/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vững bước trên con đường đổi mới

Vững bước trên con đường đổi mới

01/02/2022 03:07 |

(LSVN) - Năm cũ đã qua đi, cùng với nhân loại toàn cầu chúng ta lại được đón năm mới với nhiệm vụ tiếp tục khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, đưa Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển.

Ảnh minh họa.

Năm 2021 do đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại của biến chủng Delta nâng cấp, tốc độ lây lan nhanh chóng, kéo dài gây nguy hiểm do xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của người dân. Trước những khó khăn phải đối mặt với thách thức chưa từng có, Đảng và Nhà nước ta đã có các chủ trương, chính sách kịp thời, linh hoạt để chỉ đạo thực hiện ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn. Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và được sự đồng tình, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công, đồng thời chúng ta đã tiến hành cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với kết quả tốt đẹp. Quốc hội đã tiến hành kỳ họp đầu tiên, mở ra giai đoạn mới đầy triển vọng với cơ cấu tổ chức và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, góp phần ổn định chính trị - xã hội, khẳng định sự đồng bộ, thống nhất của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” và là trung tâm phục vụ, chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả, bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người. Lực lượng tuyến đầu chống dịch với hàng vạn cán bộ y tế, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, tình nguyện viên... sẵn sàng cống hiến, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng với sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả. Đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 14h ngày 01/01/2022, Việt Nam đã tiêm được 152,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó ngày 31/12/2021, cả nước tiêm trên 1,26 triệu liều. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 99,5% và tỉ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 90,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã tiêm được 12.461.506 liều, trong đó có 7.603.604 mũi 1 và 4.857.902 mũi 2. tỉ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 83,5% và tỉ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine là 53,4% dân số từ 12 -17 tuổi.

Đồng thời với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, duy trì phù hợp hoạt động sản xuất - kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và lao động, vượt qua thách thức phát triển kinh tế, xã hội. Nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước dần phục hồi đã kích thích hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/08/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đồng thời chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn, ổn định đời sống và thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Kết quả đạt được không chỉ khôi phục sản xuất, thúc đẩy thị trường, mà còn từng bước tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vững bước vào năm 2022 với hy vọng mới, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư, nâng cao chất lượng hội nhập.

Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn cho xuất khẩu của cả nước. Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỉ USD, tăng trên 21%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là việc chuyển kế hoạch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh.

Những số liệu kinh tế, xã hội năm 2021 đã được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12/2021 cho thấy cả nước đã có những nỗ lực không nhỏ trong một năm đầy thách thức, để có thể đạt được mức tăng trưởng gần 2,6% cả năm. Tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5% và cán cân thương mại quý IV đã đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư khoảng 04 tỉ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 06 năm liên tiếp. Tổng thu ngân sách Nhà nước lại hoàn thành sớm và tăng cao vượt trên 14% dự toán được giao; cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm nay chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 05 năm trở lại đây đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỉ giá ít biến động đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấn dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt trên 31 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Hoạt động văn hóa, xã hội được duy trì tổ chức phù hợp với tình hình dịch bệnh và tăng cường hoạt động trực tuyến. Chế độ chính sách đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chăm lo giúp đỡ người nghèo, người  khuyết tật... được triển khai có hiệu quả. Chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, khai giảng năm học mới, dạy và học trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình. 

Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tập trung trấn áp các loại tội phạm. Xử lý linh hoạt, phù hợp, hiệu quả các tình huống phức tạp trên Biển Đông và tuyến biên giới. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc theo đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động. Công tác thông tin, đối ngoại, bảo hộ công dân được quan tâm chỉ đạo; qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Có thể nói năm 2021 mặc dù đất nước và nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta đã kiên cường vượt qua, đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để năm 2022 kinh tế Việt Nam được phục hồi trong bối cảnh bình thường mới. Chính phủ đã trình và được Quốc hội quyết nghị “Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Mức tăng trưởng này được đánh giá là khả thi, dựa trên cơ sở tiềm năng của nền kinh tế hiện nay và xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu Kế hoạch 05 năm (2021-2025). Mặc dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cần phải giải quyết trong quá trình phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, song Việt Nam cũng có nhiều cơ hội mới. Năm 2021, chúng ta có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả, với kinh nghiệm ứng phó đại dịch ngày một nâng cao. Khả năng chủ động sản xuất vaccine sẽ sớm đảm bảo mục tiêu phủ vaccine toàn dân, Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường và đảm bảo an ninh y tế.

Cùng với tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế được tăng cường, thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ, linh hoạt, trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022 Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn, đây cũng là cơ hội mới để tận dụng nhằm phục hồi với nhiều điều kiện nền tảng vững mạnh của kinh tế.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Năm mới với niềm tin, hy vọng mới, đó là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm và các nguồn lực trong xã hội, sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để Việt Nam thoát khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường mới, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết Nhâm Dần 2022

Lê Minh Hoàng