/ Tư vấn
/ Việc thanh toán chi phí phát sinh khi hòa giải được thực hiện như thế nào?

Việc thanh toán chi phí phát sinh khi hòa giải được thực hiện như thế nào?

15/07/2021 15:56 |

(LSVN) - Trong quá trình hòa giải, đối thoại, nếu cần xem xét hiện trạng tài sản và Hòa giải viên phải mời đơn vị, tổ chức có chức năng thực hiện các công việc như đo vẽ, đánh giá tình trạng tài sản,... Vậy, tôi muốn hỏi việc thanh toán các chi phí phát sinh thực hiện như thế nào? Bạn đọc T.Q. (Thái Nguyên) có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Văn bản 01/2021/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong đó có hướng dẫn việc thanh toán chi phí phát sinh khi hòa giải tại Tòa án. Theo đó, trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trường hợp Hòa giải viên thấy cần phải mời đơn vị, tổ chức có chức năng xem xét hiện trạng tài sản và phát sinh chi phí từ hoạt động này thì cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, Hòa giải viên trao đổi với các bên về sự cần thiết của việc xem xét hiện trạng tài sản và vấn đề chi phí 

Trường hợp tài sản cần xem xét hiện trạng nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, thì chi phí được Nhà nước chi trả theo khoản 13 Điều 4 của Thông tư số 92/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cụ thể, chi phí được chi trả trong trường hợp này gồm: Chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng (trong trường hợp cần thiết). Việc thuê trang thiết bị, máy móc và thuê đơn vị, tổ chức có chức năng thực hiện theo quy định của các cơ quan, đơn vị của nhà nước và có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

Trường hợp tài sản cần xem xét hiện trạng nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, thì chi phí thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án. Theo đó, đối với trường hợp này, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nghĩa vụ nộp chi phí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP theo tỷ lệ do các bên thỏa thuận. Cụ thể, các chi phí đó gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản.

Thứ hai, sau khi nghe Hòa giải viên trao đổi về sự cần thiết và vấn đề chi phí như trên, tùy từng trường hợp mà thực hiện

Trường hợp các bên tranh chấp nhất trí để Hòa giải viên tiến hành xem xét hiện trạng tài sản và thỏa thuận được với nhau về tỷ lệ nộp chi phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp chi phí) thì Hòa giải viên tiến hành xem xét hiện trạng tài sản, Tòa án thực hiện việc thu, chi các chi phí theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nghị định số 16/2021/NĐ-CP , Thông tư số 92/2020/TT-BTC và quy định khác có liên quan.

Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí việc xem xét hiện trạng tài sản mà phát sinh chi phí hoặc không thỏa thuận được với nhau về tỷ lệ nộp chi phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp chi phí) thì Hòa giải viên tiếp tục thực hiện việc hòa giải, đối thoại theo quy định mà không tiến hành xem xét hiện trạng tài sản. Các bên có thể tự cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản cho Hòa giải viên.

Như vậy, trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trường hợp Hòa giải viên thấy cần phải mời đơn vị, tổ chức có chức năng xem xét hiện trạng tài sản và phát sinh chi phí từ hoạt động này thì các bên tham gia hòa giải phải chi trả thêm những khoản này. 

NGỌC LINH 

Hướng dẫn chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh phòng chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng