/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc áp dụng tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" trong thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Vướng mắc áp dụng tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" trong thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

20/09/2024 06:29 |

(LSVN) - Qua thực tiễn áp dụng quy định đối với tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015 thấy rằng còn những quan điểm nhận thức khác nhau, do đó cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để áp dụng thống nhất trong quá trình xét xử vụ án hình sự có liên quan.

Ảnh minh hoạ.          

Tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015), Điều luật này gồm 02 tội danh: Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và Tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” đây là tội ghép nên hành vi khác nhau đó là:

Đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, gồm các hành vi như đúc, khắc để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức; vẽ, in, photocoppy, viết, các kỹ thuật khác như in màu để làm ra các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức. Đối với tội "Sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, gồm các hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như bán lại cho người khác, giao nộp tài liệu giả cho cơ quan chức năng.

Điều 341 BLHS năm 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, việc xử lý tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vẫn còn có những quan điểm nhận thức khác nhau chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu thực tiễn áp dụng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Vướng mắc áp dụng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trong thực tiễn

Ví dụ vụ án sau đây: Khoảng tháng 3/2021 Nguyễn Duy K có nhu cầu muốn làm giấy phép lái xe hạng C giả mà không phải học và thi sát hạch theo quy định nên đã nhờ Dương Văn Đ làm giấy phép lái xe giả, Đ lại thông qua trung gian là E để làm giả giấy phép lái xe kèm hồ sơ học giấy phép lái xe giả với giá thỏa thuận là 5.000.000 đồng. K đồng ý và trả cho Đ 3.000.000 đồng, nợ lại 2.000.000 đồng. Đ yêu cầu K chụp hình chân dung và căn cước công dân gửi qua tin nhắn messenger cho Đ. Sau đó Đ gửi ảnh chân dung và hình ảnh căn cước công dân của K và của Đ cho E với giá thỏa thuận tổng cộng 6.000.000 đồng. Ngày 27.3.2021, Đ nhận được giấy phép lái xe mang tên Đ và giấy phép lái xe mang tên K kèm theo hồ sơ giả gồm: Chứng chỉ sơ cấp có hình con dấu “Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy”; Giấy khám sức khỏe có hình con dấu “Bệnh viện giao thông vận tải Trung ương”; Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe ô tô có hình con dấu “Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy”. Đ nhận các tài liệu trên qua đường bưu điện và thanh toán bằng hình thức COD (thu hộ qua bưu điện) với số tiền là 6.000.000 đồng, sau đó Đ giao giấy phép lái xe giả và hồ sơ giả cho K để sử dụng (riêng giấy phép lái xe và hồ sơ học lái xe giả của Đ cơ quan điều tra không thu hồi được và không xác định được E là ai). Khoảng tháng 01.2022 K sử dụng giấy phép lái xe giả để xin vào làm việc tại Công ty X. Ngày 19.3.2022, K điều khiển xe ô tô tải của Công ty X lưu thông trên đường thì bị lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện G, tỉnh L kiểm tra giấy tờ. Quá trình kiểm tra, phát hiện giấy phép lái xe của K là giả. K bị truy tố về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 341 BLHS và Đ bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm c khoản 2 Điều 341 BLHS.

Qua vụ án trên còn những vấn đề vướng mắc đặt ra đó là:

Thứ nhất, căn cứ vào kết luận giám định chưa xác định được các tài liệu trưng cầu giám định là giả, vì trên cơ sở những vấn đề cần trưng cầu giám định của cơ quan điều tra “chữ ký trên các mẫu cần giám định có phải được ký trực tiếp ra; hình dấu trên các mẫu giám định có phải đóng trực tiếp ra”. Cơ quan giám định kết luận “Chữ ký trên các mẫu cần giám định không phải được ký trực tiếp ra, được hình thành bằng phương pháp in màu và hình dấu trên các mẫu cần giám định không phải được đóng trực tiếp ra, các hình dấu được hình thành bằng phương pháp in màu”.

Trong vụ án này ngoài giấy phép lái xe kết luận giám định là giả, các giấy tờ, tài liệu còn lại trong bộ hồ sơ học lái xe bao gồm: Chứng chỉ sơ cấp, giấy khám sức khỏe, Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch không có tài liệu thật để so sánh, giám định thì cơ quan giám định không kết luận được những tài liệu này có phải giả hay không. Như vậy, kết luận giám định không kết luận 3 loại giấy tờ tài liệu là giả sẽ khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá, nhận định những tài liệu, giấy tờ nào là giả để có căn cứ xử lý người phạm tội.

Thứ hai, làm giấy phép lái xe giả kèm theo hồ sơ học lái xe giả (hồ sơ gồm giấy khám sức khỏe; chứng chỉ sơ cấp nghề, Biên bản sát hạch của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy) là cơ quan, tổ chức không có thật, không tồn lại trên thực tế, vậy có được xem là làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức không? và tính là làm giả 1 tài liệu hay 4 tài liệu (tài liệu có chữ ký, con dấu giả được xác định là làm giả 1 tài liệu) nếu tính 1 tài liệu xử lý Đ theo khoản 1 Điều 341 BLHS theo hướng có lợi cho người phạm tội. Nếu tính làm giả 4 tài liệu thì sẽ bất lợi cho người phạm tội, Đ sẽ bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 341 BLHS, vấn đề này hiện nay còn những quan điểm, nhận thức khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức phải là của cơ quan, tổ chức có thật, đang tồn tại thì mới tính là làm giả, nếu cơ quan tổ chức đó không có thật thì không xác định là làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Quan điểm thứ hai lại cho rằng: làm giả bất cứ giấy tờ, tài liệu nào kể cả của cơ quan, tổ chức không có thật, không tồn tại trên thực tế vẫn phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS, nếu người phạm tội sử dụng giấy tờ, tài liệu giả đó để đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì xử lý thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS.

Thứ ba, trên thực tế, một số trường hợp không thu giữ được bản gốc tài liệu, giấy tờ giả nhưng thu được bản photo hoặc bản photo có công chứng, chứng thực nên gây khó khăn trong việc xử lý hành vi của đối tượng (trường hợp đối tượng sử dụng Giấy phép lái xe giả, sau khi gây tai nạn giao thông đã đến cơ quan Công an làm đơn mất giấy tờ, chỉ thu được Giấy phép lái xe giả (bản photo hoặc bản photo có công chứng). Cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định, ban hành công văn yêu cầu cung cấp thông tin, tuy nhiên một số trường hợp không nhận được Công văn trả lời trong khi thời hạn giải quyết nguồn tin đã hết, nên phải tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin.

Thứ tư, về biện pháp tư pháp, tịch thu sung ngân sách Nhà nước công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội còn có quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo thỏa thuận K đã chuyển cho Đ 3.000.000 đồng, K còn nợ Đ 2.000.000 đồng và Đ đã chuyển cho E 6.000.000 đồng (tiền làm giấy phép lái xe giả của cả K và Đ), tuy nhiên quá trình điều tra không xác định được E là ai và cũng không thu giữ được giấy phép lái xe, hồ sơ học lái xe giả mang tên Đ, vì vậy không có căn cứ để tịch thu số tiền 3.000.000 đồng K đã đưa cho Đ. Quan điểm thứ hai cho rằng cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 tịch thu 5.000.000 đồng là tiền Đ đã thỏa thuận với K làm giấy phép lái xe giả để sung ngân sách Nhà nước, (do không xác định được E là ai và 2.000.000 đồng là tiền Đ sẽ được hưởng lợi từ việc làm giấy phép lái xe giả cho K). Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm tác giả áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 tịch thu sung ngân sách Nhà nước 3.000.000 đồng, không tịch thu số tiền 2.000.000 đồng từ Đ, bởi vì K chưa trả cho Đ, vì vậy không có căn cứ để tịch thu (tiền này không phải do phạm tội mà có và cũng không thể xác định đây là số tiền do Đ phạm tội sẽ có được).

Một số đề xuất, kiến nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử, để áp dụng thống nhất pháp luật tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn trường hợp không có Kết luận giám định xác định là tài liệu giả nhưng các tài liệu, chứng cứ khác có đủ căn cứ thì vẫn xử lý về tội làm giả hoặc tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu người phạm tội làm giả từ 2 tài liệu trở lên thì bị xử lý theo điểm c khoản 2 Điều 341 BLHS. Do tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định giấy tờ, tài liệu giả thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn trường hợp làm giả bất cứ con dấu, tài liệu nào kể cả của cơ quan, tổ chức không có thật, không tồn tại trên thực tế vẫn phạm tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Thứ ba, về biện pháp tư pháp, tịch thu sung Ngân sách Nhà nước công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn áp dụng theo hướng để tránh trùng thu, mỗi cầu mua, bán chỉ tịch thu một lần ở người bán (nếu người mua đã trả tiền) hoặc ở người mua (nếu không xác định được người bán hoặc trường hợp người mua chưa trả tiền).

Qua thực tiễn áp dụng quy định đối với tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015 thấy rằng còn những quan điểm nhận thức khác nhau, do đó cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để áp dụng thống nhất trong quá trình xét xử vụ án hình sự có liên quan.

                                             Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

                                                       Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5

 

 

 

Nguyễn Mỹ Linh