/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân

Vướng mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân

22/07/2024 06:18 |

(LSVN) - Cùng với sự tiên tiến của khoa học công nghệ, các sản phẩm phần mềm công nghệ cao liên tục được cho ra mắt để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của con người. Tuy nhiên, nhiều cá nhân lựa chọn cách bẻ khóa và tải các phần mềm lậu để tiết kiệm chi phí mua bản quyền. Việc sử dụng phần mềm lậu như vậy có vi phạm pháp luật không? Và khi xảy ra hành vi vi phạm trong trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại thì khoản bồi thường sẽ do ai chịu trách nhiệm?

Ảnh minh họa.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Quy định về bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hiện hành

- Đối với cá nhân: tại Điều 586 BLDS 2015 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.

- Đối với pháp nhân: tại Điều 597 BLDS 2016 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Vướng mắc trong trường hợp cụ thể

Anh Nguyễn Văn K., nguyên là giám đốc Logistic của Công ty P. Anh K. nộp đơn từ chức vào ngày 11/3/2024, ngày cuối cùng làm việc tại công ty là ngày 10/4/2024. Tuy nhiên, trong thời gian bàn giao công việc từ ngày 15/3/2024 đến ngày 04/4/2024, anh K đã dùng wifi công ty P. và máy tính cá nhân để sử dụng phần mềm M. bất hợp pháp (phần mềm bẻ khoá, không trả phí bản quyền), dùng cho mục đích cá nhân, không phục vụ cho công việc. Công ty P. không yêu cầu anh K. cài đặt phần mềm này.

Phần mềm M. thuộc sở hữu Công ty A. đã được đăng ký bản quyền phần mềm máy tính tại Cục Bản quyền tác giả. Bằng việc đăng nhập wifi công ty để sử dụng phần mềm, công ty A. đã có bằng chứng chứng minh việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp của anh K. tại công ty P. trong giờ làm việc. Vì vậy, Công ty A. yêu cầu Công ty P. phải bồi thường một khoản phí lên đến 200.000.000 đồng với lí do: “thất bại trong nhiệm vụ giám sát và ngăn chặn hành vi sai trái của nhân viên".

Hiện tại, pháp luật dân sự hiện hành chỉ quy định căn cứ bồi thường thiệt hại trong trường hợp người của pháp nhân gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Do đó, về vụ việc trên tồn tại những quan điểm khác nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công ty P. như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Công ty P. có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty A. Bởi lẽ, hành vi vi phạm bản quyền phần mềm phát sinh do lỗi của anh K. Mặc dù anh K. đang trong thời gian bàn giao công việc nhưng chưa có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thì vẫn là nhân viên của công ty. Công ty P. có trách nhiệm quản lý K. trong thời gian làm việc. Do đó, khi phát sinh hành vi trái pháp luật của K., dù không phải do Công ty P. giao cho anh K. nhưng K. thực hiện hành vi tại thời điểm chịu sự quản lý của Công ty P. nên Công ty P. vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Và sau đó, có thể yêu cầu anh K. hoàn trả một phần khoản bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc theo Điều lệ của pháp nhân.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Công ty P. không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của Công ty A.

Để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Công ty P. thì anh K. – người gây thiệt hại cần đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

- Người gây ra thiệt hại là người của pháp nhân;

- Nơi công ty người gây thiệt hại làm việc phải có tư cách pháp nhân;

- Trong lúc người gây ra thiệt hại thì họ đang thực hiện công việc được pháp nhân giao cho.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, anh K. gây thiệt hại trong giờ làm việc nhưng không phải thực hiện nhiệm vụ mà pháp nhân giao cho mà phục vụ cho mục đích cá nhân. Vì vậy, sẽ không thể áp dụng trường hợp quy định tại Điều 597 BLDS 2015 để làm căn cứ bồi thường thiệt hại. Anh K. sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm bồi thường cho công ty A. theo quy định tại khoản 1 Điều 586 BLDS 2015.

Như vậy, nếu xem xét từng điều kiện để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cá nhân hay Công ty thì rõ ràng Công ty không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng đối với vấn đề không giám sát, không ngăn chặn hành vi sai phạm của nhân viên thì Công ty vẫn phải chịu một phần trách nhiệm, có thể là hỗ trợ bồi thường 01 phần theo yêu cầu của công ty A.

Trên đây là quan điểm của tác giả về trường hợp này, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

 Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng

Nguyễn Hoàng Lâm