/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc trong áp dụng chế định quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm – Kiến nghị và giải pháp

Vướng mắc trong áp dụng chế định quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm – Kiến nghị và giải pháp

16/07/2024 05:53 |

(LSVN) - Quyết định hình phạt trong đồng phạm là một trường hợp đặc biệt có vai trò quan trọng trong xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) sự đối với các vụ án phạm tội có nhiều người cùng cố ý tham gia thực hiện. Quyết định hình phạt đúng với mỗi người đồng phạm đảm bảo cho hình phạt thực hiện được mục đích đặt ra. Tuy nhiên, BLHS 2015 chưa có quy định cụ thể sự phân hóa TNHS đối với những người đồng phạm và việc quyết định hình phạt đối với từng người đồng phạm với vai trò khác nhau trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt trong việc áp dụng chế định quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.

Ảnh minh họa.

Khái quát chung 

Đồng phạm là một hình thức phạm tội đặc biệt trong đó có từ 02 người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm. Chế định đồng phạm được quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Trong đó, người đồng phạm bao gồm:

- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Trong đồng phạm, tội phạm được thực hiện do sự hợp tác, nô lực của những người tham gia thực hiện tội phạm. Vì vậy mà BLHS đã quy định những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm

Quyết định hình phạt là hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn của Tòa án do HĐXX thực hiện sau khi đã xác định được tội danh để quyết định áp dụng loại, mức hình phạt và chế tài hình sự phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.

Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là một trường hợp quyết định hình phạt đặc biệt. Tính chất đặc biệt của trường hợp này ở chỗ Tòa án quyết định hình phạt cho nhiều bị cáo trong một vụ án về một hoặc nhiều tội. Do đó, khi quyết định phạt trong trường hợp này không chỉ căn cứ vào các căn cứ quy định đối với tất cả các trường hợp mà còn phải căn cứ quy định áp dụng riêng cho trường hợp đồng phạm.

Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm được quy định là một chế tài độc lập trong chương quyết định hình phạt BLHS 2015 (Điều 58).

Trong một vụ án đồng phạm, những người đồng phạm cùng thực hiện một hành vi phạm tội nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội là khác nhau. Tính chất tham gia vào tội phạm của từng người đồng phạm được xác định bởi vai trò mà người đó đảm nhận. Nếu một người tham gia tội phạm với vai trò tổ chức, xúi dục hay thực hành đắc lực thì tính chất nguy hiểm cho xã hội cao cả so với những đồng phạm khác. Bên cạnh đó, một người đảm nhận nhiều vai trò trong vụ án mang tính nguy hiểm cao hơn hẳn so với chỉ đảm nhận một vai trò.

Vướng mắc trong áp dụng chế định quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Thứ nhất, sự phân hóa TNHS giữa người xúi dục, giúp sức và người thực hành trong vụ án có đồng phạm

Điều 58 BLHS 2015 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:

“Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó".

Trong một vụ án có đồng phạm thì những người tham gia vào hành vi phạm tội tuy cùng phạm một tội nhưng là tham gia vào tội phạm đó với tính chất và mức độ khác nhau, do đó mà mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi người là khác nhau. Tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 quy định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” nghĩa là người tổ chức được xác định là người nguy hiểm nên sẽ bị xử lý nghiêm khắc nhất. Tại quy định này đã có sự phân hóa về trách nhiệm hình sự giữa những người đồng phạm tuy nhiên còn rất chung chung và chưa rõ ràng chỉ mới nói tới một loại đồng phạm còn những đồng phạm khác thì không được quy định. Trong thực tiễn xét xử thì người tổ chức sẽ luôn bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn những đồng phạm khác. Tuy nhiên thì trong BLHS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa có quy định nào trực tiếp quy định cụ thể sự phân hóa TNHS giữa  người xúi giục, giúp sức và người thực hành mà chỉ có quy định về người tổ chức.

Mặc dù việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là còn phải dựa vào nhiều tình tiết, chứng cứ khác của vụ án. Tuy nhiên việc phân hóa TNHS đối với những người đồng phạm có vai trò khác nhau trong vụ án sẽ giúp thể hiện được vai trò giáo dục của luật hình sự, có giá trị răn đe đối với những người có ý định tổ chức, xúi dục người khác phạm tội.

Thứ hai, việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và trường hợp phạm tội chưa đạt

Điều 57 BLHS 2015 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Quy định này được áp dụng chung cho tất cả các trường hợp phạm tội mà không có quy định riêng đối với trường hợp đồng phạm mà chỉ có quy định về hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm.

Như vậy, vấn đề đặt ra là trong những vụ án có đồng phạm mà giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò, một hoặc một số người giữ vai trò người thực hành hoặc giúp sức, còn những người khác giữ vai trò tổ chức hay xúi giục. Như vậy, trong vụ án đồng phạm có người tổ chức và người thực hành nếu trường hợp người có vai trò thực hành không thực hiện được tội phạm đến cùng do nguyên nhân khách quan mà chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt thì việc định tội danh đối với người tổ chức trong trường hợp này trên thực tế còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất.

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc quyết định hình phạt đối với đồng phạm trong vụ án với vai trò tổ chức phải dựa vào việc người thực hành đã thực hiện đến giai đoạn nào thì sẽ chịu TNHS đến đó.

- Quan điểm thứ hai thì cho rằng: Đồng phạm với vai trò tổ chức trong vụ án có đồng phạm sẽ chịu TNHS đến giai đoạn tội phạm hoàn thành vì việc người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt nằm ngoài ý chí của người tổ chức. Còn đối với người thực hành hoặc người giúp sức đã thực hiện đến giai đoạn nào thì chịu TNHS đến giai đoạn đó.

Theo quan điểm của tác giả, quan điểm thứ nhất không hợp lý và đang tuyệt đối hóa vai trò của người thực hành trong vụ án mà xem nhẹ vai trò của những người đồng phạm khác trong vụ án và quy định tại Điều 58 BLHS sẽ không phát huy được tác dụng. Đối với quan điểm thứ hai theo tác giả cho rằng việc quyết định hình phạt ở giai đoạn phạm tội hoàn toàn đối với đồng phạm tổ chức là quá nặng trong khi hành vi phạm tội chỉ mới dừng lại ở  giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, như vậy việc áp dụng pháp luật hình sự sẽ không còn mang tính giáo  dục mà chỉ còn là trừng phạt người phạm tội. Theo quan điểm của tác giả người có vai trò tổ chức nên phải chịu TNHS ở mức nghiêm khắc nhất so với những đồng phạm khác trong vụ án, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn phải dựa nào hành vi thực hiện tội phạm của người thực hành đã thực hiện đến giai đoạn nào và người giúp sức chịu TNHS nhẹ hơn so với người thực hành.

Chính việc nhận thức khác nhau về việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong vụ án có đồng phạm đã dẫn tới việc quyết định hình phạt trong trường hợp này chưa thống nhất.

Kiến nghị, giải pháp

Để có hướng áp dụng hình phạt đối với vụ án có đồng phạm một cách thông nhất tác giả có ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 58 BLHS 2015 như sau: “… Người tổ chức, người xúi dục sẽ chịu trách nhiệm hình sự cao nhất và nghiêm khắc hơn những đồng phạm khác trong vụ án. Người thực hành chịu trách nhiệm hình sự đúng với hành vi phạm tội, giai đoạn phạm tội mà người thực hành đã thực hiện. Người giúp sức chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn so với người thực hành…”.

Việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn hay nhẹ hơn như thế nào, bao nhiêu cần dựa vào sự nhận định và xem xét tổng thể các tình tiết có trong vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc quy định rõ ràng từng đối tượng như vậy sẽ vừa đảm bảo việc phân hóa TNHS giữa những người đồng phạm, vừa có thể áp dụng đối với trường hợp người thực hành phạm tội đến giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Tạo cơ sở cho việc áp dụng chế định quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm được thực hiện thống nhất, có hiệu quả.

 PHẠM CAO SƠN

Tòa án Quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

Tình hình kinh doanh bất động sản cho thuê trong giai đoạn hiện nay và kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Hoàng Lâm