Ảnh minh họa.
Quy định pháp luật
Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.
Do quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 là nhằm mục đích bảo vệ người con chưa thành niên. Vì vậy đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên thì trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Ngược lại đối với vụ án hôn nhân và gia đình mà không có con hoặc người con đã thành niên thì Tòa án không bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp.
Thực tiễn áp dụng
Thực tế hiện nay một số Tòa án áp dụng pháp luật quy định về xác minh nguyên nhân tranh chấp khi giải quyết ly hôn là khác nhau. Một số Tòa án thì cho rằng chỉ cần vụ án hôn nhân và gia đình mà cụ thể là vụ án ly hôn thì Tòa án bắt buộc phải xác minh nguyên nhân tranh chấp ly hôn. Tuy nhiên, một số Tòa án thì cho rằng mặc dù vụ án ly hôn nhưng việc xác minh nguyên nhân tranh chấp ly hôn khi thuộc trường hợp có con chưa thành niên. Tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ, đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Do đó, nếu vụ án ly hôn mà không có con hoặc người con đã thành niên thì Tòa án không bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp.
Ngoài ra, hiện nay cũng có quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau về việc Tòa án có bắt buộc xác định nguyên nhân tranh chấp ly hôn khi hai bên không có đăng ký kết hôn hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp” và tại Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC hướng dẫn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có giải đáp như sau: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc”.
Như vậy, không phân biệt đương sự có đăng ký kết hôn hay không, Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp ly hôn vì đây là thủ tục tố tụng bắt buộc.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng…” và “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng”.
Ví dụ: Anh A và chị B chung sống từ năm 2006 có con chung là cháu C, sinh năm 2010. Ngày 12/11/2022, chị B nộp đơn yêu cầu ly hôn và được quyền nuôi con là cháu C, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Sau khi Toà án gửi thông báo về việc thụ lý vụ án, anh A có văn bản đồng ý ly hôn theo yêu cầu chị B nhưng yêu cầu được quyền trực tiếp nuôi cháu C. Như vậy, mặc dù anh A đồng ý ly hôn theo yêu cầu của chị B nhưng do anh A và chị B không có đăng ký kết hôn theo quy định nên Toà án quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B chứ không phải là công nhận thuận tình ly hôn giữa anh A và chị B. Cho nên, cho dù Toà án có thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp ly hôn giữa anh A và chị B thì không có cách nào khác Toà án vẫn phải quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B [1].
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”. Từ quy định trên, pháp luật Việt Nam bắt buộc việc kết hôn của nam nữ phải đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, thực tế vì nguyên nhân nào đó thì nam nữ có đủ điều kiện kết hôn nhưng họ lại không đăng ký kết hôn, sau quá trình chung sống với nhau thì họ làm đơn ly hôn. Theo tác giả trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn nhưng họ không đăng ký kết hôn. Nay có yêu cầu ly hôn Tòa án cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong trường hợp vụ án ly hôn có liên quan đến người con chưa thành niên.
Mục đích chính của quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 là nhằm duy trì mối quan hệ hôn nhân bền vững, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích của người con chưa thành niên. Do đó, mặc dù trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn phải thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng (khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Tuy nhiên, do mục đích chính là bảo vệ người chưa thành niên, vì vậy Tòa án cũng cần bắt buộc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp nguyên nhân phát sinh tranh chấp là không trầm trọng thì Thẩm phán cần động viên các đương sự với nhau, cần phân tích hậu quả của việc ly hôn, đặc biệt là liên quan đến người con chưa thành niên. Từ đó, các bên đương sự rút đơn khởi kiện và vẫn có thể duy trì mối quan hệ hôn nhân và gia đình khi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân tranh chấp trong trường hợp không có đăng ký kết hôn mà có con là người chưa thành niên thì Tòa án cũng bắt buộc phải thực hiện. Ngược lại, đối với một số yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án không bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp mặc dù vụ án có liên quan đến người con chưa thành niên. Bởi lẽ, việc kết hôn trái pháp luật là việc kết hôn vi phạm đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam một cách nghiêm trọng nên trong trường hợp này Tòa án không bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh nguyên nhân tranh chấp nhằm duy trì mối quan hệ hôn nhân.
Nói tóm lại, theo quan điểm của tác giả, việc quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 là nhằm mục đích bảo vệ người con chưa thành niên nên Tòa án bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp nhằm có thể hàn gắn mối quan hệ vợ chồng được không. Từ đó, hạn chế việc ly hôn và bảo vệ người con chưa thành niên có được cuộc sống hạnh phúc khi có cả cha và mẹ. Tuy nhiên, khi xem xét có nên duy trì mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng nữa hay không thì Tòa án cũng cần phải xem xét việc duy trì mối quan hệ hôn nhân đó có phù hợp với quy định pháp luật hay không, có vi phạm nghiêm trọng đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc hay không. Nếu thuộc những trường hợp không thể duy trì mối quan hệ hôn nhân do trái pháp luật, vi phạm đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc thì Tòa án không bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp mặc dù vụ án có liên quan đến người con chưa thành niên.
[1] Dương Tấn Thanh, Không đăng ký kết hôn - Toà án có bắt buộc phải xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn?, https://tapchitoaan.vn/khong-dang-ky-ket-hon-toa-an-co-bat-buoc-phai-xac-dinh-nguyen-nhan-phat-sinh-tranh-chap-ly-hon7504.html, truy cập ngày 02/12/2022. |
Thạc sĩ TRƯƠNG MINH TẤN
TAND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại