/ Góc nhìn
/ Vững tin tiến bước

Vững tin tiến bước

26/01/2021 23:38 |

(LSVN) - Năm 2020 là một năm có ý nghĩa quan trọng, đó là “bậc thềm” chúng ta phải đi qua để bước vào thập niên mới - năm đầu tiến hành thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Năm nay cũng là một năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng có ý nghĩa khi mà Việt Nam ghi dấu ấn về khả năng vượt khó, vươn lên, khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế lao đao, rất nhiều lao động mất việc làm, kèm thêm đó bão lũ dồn dập đổ về gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Qua thử thách, mới thấy lòng nhân ái, yêu thương, sẻ chia đã tạo nên sức mạnh Việt Nam, tình đoàn kết dân tộc để chiến thắng thiên tai, dịch bệnh và Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có chỉ số GDP tăng 2,91%. Điều này sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý.

Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Không chỉ nhìn lại năm 2020, mà khi nhìn lại chặng đường của cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta đã vượt qua quá nhiều chông gai để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đảng và Nhà nước ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội còn phải gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề là dọn dẹp những chướng ngại vật, những nhân tố cản trở con đường phát triển của đất nước mà trọng tâm, trọng điểm là đấu tranh quyết liệt với nạn tiêu cực, tham nhũng.

Tham nhũng đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của công dân; làm đảo lộn xã hội, tha hóa đội ngũ công chức; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm mất uy tín quốc gia với quốc tế, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư để phát triển đất nước, cản bước tiến của chúng ta ở hiện tại và gây ra những bất ổn trong tương lai; nguy hại hơn, nó ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.

Trước những hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra, Đảng, Nhà nước đã xác định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt trong việc cải cách thể chế quản lý kinh tế; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn; ban hành mới các quy định trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; chống tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng… Những “mắt xích” yếu đã được gia cố, được thay thế bằng những nhân tố tích cực hơn trong việc đương đầu đấu tranh với tham nhũng.

Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao. Dẹp bỏ tham nhũng, xây dựng một Việt Nam hùng cường là mong đợi mà không một lực lượng yêu nước nào đứng ngoài, tất cả cùng một niềm tin, tin ở ngọn cờ chính nghĩa đã tạo không khí phấn khởi lan tỏa ra toàn xã hội.

Vì vậy, đối với những cán bộ có khuyết điểm mà không biết “tự soi, tự sửa mình”, đã nhúng tràm tham nhũng mà không có đủ lòng tự trọng để lắng nghe phê bình, tự nguyện rời bỏ vị trí thì Đảng đã kiên quyết loại bỏ. Nếu chúng ta để nhân dân vẫn còn thấy những góc khuất, vẫn còn chưa công bằng trong xử lý cán bộ có sai phạm thì rất nguy hiểm, vì đây là nguyên nhân tiềm ẩn xung đột ngay trong nội bộ, khiến sự đoàn kết không bền vững, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ.

Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, Đảng đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là từ khi thành lập (ngày 01/2/2013 đến nay) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, xử lý nghiêm minh 133 vụ án và 94 vụ việc trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo tinh thần “quân pháp bất vị thân… không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý hoặc đang đứng dưới “thanh bảo kiếm” của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. “Một bộ phận không nhỏ cán bộ hư hỏng” không còn là khái niệm chung chung trong văn bản mà đã dần bị phơi bày ra trước công luận, được xác định địa chỉ, danh tính rõ ràng lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ.

Minh chứng cho điều này là trong nhiệm kỳ vừa qua, đã có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 27 Ủy Viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 34 sĩ quan cấp tướng trong công an và quân đội đã phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm minh, từ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và có người đã phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án cao vì đã có những sai phạm liên quan tới các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như: cải cách hành chính, phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Những việc làm trên đã làm yên lòng dân và đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận Việt Nam đã vượt 10 bậc trong bảng cạnh tranh quốc gia năm 2019.

Kết quả xử lý đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đến hôm nay, có thể nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Ðại hội XII đã có những chuyển biến quan trọng, đem lại nguồn động viên to lớn cho toàn xã hội, là dấu ấn lịch sử, là dấu son mà không ai được phép làm dơ bẩn.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm nức lòng nhân dân cả nước. Trong cuộc chiến chống “quốc nạn”, chống “giặc nội xâm” đầy cam go và quyết liệt này, những người đứng đầu nếu sợ hãi và hèn nhát thì không thể giữ cương vị, vì Đảng và nhân dân không chấp nhận những cán bộ như thế. 

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp diễn ra vào cuối tháng 11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn một câu trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy - một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Liên Xô (cũ) - Nhicalai Axtơrốpxki: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Qua đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về lý tưởng, về lẽ sống, phải có bản lĩnh, dũng khí; phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời “Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người, để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”.

Nếu cán bộ của chúng ta làm được một số điều như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở thì nhân dân ai cũng đồng tình, lòng tin của người dân chắc chắn sẽ trở lại. Tất nhiên so với mong đợi thì vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy những kết quả đáng quý đã đạt được trong thời gian qua để tiếp tục xây dựng niềm tin của xã hội đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đối với sự quản lý điều hành xã hội của Chính phủ, đối với vai trò giám sát của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc để phát triển nó lên. Khi làm được điều đó, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đặt nền tảng, bệ phóng cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt Nam cho thấy “Dân là gốc” và niềm tin là yếu tố căn bản trong các giá trị. Lúc nào nhà cầm quyền hiểu được lòng dân, nói cho dân hiểu để nhận thức rằng vận mệnh của dân tộc chính là vận mệnh của mình, của gia đình mình, dòng họ mình; dân tin nhà cầm quyền, tin ở khả năng và cách ứng xử, tin ở chính sách cởi mở và nhân văn… thì lúc đó sẽ huy động được mọi nguồn lực và trí tuệ trong nhân dân. Còn ngược lại, khi cán bộ xa dân, người dân không có niềm tin, mất niềm tin vào chính quyền, ý kiến và quyền lợi của người dân không được đếm xỉa tới, thì lúc đó xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ biến động, mất ổn định.

Căn bệnh tham nhũng đang được kiềm chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào cuối tháng 11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là quan điểm tư tưởng chính trị…”. Đây là việc chúng ta phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình, lo lắng. Thực trạng đó, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển của đất nước. Khi đã chỉ ra được và bắt được bệnh thì chúng ta cũng sẽ có thuốc đặc trị cho căn bệnh nguy hiểm này.

Đất nước đang đi vào một thời đại mới đầy những khó khăn, thách thức, xã hội lại đang ngổn ngang với nhiều vấn đề về văn hóa xuống cấp, đạo đức suy thoái, tác động của an ninh phi truyền thống; xu hướng coi trọng lợi ích cá nhân, cạnh tranh vì lợi nhuận, coi trọng đồng tiền, coi trọng hình thức, hư danh đã là môi trường thuận lợi cho sự gia tăng những quan hệ xã hội theo kiểu lọc lừa, giả dối và vô tín. Điều này là do đâu? Cũng từ niềm tin mà ra. Bởi vậy, khi niềm tin càng bao phủ, lan rộng, thì chính nó sẽ dẫn dắt mỗi người chúng ta hành động đúng đắn giữa các cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng, giữa hiện tại với truyền thống, góp phần điều hòa giữa mới và cũ, tạo nên sự ổn định. Một xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng phát triển bền vững.

Để có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, như: phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh. Độc quyền dẫn đến cơ chế xin - cho, cơ chế xin - cho là động lực dẫn đến hối lộ và tham nhũng. Lợi dụng độc quyền, một số người tự cho phép mình đồng nhất bản thân với định chế mà mình được giao nhiệm vụ đại diện, nhân danh lợi ích chung của mọi người mà ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích để từ đó thu lợi cho bản thân.

Luật hóa việc cung cấp và khai thác thông tin, khi thông tin bị bưng bít nghĩa là chỉ một nhóm thiểu số người được biết và sẽ có việc can thiệp vào các chính sách tài chính, tín dụng,  ngân hàng, khai thác khoáng sản, đầu tư các dự án, quá trình định giá cổ phần các doanh nghiệp…, đây là môi trường để tham nhũng càng có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Khi ngân sách, kinh phí, thu chi không được công bố công khai chi tiết cho doanh nghiệp và người dân thì mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, chi bao nhiêu, chẳng ai được biết. Chính vì thế dẫn đến tình trạng ngầm bán thông tin, hối lộ để biết thông tin. Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả và cũng khó lòng hiệu quả được khi tình trạng thiếu thông tin xác thực là phổ biến. Không rõ ràng về thông tin cũng ảnh hưởng đến việc đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.

Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực của cơ quan nhà nước, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan này, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Và điều quan trọng là có cơ chế bảo đảm được nguyên tắc công khai, minh bạch, đó là vấn đề mà Việt Nam cần phải thực hiện nếu muốn chống tham nhũng để tăng trưởng kinh tế.

Với những việc làm bài bản, với những bước đi chắc chắn của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua, người dân Việt Nam có thêm hy vọng và tin tưởng rằng tương lai đất nước sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả hơn nữa, tạo thêm động lực và khí thế mới để biến khát vọng Việt Nam trở thành nước hùng cường, giàu mạnh trong thập niên tới.

Đảng ta đã bước sang tuổi 90. Ðại hội Ðảng lần thứ XIII là đại hội của chuyển giao thế hệ. Công tác nhân sự đại hội các cấp đã có nhiều đổi mới, đã chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương; những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cơ bản được bảo đảm; tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số nhìn chung cao hơn nhiều so với các nhiệm kỳ trước.

Không có đại biểu tốt thì không có đại hội tốt mà muốn có đại biểu tốt thì phải từ cấp cơ sở. Thời gian qua, chúng ta đã dần lựa chọn được những cá nhân có bản lĩnh, liêm chính, được nhân dân thừa nhận. Cứ tiếp tục làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có một Ðại hội thành công, có một thế hệ lãnh đạo mới đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

CÙ TẤT DŨNG

Ban Nội chính Trung ương

 

 

 

 

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới

Lê Minh Hoàng