Ảnh minh họa.
Qua rà soát, năm 2021 Bộ Tư pháp phát hiện và đề xuất xử lý 69 văn bản trái luật do các bộ, ngành hoặc địa phương ban hành. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công thương và UBND của tỉnh Bình Định, Bình Phước khẩn trương xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái pháp luật. Đó là Thông tư của Bộ Công thương quy định chi tiết trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, Quyết định của hai tỉnh về chính sách và đơn giá bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Chúng ta có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những quy định chi tiết và rõ ràng cả về quy trình xây dựng, thẩm quyền ban hành và các biểu hiện nội dung trái luật. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có những văn bản trái luật được ban hành và tồn tại gây tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân cũng như sự quản lý, điều hành của nhà nước. Không phải những “tác giả” của những văn bản trái luật này không hiểu biết pháp luật, ngược lại, họ phải rất tinh thông pháp luật thì mới soạn thảo và thông qua, ban hành một cách trót lọt được.
Vậy, đây là một sự cố tình và vấn đề đặt ra là tại sao có sự cố tình đó, nếu không vì lợi ích của những văn bản trái luật mang lại cho họ và một nhóm người nào đó. Ban hành văn bản trái pháp luật phải bị coi là tham nhũng thể chế và phải xử lý nghiêm. Tiếc rằng, chúng ta chưa có một chế tài nghiêm khắc và một quy định cụ thể trong chính sách hình sự để xử lý hành vi này. Trước tình trạng văn bản trái luật, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu phải xử lý ngay, nghiêm túc và cần phải quy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã ban hành những văn bản trái pháp luật đó.
Hẳn nhiều người chưa quên hồi tháng 7 năm ngoái, khi dịch Covid-19 đang hoành hành, Bộ Y tế đã có Công văn “giới thiệu” một loạt các loại thực phẩm chức năng hoặc chế phẩm xịt tay, xịt họng,… có tác dụng hỗ trợ điều trị virus như một sự “mở đường” cho sự chỉ định thầu các loại “thuốc” này. Tuy nhiên, văn bản này chỉ ban hành được mỗi một ngày rồi buộc phải thu hồi trước sự phản ứng của dư luận và sự quá “lố” của nó khi ai cũng nhìn ra có sự bắt tay thông đồng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm trục lợi. Chúng ta có thể nhận ra “bóng dáng” tương tự như thế ở các văn bản trái pháp luật khác khi người ta cố tình ban hành những văn bản trái thẩm quyền, mâu thuẫn với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn hoặc thậm chí là vi hiến.
Sự tích cực vào cuộc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã hạn chế được rất nhiều hệ lụy, hậu quả mà các văn bản trái pháp luật mang lại. Việc còn lại là phải xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật sau khi bị phát hiện và kiến nghị giải quyết, đồng thời, cũng phải xử lý nghiêm những người đã soạn thảo và ban hành văn bản đó hoặc phải bồi thường thiệt hại do các văn bản đó gây nên hoặc phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí hình sự.
NHỊ NGỌC
Ban hành văn bản trái pháp luật: Cần áp dụng chế tài xử lý kỷ luật cụ thể