Ứng dụng CNTT vào dạy và học ngoại ngữ - Xu thế của giáo dục hiện đại

16/01/2019 07:55 | 5 năm trước

LSVNO - Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ đã đem lại cho ngành giáo dục nói chung và việc giảng dạy ngoại ngữ nói riêng ở Việt Nam những thành tựu và đề ra thách thức mới. Qua...

LSVNO - Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ đã đem lại cho ngành giáo dục nói chung và việc giảng dạy ngoại ngữ nói riêng ở Việt Nam những thành tựu và đề ra thách thức mới. Qua đó, đòi hỏi những nỗ lực hết mình của ngành để theo kịp thời đại và cùng tham gia vào quá trình công nghệ thông tin (CNTT) và kinh tế tri thức.

Theo đó, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, đã mang lại hiệu quả, giúp giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Từ việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (Powerpoint), những năm gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng...

Trong đó, với môn tiếng Anh cũng đã có nhiều thay đổi trong cách dạy và học giúp cho giáo viên và học sinh tiếp cận dễ hơn với các phương pháp mới tiên tiến. Nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nhằm đưa các ứng dụng của mạng xã hội vào quá trình đào tạo, biến quá trình học tập không chỉ bó gọn trong bốn bức tường của lớp học. Việc ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy nhằm nâng cao tính tự chủ và động cơ học tập của học sinh, sinhviên; và đặc biệt mở rộng khả năng tương tác của người học.

 Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ đang được nhiều cấp học áp dụng.

Mỗi bước đột phá trong công nghệ giáo dục sẽ dẫn tới những hoàn cảnh mới làm thay đổi cách dạy, cách học thậm chí cả phương thức đào tạo. Tuy nhiên, bất kỳ sự  đổi mới nào cũng phải dựa trên nền tảng các phương tiện dạy học truyền thống. Việc thực hiện dạy học với sự hỗ trợ CNTT đòi hỏi giáo viên phải có những am hiểu nhất định về tin học để xây dựng giáo án và thiết kế bài giảng điện tử. Việc thiết kế bài giảng điện tử, giáo trình điện tử  lại đặt ra những yêu cầu về kỹ thuật đánh giá, trắc nghiệm, về  mỹ thuật, kịch bản, xử lý âm thanh, hình ảnh.

Ngoài việc bồi dưỡng và khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học bằng CNTT cần có các hoạt động giáo dục điện tử để hỗ trợ giáo viên duy trì lâu dài: trang bị máy móc thiết bị đồng bộ, xây dựng các kho tài nguyên tư liệu thực nghiệm, mô phỏng, tài liệu tham khảo, bài giảng điện tử mẫu, giáo trình điện tử, các phần mềm dạy học, diễn đàn điện tử để giáo viên có thể thực hiện công tác giảng dạy "bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu" như nhiều trường đại học đã và đang thực hiện.

Nhờ các công cụ đa phương tiện của máy tính như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, hoạt cảnh... giáo viên sẽ xây dựng được bài giảng sinh động thu hút sự tập trung người học, dễ dàng thể hiện được các phương pháp sư phạm: phương pháp dạy học tình huống, phương pháp dạy học nêu vấn đề, thực hiện đánh giá và lượng giá học tập toàn diện, khách quan ngay trong quá trình học... tăng khả năng tích cực chủ động tham gia học tập của người học.

Như thế trong giáo dục điện tử, vai trò người thầy dần dần được thay đổi. Nhờ sự trợ giúp của CNTT, người thầy không giữ vai trò trung tâm, mà chuyển sang vai trò nhà điều phối  trong kiểu dạy học hướng tập trung vào học sinh.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy và học Tiếng Anh giúp giáo viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe, nói, khả năng diễn đạt Tiếng Anh, khắc phục những hạn chế về ngữ âm, trọng âm, ngữ điệu và là động lực để giáo viên cố gắng vươn lên.

Khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy khiến cho bài giảng của giáo viên luôn uyển chuyển, linh hoạt, thúc đẩy sự tương tác giữa người dạy và người học.CNTT trong đó có máy tính nối mạng Internet là kho dữ liệu khổng lồ phục vụ cho việc giảng dạy, giúp giáo viên và học sinh chia sẻ thông tin, tăng thời gian tự học, tự giải quyết vấn đề.

Một trong những ứng dụng hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ đang được đề cập nhiều hiện nay, đó là hệ thống lớp học tương tác - Interactive Classroom. Bao gồm bảng tương tác, phần mềm thiết kế bài giảng tương tác, tích hợp sẵn các công cụ giảng dạy, công cụ đánh giá hiệu quả dạy học và thư viện đa phương tiện… Đây là những phần không thể thiếu trong lớp học ngày nay, thực sự tạo ra môi trường giao tiếp dạy và học ngoại ngữ một cách tự nhiên, người học có cảm giác như đang giao tiếp với người bản ngữ.

Với sự hỗ trợ của phần mềm và thiết bị này, giáo viên đã nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian thiết kế giáo án, phát huy hiệu quả công tác giảng dạy, xây dựng được nhiều hoạt động tương tác trên lớp, hỗ trợ và kiểm soát tốt hơn học sinh của mình, tối ưu hóa khả năng của từng học sinh. Đồng thời, giúp học sinh tự tin, chủ động, mạnh dạn và tích cực tham gia vào các hoạt động giảng dạy của giáo viên. Đây thực sự là phương pháp giáo dục hiện đại “lấy người học làm trung tâm, thỏa mãn nhu cầu học và tối ưu hóa từng cá thể người học”, qua đó đạt mục tiêu học tốt môn ngoại ngữ, phát triển song song các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.

Việc ứng dụng CNTT tạo ra môi trường học tiếng tự nhiên, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với lời nói chuẩn xác của người bản ngữ, hỗ trợ cho quá trình dạy học thêm hấp dẫn, đạt hiệu quả cao, giúp học sinh có kiến thức kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô, với người ngoại quốc trong và ngoài giờ học.

Ứng dụng CNTT làm cho giờ học trở nên sống động hơn khi học sinh được thấy hình ảnh, phim ảnh, âm thanh chất lượng. Ứng dụng CNTT trong giờ học giúp học sinh có cơ hội thực hành nghe nói nhiều hơn,từ đó rèn luyện kỹ năng nghe-nói-đọc-viết cho các học sinh,tạo cho các học sinh có phản ứng nhanh nhạy, tự tin hơn, và có hứng thú học tập hơn. Và thực sự trong thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong học và dạy ngoại ngữ đang và sẽ là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại.

Hoàng Trung