Ảnh minh họa.
Các nhà lãnh đạo của First Nations (thổ dân và các nhóm người bản địa thuộc Quần đảo eo biển Torres) từ các hòn đảo xa xôi của Boigu và Saibai thuộc Gudamalulgal, khu vực quần đảo Zenadth Kes (eo biển Torres [1]) đang kiện Chính phủ Liên bang Australia ra tòa trong nỗ lực ngăn chặn sự hủy hoại cộng đồng do biến đổi khí hậu.
Trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt được đệ trình vào ngày 26/10, các nguyên đơn sẽ cho biết rằng Chính phủ Liên bang có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo người dân trên quần đảo Torres Strait không bị tổn hại bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là vụ kiện tập thể về vấn đề khí hậu đầu tiên được thực hiện bởi các sắc dân thuộc First Nations tại Australia. Nếu thành công, vụ kiện này có thể bảo vệ tất cả các cộng đồng trong khu vực Zenadth Kes (eo biển Torres), và giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu trước khi nó hủy hoại các cộng đồng khác trên khắp Australia.
“Tổ tiên của chúng tôi đã sống trên những hòn đảo này hơn 65.000 năm. Nhưng việc Chính phủ không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng khí hậu có nghĩa là các hòn đảo của chúng tôi có thể bị ngập nước, đất của chúng tôi bị nhiễm mặn và cộng đồng dân cư của chúng tôi buộc phải di dời. Trở thành người tị nạn do biến đổi khí hậu có nghĩa là mất đi mọi thứ: nhà cửa, văn hóa, câu chuyện và bản sắc của chúng tôi. Nếu bạn lấy đi quê hương của chúng tôi, chúng tôi sẽ không biết mình là ai. Chúng tôi có trách nhiệm trên phương diện văn hóa để đảm bảo điều đó không xảy ra, và bảo vệ đất nước, cộng đồng, văn hóa và bản sắc tâm linh của chúng tôi trước biến đổi khí hậu,” nguyên đơn Paul Kabai nói.
“Tôi không thể tưởng tượng được việc buộc phải rời Boigu vì hòn đảo này là tôi và tôi là hòn đảo này. Chúng tôi có 65.000 năm dựng xây và sinh sống ở đây. Mất Boigu đồng nghĩa với việc mất đi những giá trị đó. Nếu bạn đưa chúng tôi ra khỏi hòn đảo này thì chúng tôi chẳng là gì cả. Nó giống như Thế hệ bị đánh cắp (trẻ em bản địa tại Australia từng bị tách khỏi gia đình do chính sách nước này trong giai đoạn 1800-1970), bạn đưa mọi người rời khỏi vùng đất của bộ tộc, họ sẽ chẳng là ai cả”, nguyên đơn Pabai Pabai nói.
Các cộng đồng cư dân trên Quần đảo eo biển Torres đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu và đối mặt với thách thức hiện hữu do mực nước biển dâng cao từ việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C thì nhiều hòn đảo ở Gudamalulgal sẽ không thể sinh sống được. Cư dân Quần đảo eo biển Torres sẽ trở thành những người tị nạn do biến đổi khí hậu đầu tiên của Australia.
Những chủ nhân truyền đời [2] của các hòn đảo Boigu và Saibai [Pabai và Paul] đang chờ đợi sắc lệnh từ tòa án, yêu cầu Chính phủ Liên bang thực hiện các bước để ngăn chặn tác động xấu này lên cộng đồng của họ, bằng cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Người dân trên Quần đảo eo biển Torres có một lịch sử đáng tự hào khi đã đấu tranh cho quyền của họ thông qua các phiên tòa. Eddie Mabo đã được tham gia vào Chính phủ nhờ có các phiên tòa và xác nhận rằng terra nullius [3] là một lời nói dối, mở đường cho các quyền về đất đai cho tất cả các dân tộc thuộc First Nations tại Australia.
Vụ kiện đang được tổ chức vận động lợi ích công cộng, Quỹ Grata, và các chuyên gia luật khí hậu quốc tế tại Quỹ Urgenda ủng hộ. Vụ kiện sẽ được tiến hành bởi Công ty luật Phi Finney McDonald và Fiona McLeod SC sẽ đại diện cho các nguyên đơn trước tòa.
“Người dân trên khắp đất nước, và đặc biệt là các cộng đồng thuộc First Nations, đang bị tổn hại do Chính phủ không nhìn nhận nghiêm túc về cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi tự hào khi hỗ trợ Paul và Pabai để thay mặt cho cộng đồng của mình. Mọi người đều có quyền bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa và chúng tôi tin rằng họ có một vụ kiện tuyệt vời để có thể làm nên lịch sử”, Isabelle Reinecke, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Grata, cho biết.
“Chính phủ Australia có nghĩa vụ pháp lý đối với Paul, Pabai và tất cả người dân Quần đảo eo biển Torres, họ không được phá hủy đất đai, văn hóa và bản sắc của các cộng đồng này. Paul và Pabai đưa ra động thái này để yêu cầu Australia giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới mức đủ để có thể giúp những người dân Quần đảo eo biển Torres không trở thành những người tị nạn do biến đổi khí hậu. Phi Finney McDonald tự hào đại diện cho Paul và Pabai trong cuộc chiến cứu lấy quê hương của họ”, Brett Spiegel, Phi Finney McDonald cho biết.
“Khi chúng tôi khởi động vụ kiện ở Hà Lan, có quan điểm cho rằng một vụ kiện như thế này là bất khả thi và không có cơ hội thành công. Tuy nhiên, chúng tôi đã thắng, và điều này khiến Chính phủ phải áp dụng một loạt các chính sách nhằm giảm đáng kể lượng khí thải, bao gồm cả việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Chúng tôi rất lạc quan rằng điều tương tự cũng có thể diễn ra tại Australia,” Dennis Van Berkel, cố vấn Pháp lý, Quỹ Urgenda, cho biết.
============== [1] Người sinh sống trên Quần đảo Eo biển Torres là những người bản địa của quần đảo này và là một phần của bang Queenland, Australia. [2] Hậu duệ của những người bản địa sinh sống ở một khu vực cụ thể trước khi người châu Âu tới định cư, đặc biệt là khi điều này được chính phủ Australia công nhận. [3] Terra nullius nghĩa là “vùng đất vô chủ”. Đây là một nguyên tắc thường được sử dụng trong luật quốc tế để chứng minh cho tuyên bố rằng, một vùng lãnh thổ nằm trong một bang có thể bị bang đó thâu tóm. |
PV
Công chức Malaysia không hoàn thành tiêm vaccine sẽ bị kỷ luật