/ Tin nổi bật
/ Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm"

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm"

04/11/2021 00:22 |

(LSVN) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", không được lồng ghép "lợi ích nhóm".

Thường trực Ban Bí thư Võ văn Thưởng (trái) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị ngày 03/11.

Ngày 03/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Tuyệt đối không để “tham nhũng chính sách”

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý, quá trình xây dựng pháp luật cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Võ Văn Thưởng dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, yêu cầu “đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”, và lưu ý quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chuẩn bị sớm, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm.

Đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật...

Thường trực Ban Bí thư đề nghị tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “Luật khung, Luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. “Không được để xảy ra tình trạng Luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư... gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Thưởng nêu và lưu ý trong quá trình xây dựng pháp luật, phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tuy nhiên phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội.

137 nhiệm vụ lập pháp trong nhiệm kỳ

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu hệ thống pháp luật cả về hình thức, nội dung phải bảo đảm chất lượng, trong đó chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chất lượng của dự án Luật cuối cùng phải phản ánh được thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

“Cuộc sống không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống được”, ông Huệ nhấn mạnh.

Ông Huệ cho biết với 08 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về công tác lập pháp nhiệm kỳ XV đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận cho định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, ông Huệ cho rằng đây sẽ là cơ sở để Quốc hội sẽ chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”, cái cần thì lại không có để xem xét, thông qua, cái trình thì lại chưa thực sự cần thiết, hoặc cấp thiết hoặc chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn đưa vào làm chất lượng xây dựng pháp luật không đảm bảo.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục tìm tòi đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án Luật.

Bên cạnh đó, ông Huệ cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục Luật định; cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ “cài cắm” vào trong quá trình xây dựng luật”, ông Huệ nhấn mạnh và cho biết đây là vấn đề Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt nhiều lần, coi đây là yêu cầu hết sức quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. “Chúng tôi nhắc lại một lần nữa, với tinh thần làm việc ngày đêm để đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển nhưng tất cả các dự án luật và dự thảo nghị quyết mà không đảm bảo chất lượng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dứt khoát trả lại cho cơ quan trình. Chúng ta không thể chấp nhận dự án Luật sơ sài rồi đưa ra biểu quyết, sau đó một thời gian ngắn lại phải sửa mà không đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức nhiều hơn các hội thảo, hội nghị góp ý, phản biện dự thảo luật. Qua đó khắc phục tình trạng dự án Luật được công bố, đăng tải công khai nhưng doanh nghiệp, người dân không góp ý. Đến khi ban hành thì lại “ngã ngửa ra vì nó động tới việc nọ, động tới việc kia”.

Bổ sung, sửa đổi, xây dựng hàng loạt dự luật

Nằm trong các nhiệm vụ lập pháp, báo cáo của VKSND Tối cao cho biết đã tổ chức rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ nhân chứng, qua đó đề xuất Chính phủ lên chương trình nghiên cứu, xây dựng một luật riêng điều chỉnh vấn đề này. Đề xuất đã được chấp thuận và nhiều khả năng Bộ Công an sẽ chủ trì nghiên cứu, kiến nghị cụ thể.

Ở vai chủ trì, cùng với việc tham mưu sửa đổi nhỏ Bộ luật Tố tụng Hình sự ở kỳ họp thứ hai của Quốc hội, nhằm phù hợp với cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), VKSND Tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự để có thể đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội từ năm 2025 đến 2026 với những sửa đổi lớn hơn.

Cũng trong lĩnh vực tư pháp, TAND Tối cao cho biết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cơ quan này sẽ chủ trì soạn thảo 09 luật, pháp lệnh và phối hợp rà soát 05 luật.

Trong số này, đáng chú ý là dự kiến đề xuất đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội giai đoạn 2023-2025 nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND. Hướng sửa đổi là phân tích hoàn toàn quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính tư pháp với quy trình thủ tục tố tụng tại Tòa.

Về tổ chức thì lập thêm TAND Cấp cao tại TP. Cần Thơ và tỉnh Yên Bái để đảm đương nhiệm vụ xét xử theo lãnh thổ với 10 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Như vậy sẽ giảm tải cho TAND Cấp cao tại TP. Hà Nội và TP. Hô Chí Minh.

Đáng chú ý, lần sửa đổi này dự kiến sẽ triển khai trên thực tế mô hình tòa án sơ thẩm khu vực, vốn được đề ra từ 15 năm trước, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tầm nhìn năm 2020.

Ngành tòa án sẽ nghiên cứu Luật về tư pháp với người chưa thành niên, Luật về hội thẩm nhân dân để đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội từ năm 2023 đến 2024. Trong đó, về hội thẩm nhân dân, TAND Tối cao đang xây dựng đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử, đã xin ý kiến Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương hồi tháng 8.

TRẦN QUÝ

Làm rõ hơn vai trò, cơ chế để người dân tham gia bảo vệ Hiến pháp

Admin