tự do. Những năm tháng gian lao và anh dũng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác dành tình thương cho bộ đội, dân công. Trong những ngày đất nước bị chia cắt, lòng Bác quặn đau nhớ miền Nam, “Hình ảnh đồng bào miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Tình thương của Bác không thụ động, không ban ơn. Về bản chất, đó là tình thương tích cực, cách mạng, nhằm giải phóng con người, nâng con người cùng đi lên, hướng về lý tưởng tốt đẹp nhất: Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, điều này làm nên sự kỳ diệu của tình thương Bác Hồ, như Tố Hữu đã viết: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.
Học và làm theo gương Bác
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là một đóng góp quan trọng vào nền văn minh nhân loại, nhất là khi thế giới bước vào thời kỳ trí tuệ như hiện nay. Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là để định hướng mọi hoạt động của mỗi người và của cả xã hội, hướng tới các chân thiện mỹ đích thực của cuộc đời.
Đặc biệt, thấu suốt chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng hiện nay là để nhận biết cái cốt lõi của nhân cách người cán bộ của Đảng. Và cũng không thể không xót xa khi chung quanh chúng ta không ít cán bộ cửa quyền, coi đồng tiền trên cả tình nghĩa; sự tranh giành địa vị danh vọng sẽ dần tới phá vỡ sự đoàn kết thân ái vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta, của Đảng ta.
Có thể khẳng định rằng, mẫu hình người cán bộ của Đảng, của Nhà nước ta hôm nay phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức trong sáng, mà chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là cốt lỗi. Cái đức mà Bác dạy chúng ta không chỉ là đạo đức thông thường của con người, mà cao hơn thế là tính nhân văn của người cộng sản. Bởi lẽ đó, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh phản ánh nguyện vọng, ước mơ, tư tưởng tình cảm không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là của cả nhân loại tiến bộ.
Tư tưởng đạo đức của Người, lẽ sống, phong cách của Người mãi mãi và mãi mãi có tác dụng to lớn đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ của Đảng hôm nay, đang lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Luật gia LÊ VĂN