/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Về biện pháp bảo đảm bằng tín chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Về biện pháp bảo đảm bằng tín chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

21/10/2024 06:17 |

(LSVN) - Tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, quy định về biện pháp tín chấp hiện còn có những bất cập cần được nghiên cứu để hoàn thiện trong thời gian tới.

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về tín chấp

Theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, Điều 45 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: “Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tín chấp thì tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức này quy định khác”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Như vậy, điều luật không đưa ra khái niệm về tín chấp, khái niệm biện pháp bảo đảm bằng tín chấp mà chỉ ghi nhận chủ thể trong quan hệ tín chấp, những dấu hiệu đặc trưng để nhận diện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này. Chính vì vậy, căn cứ nội dung điều luật và hướng dẫn nêu trên chúng ta có thể hiểu, tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Trong đó, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cam kết với các tổ chức tín dụng bằng uy tín của mình nhằm bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại các tổ chức tín dụng để tổ chức kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Biện pháp bảo đảm bằng tín chấp có một số đặc điểm sau:

Bên bảo đảm: phải là tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, bao gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức này quy định khác.

Bên được bảo đảm: là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, bao gồm cá nhân, hộ gia đình nghèo.

Mục đích bảo đảm: để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.

Hạn chế, bất cập trong quy định về biện pháp tín chấp

Về khái niệm, theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, có 07/09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhà làm luật đều đưa ra khái niệm cụ thể cho từng biện pháp, còn lại hai biện pháp bảo đảm là “tín chấp” và “bảo lưu quyền sở hữu” thì không có khái niệm cụ thể. Đối với biện pháp bảo đảm bằng tín chấp, nhà làm luật chỉ quy định về chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm gồm tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, cá nhân, hộ gia đình nghèo và tổ chức tín dụng; đồng thời quy định về mục đích của việc thực hiện biện pháp tín chấp là để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Đây là một hạn chế bởi nó chưa bảo đảm được tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp; đồng thời việc không đưa ra khái niệm chính thống trong Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ không tạo được căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng trong việc xác định chính xác nội hàm của biện pháp bảo đảm bằng tín chấp.

Về chủ thể là bên được bảo đảm, theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên được bảo đảm là cá nhân, hộ gia đình nghèo. Đối với chủ thể là cá nhân thì không có vướng mắc, tuy nhiên, việc quy định chủ thể là hộ gia đình nghèo còn tồn tại hạn chế, bất cập. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện”.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự điều chỉnh theo hướng xác định hộ gia đình không phải là chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch dân sự như quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005(1) mà chính các thành viên của hộ gia đình mới là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhà làm luật chỉ ghi nhận bên được bảo đảm gồm cá nhân và hộ gia đình nghèo. Như vậy, với việc ghi nhận chủ thể là hộ gia đình nghèo là chưa chính xác, chưa bảo đảm tính logic trong tổng thể nội dung quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, việc quy định như vậy dẫn đến vướng mắc trong việc áp dụng điều luật vào thực tiễn vì không thống nhất với quy định chung về chủ thể tham gia giao dịch dân sự.

Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Một là, cần nghiên cứu bổ sung vào Tiểu mục 7 (Mục 3, Chương XV Bộ luật Dân sự năm 2015) quy định về tín chấp một điều luật về khái niệm của biện pháp bảo đảm bằng tín chấp. Điều này sẽ giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật rõ ràng, thống nhất hơn trong thực tiễn, đồng thời, cũng bảo đảm việc phân định giữa biện pháp bảo đảm bằng tín chấp được thực hiện bởi các tổ chức chính trị - xã hội đứng ra bảo đảm để cho cá nhân, hộ gia đình nghèo có thể vay một khoản tiền để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với các hợp đồng tín chấp thông thường thực hiện tại các ngân hàng thương mại mà bên bảo đảm không phải là tổ chức chính trị - xã hội và bên bảo đảm không đòi hỏi phải là cá nhân, hộ gia đình nghèo.

Hai là, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 344 theo hướng thống nhất với toàn bộ nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc xác định chủ thể của giao dịch dân sự. Cụ thể, tác giả kiến nghị sửa đổi nội dung Điều 344 như sau: “Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, thành viên của hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.

(1) Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.

TRẦN VĂN MINH

Tòa án quân sự Khu vực quân khu 7

Các tin khác