Ngày 05/4, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị này đang tạm giữ nghi phạm Lê Như Toàn (SN 1991, thường trú tổ 17, phường Trung Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) để điều tra liên quan đến vụ sát hại nữ công nhân môi trường đô thị vào tối 04/4.
Theo công an, vào lúc 21 giờ tối 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo bà Vũ Thúy H. (SN 1978, trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên), đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy, hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến bà H. tử vong. Sau khi gây án, thanh niên này đã bỏ chạy về hướng đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy).
Sau 1 giờ truy xét, lực lượng Công an đã bắt giữ được nghi phạm Lê Như Toàn đang lẩn trốn trong Khu đô thị Làng quốc tế Thăng Long (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Qua điều tra, Công an quận Cầu Giấy xác định Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.
Xử lý nghi phạm mắc bệnh tâm thần thế nào?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đây là hành vi giết người, bởi vậy nếu nghi phạm nhận thức được hành vi của mình thì người này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 123. Tội Giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. |
Bộ luật Hình sự cũng quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó có trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vì mắc bệnh mà không nhận thức được hành vi của mình được quy định tại Điều 21 cụ thể như sau: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Pháp luật chỉ quy định trường hợp mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn đối với trường hợp chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng khi lượng hình thì có thể được giảm nhẹ một phần do bệnh lý tác động, ảnh hưởng tới hành vi phạm tội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.
Quản lý người tâm thần đã đến lúc báo động
Theo Luật sư Cường, đã đến lúc phải siết chặt công tác khám chữa phải điều trị, quản lý người tâm thần, không để xảy ra tình trạng người tâm thần giả thì vào bệnh viện tâm thần để thực hiện hành vi phạm tội. Còn người tâm thần thật thì bị thả ra ngoài xã hội, cũng gây tội ác với người khác. Đây là một câu chuyện đau lòng, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân hành vi, làm rõ mức độ nhận thức của đối tượng gây án để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra, xác định năng lực trách nhiệm hành vi dân sự đối với nghi phạm. Trong quá trình điều tra, xác minh nếu cơ quan điều tra nhận thấy không tìm được nguyên nhân động cơ của hành vi giết người, đối tượng gây án tiếp xúc kém, có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, từng có bệnh án tâm thần thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ thông tin về nhân thân lai lịch, làm rõ về tình trạng nhận thức của đối tượng này và có thể trưng cầu giám định tâm thần để xác định năng lực trách nhiệm hành vi dân sự.
Trong trường hợp kết quả điều tra xác minh, trưng cầu giám định tâm thần cho thấy, đối tượng này mắc bệnh tâm thần phân liệt đến mức mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự tuy nhiên thiệt hại đối với gia đình nạn nhân là rất lớn, rất đau buồn.
"Vụ việc này đặt ra một vấn đề mang tính xã hội đó là những đối tượng không bị tâm thần nhưng lại mang những giấy tờ chứng nhận tâm thần giả để mặc sức tung hoành, sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội, sử dụng giấy chứng nhận tâm thần giả như một “kim bài miễn tử” để trốn tránh trách nhiệm hình sự, thậm chí có những đối thưởng vào bệnh viện tâm thần để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó rất nhiều người mắc bệnh tâm thần thực sự thì không được điều trị, để lang thang ngoài xã hội rồi có thể gây án mạng bất cứ lúc nào...
Bởi vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng và Bộ y tế cần phải kiểm tra rà soát tất cả các bệnh viện tâm thần phải ra soát tất cả những người có bệnh án tâm thần, mắc bệnh tâm thần để tiến hành điều trị với những người mắc bệnh thật và đấu tranh, loại bỏ những đối tượng mắc bệnh tâm thần giả ra khỏi danh sách những người tâm thần. Đồng thời, cần siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với các cán bộ, bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tiếp tay cho các đối tượng tâm thần giả và làm ngơ, bỏ qua những người tâm thần thực sự làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
HỒNG HẠNH
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015