Xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần trong Luật Doanh nghiệp ở Việt Nam

19/10/2020 09:24 | 3 năm trước

(LSVN) - Công ty hợp vốn cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên hợp danh có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm vô hạn, liên đới về các khoản nợ của công ty và ít nhất ba (03) thành viên hợp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần của mình sở hữu; vốn điều lệ được chia ra thành các phần bằng nhau; công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được đăng ký thành lập và có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Ảnh minh họa.

1. Khái niệm và bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần

1.1. Khái niệm công ty hợp vốn cổ phần

Công ty hợp vốn cổ phần được pháp luật các nước đưa ra khái niệm bằng cách liệt kê các đặc điểm pháp lý nổi bật, cụ thể như: Theo pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức, khái niệm công ty hợp vốn cổ phần được hiểu là một loại hình công ty, trong đó ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn đối với các chủ nợ của công ty (thành viên hợp danh) và các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của công ty (cổ đông hạn chế) trong phạm vi số cổ phần mà họ sở hữu[1].

Theo pháp luật Cộng hòa Pháp, công ty hợp vốn cổ phần là công ty có vốn được chia thành các cổ phần, được thành lập bởi một hoặc nhiều thành viên hợp danh, thành viên này có tư cách thương nhân và chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với nghĩa vụ trả nợ của công ty và thành viên hợp vốn có tư cách của các cổ đông và chịu thiệt hại chỉ trong phạm vi vốn góp của họ. Số lượng thành viên hợp vốn không được ít hơn ba thành viên[2]. Ngoài ra, pháp luật của nhiều nước khác như Luxembourg, Italia, Ba Lan… đều điều chỉnh loại hình công ty hợp vốn cổ phần có những đặc điểm pháp lý tương đồng với pháp luật các nước Đức, Pháp.

Trước năm 1975 ở Việt Nam, loại hình công ty hợp vốn cổ phần đã được ghi nhận và quy định trong hệ thống pháp luật. Cụ thể: Bộ luật Dân sự Bắc kỳ năm 1931 đưa ra khái niệm bằng cách liệt kê các đặc điểm pháp lý nổi bật khi quy định: Trong hội hợp cổ, thì các cổ đông là phải xuất vốn, chỉ phải chịu trách nhiệm đến ngang phần vốn của mình mà thôi, còn những hội viên thụ tư thì phải đem tất cả tài sản mình mà cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới về cả công nợ của hội (Điều 1265), vốn hội chia làm nhiều phần gọi là cổ phần (Điều 1267). Còn Điều 236 Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972 quy định: Hội hợp tư cổ phần gồm có một hay nhiều hội viên thụ tư liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi trái khoản của hội và những hội viên xuất tư chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình thức cổ phần.

Như vậy, có thể hiểu công ty hợp vốn cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên hợp danh có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm vô hạn, liên đới về các khoản nợ của công ty và ít nhất ba (03) thành viên hợp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần của mình sở hữu; vốn điều lệ được chia ra thành các phần bằng nhau; công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được đăng ký thành lập và có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

1.2. Bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần

Trong công ty hợp vốn cổ phần, thành viên hợp danh có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các nghĩa vụ trả nợ của công ty. Thành viên hợp danh là những người trực tiếp tham gia quản lý công ty và có quyền đại diện, nhân danh cho công ty tham gia các giao dịch với bên thứ ba. Bên cạnh đó, công ty có thành viên hợp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi giá trị cổ phần mà thành viên đó sở hữu. Thành viên hợp vốn không có quyền tham gia quản lý công ty và không có quyền đại diện cho công ty. Tư cách pháp lý của thành viên góp vốn giống như tư cách của các cổ đông trong công ty cổ phần.

Cho đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau cho rằng, bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần là loại hình công ty đối vốn hoặc công ty đối nhân. Theo quan điểm coi công ty hợp vốn cổ phần là loại hình công ty đối vốn, thì công ty đối vốn gồm có công ty vô danh và công ty cấp vốn cổ phần. Cả hai công ty này đều là những công ty mà tiền vốn chia ra từng cổ phần[3]. Cùng quan điểm này, có nhận xét rằng, ngoài công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, người ta còn xếp công ty hợp vốn đơn giản cổ phần vào loại công ty đối vốn[4]. Tuy nhiên, có quan điểm khác lại cho rằng, công ty hợp vốn cổ phần trong pháp luật của các nước theo truyền thống dân luật là công ty đối nhân. Các nước theo truyền thống dân luật, trong đó có cả Trung Quốc, thường khái quát hóa các công ty hợp vốn, công ty hợp vốn đơn giản, công ty hợp vốn đơn giản cổ phần, công ty dự phần và các biến dạng của chúng dưới quan niệm công ty đối nhân[5]. Theo quan điểm này, tính chất đối nhân được thể hiện rõ trong sự liên kết của các thành viên hợp danh trong công ty hợp vốn cổ phần.

Theo tác giả, xuất phát từ việc loại hình công ty hợp vốn cổ phần là hình thức công ty kết hợp, giao thoa giữa hai loại hình công ty đối nhân và đối vốn. Vì thế, việc xếp loại công ty hợp vốn cổ phần chỉ là tương đối, mang ý nghĩa trong khoa học pháp lý và cần phải linh động cho từng trường hợp cụ thể[6]. Còn trong thực tiễn, có thể thấy rằng, loại hình công ty hợp vốn cổ phần đáp ứng nhu cầu của các nhà kinh doanh bởi nó vừa mang những đặc tính ưu việt của loại hình công ty đối nhân - công ty hợp vốn đơn giản và của loại hình công ty đối vốn - công ty cổ phần.

Công ty hợp vốn cổ phần có những đặc thù cụ thể như sau:

Thứ nhất, tính liên kết trong công ty hợp vốn cổ phần: Sự liên kết giữa thành viên hợp danh là sự liên kết mang tính đối nhân, bao gồm những người có quan hệ thân thích, hiểu biết lẫn nhau. Các thành viên hợp danh là những người có uy tín, kinh nghiệm nghề nghiệp, có tư cách thương nhân. Trong khi đó, sự liên kết của các thành viên góp vốn lại mang tính đối vốn khi họ là những nhà đầu tư, bỏ tiền vào công ty để nhận lợi tức. Các thành viên góp vốn có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác giống như các cổ đông trong loại hình công ty cổ phần.

Tuy vậy, các thành viên góp vốn được bảo đảm bằng tính chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới của thành viên hợp danh.

Thứ hai, địa vị pháp lý của các thành viên có sự khác nhau: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn có địa vị pháp lý khác nhau. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các khoản nợ của công ty. Họ có quyền quản lý công ty, có quyền đại diện và nhân danh công ty để tham gia các quan hệ pháp luật. Trong khi đó, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số cổ phần sở hữu và không có quyền tham gia quản lý, quyền nhân danh, đại diện cho công ty. Nhưng họ có quyền tham gia ban kiểm soát (chỉ gồm thành viên góp vốn) để giám sát các hoạt động của thành viên hợp danh và thực hiện các quyền nhất định tại đại hội đồng cổ đông.

2. Pháp luật của một số nước và lịch sử pháp luật Việt Nam về công ty hợp vốn cổ phần

2.1. Pháp luật của một số nước về công ty hợp vốn cổ phần

Ở Cộng hòa Pháp, loại hình công ty hợp vốn cổ phần được quy định trong Bộ luật Thương mại. Đồng thời, những quy định liên quan công ty cổ phần và công ty hợp vốn đơn giản được áp dụng cho công ty hợp vốn cổ phần với điều kiện là những quy định đó phù hợp với những quy định đặc thù của Điều L. 226-1 và các điều tiếp theo (khoản 1 Điều L.226-1) của Bộ luật Thương mại. Ở Pháp, có hai loại hình công ty cổ phần gồm công ty vô danh và công ty góp vốn cổ phần. Trong đó, công ty hợp vốn cổ phần giống công ty hợp vốn đơn giản ở chỗ có hai loại thành viên là thành viên nhận vốn chịu trách nhiệm vô hạn trên tài sản của chính họ và các thành viên xuất vốn chỉ chịu trách nhiệm trên phần vốn góp của họ, nhưng các cổ phần thì như trong các công ty vô danh, có thể tự do chuyển nhượng[7].

Trên thực tế, công ty hợp vốn cổ phần là hình thức rất thịnh hành vào khoảng thời gian từ năm 1807 đến năm 1905 ở Pháp và tạo nên cơn sốt vào thời bấy giờ, nó tạo một kênh cho sự gặp nhau giữa vốn - được góp bởi thành viên hợp vốn và ý tưởng - được góp bởi thành viên hợp danh, công ty hợp vốn cổ phần còn có những lợi thế quan trọng hơn từ quy chế công ty cổ phần của mình và do vậy, nó có thể phát hành chứng khoán[8].

Ở Cộng hòa liên bang Đức, công ty hợp vốn cổ phần xuất hiện vào thế kỷ XIX, trước khi được Bộ luật Thương mại Đức ban hành năm 1861. Phần lớn những vấn đề của công ty hợp vốn cổ phần được áp dụng các quy định của Luật Công ty cổ phần Đức (về thành lập, tổ chức quản lý, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông…), ngoài ra, còn áp dụng một phần các quy định về công ty hợp vốn đơn giản. Việc phát hành cổ phần để huy động vốn tuân theo quy định pháp luật chứng khoán.

Ở Italia, công ty hợp vốn cổ phần được quy định từ Điều 2452 đến Điều 2462 Bộ luật Dân sự năm 1942 và các quy định này không thay đổi đáng kể sau khi cải cách chung năm 2003. Về nguyên tắc, trong pháp luật Italia, công ty hợp vốn cổ phần cũng tương tự như một công ty hợp danh hữu hạn. Sự khác biệt chính là việc vốn góp trong công ty hợp vốn cổ phần được thể hiện bằng vốn cổ phần[9]. Còn trong pháp luật của Luxembourg, công ty hợp vốn cổ phần ngoài các quy định đặc thù, thì một phần các điều khoản về công ty trách nhiệm hữu hạn cũng áp dụng đối với công ty hợp vốn cổ phần.

Như vậy, có thể thấy rằng công ty hợp vốn cổ phần được pháp luật các nước quy định từ rất sớm và cho đến nay, loại hình công ty vẫn được rất nhiều các quốc gia ghi nhận để các nhà đầu tư lựa chọn. Ở hầu hết pháp luật các nước, chế định công ty hợp vốn cổ phần là sự kết hợp các quy định đặc thù riêng và những quy định của loại hình công ty hợp vốn đơn giản và công ty cổ phần.

2.2. Lịch sử pháp luật Việt Nam điều chỉnh công ty hợp vốn cổ phần

Trước năm 1975 ở Việt Nam, pháp luật công ty của châu Âu đã được người Pháp du nhập vào từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Những quy định về công ty ở Việt Nam trong giai đoạn này đều được coi là những bản sao của Luật Công ty Pháp[10]. Cụ thể, Điều 1265 Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 quy định về hội hợp cổ (công ty hợp vốn cổ phần) như sau: “Trong hội hợp cổ, thì các cổ đông là phải xuất vốn, chỉ phải chịu trách nhiệm đến ngang phần vốn của mình mà thôi, còn những hội viên thụ tư thì phải đem tất cả tài sản mình mà cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới về cả công nợ của hội”. Vốn hội được chia làm nhiều phần gọi là cổ phần.

Bộ luật Thương mại Trung kỳ năm 1942 cũng quy định loại hình hội này, theo đó, tại Điều 102 quy định công ty đối vốn gồm có công ty vô danh và công ty cấp vốn cổ phần. Đến Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, thì hội hợp tư cổ phần tiếp tục được ghi nhận từ Điều 236 đến Điều 294. Tuy vậy, từ sau khi giải phóng đất nước đến nay, pháp luật Việt Nam đã không ghi nhận và quy định loại hình công ty này.

3. Nhu cầu cần thiết và những vấn đề pháp lý khi xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần trong Luật Doanh nghiệp

3.1. Nhu cầu cần thiết xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần

Việc thành lập loại hình công ty nào phụ thuộc vào ý chí của nhà đầu tư và họ chịu sự ràng buộc (đối với chính họ, với Nhà nước và bên thứ ba) khi sự lựa chọn một loại hình để thành lập. Vì thế, pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận nhiều mô hình tổ chức kinh doanh, đặc biệt nhiều loại hình công ty cho các nhà đầu tư lựa chọn[11]. Về nguyên tắc, họ có quyền lựa chọn tổ chức kinh doanh được pháp luật quy định hoặc sáng tạo ra loại hình mới với các dạng liên kết khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng của mình.

Các quy định pháp luật hiện hành không thừa nhận các hình thức công ty được các nhà đầu tư thành lập trong thực tế. Có nghĩa là ngoài các loại hình được Luật Doanh nghiệp ghi nhận và điều chỉnh, thì các nhà đầu tư không thể thành lập các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy vậy, trong thực tế, đặt ra nhiều trường hợp mà nhà đầu tư muốn liên kết với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu nhất định như:

Trường hợp thứ nhất: Nhà đầu tư muốn thành lập một loại hình công ty thuộc sở hữu của các thành viên trong cùng một gia đình, một dòng họ và công ty đó phải gắn liền với sự phát triển của gia đình, dòng họ ấy. Các thành viên này phải có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng và đại diện, nhân danh công ty tham gia các quan hệ pháp luật (thành viên hợp danh). Đặc biệt, họ không muốn bị chi phối hoặc bị thâu tóm bởi người ngoài công ty. Nhưng bên cạnh đó, họ muốn có sự linh hoạt trong việc huy động nhiều người tham gia góp vốn bằng hình thức mua cổ phần (giống công ty cổ phần) để hưởng lợi tức từ hoạt động của công ty hay nói cách khác họ muốn được huy động vốn từ đại chúng (để trở thành thành viên góp vốn của công ty). Cơ cấu tổ chức quản trị nội bộ của công ty phải gọn nhẹ, đơn giản và ít chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi quy định pháp luật (khác với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần). Nếu soi chiếu các loại hình công ty được pháp luật hiện hành quy định, thì không có loại hình nào đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của nhà đầu tư.

Trường hợp thứ hai: Khi các thành viên hợp danh của công ty hợp vốn đơn giản (theo Luật Doanh nghiệp hiện hành là công ty hợp danh có thành viên góp vốn) muốn chuyển đổi hình thức công ty sang loại hình công ty khác nhằm đáp ứng các điều kiện: (i) Có mô hình tổ chức, quyền điều hành tương đối giống nhau; (ii) Có cơ chế linh động huy động vốn từ bên ngoài để trở thành thành viên công ty; (iii) Phần vốn góp được tự do chuyển nhượng (tương tự công ty cổ phần). Trong trường hợp này, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành sẽ không có loại hình công ty nào đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.

Trường hợp phát sinh trong thực tiễn trên đây chưa được pháp luật điều chỉnh, chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh các hình thức liên kết mới phát sinh và nhà đầu tư không có cơ hội lựa chọn loại hình công ty. Từ đó tạo ra các kẽ hở của pháp luật, những giao dịch ngầm “nấp bóng” các loại hình được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Pháp luật không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia thành lập những loại hình liên kết mới và chưa thể hiện sự linh hoạt của pháp luật trong nền kinh tế thị trường.

3.2. Những vấn đề pháp lý đặt ra khi xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần

Dựa trên kinh nghiệm của pháp luật một số nước về công ty hợp vốn cổ phần và kỹ thuật lập pháp ở Việt Nam, thì việc bổ sung chế định công ty hợp vốn cổ phần vào quy định của Luật Doanh nghiệp được coi là phương án có nhiều ưu việt và đảm bảo tính thống nhất của pháp luật tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, chế định công ty hợp vốn cổ phần nên được xây dựng thành một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp.

Chế định về công ty hợp vốn cổ phần cũng bao gồm các quy phạm pháp luật quy định những vấn đề pháp lý chung của các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chế định về công ty hợp vốn cổ phần còn bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý mang tính đặc thù như: Khái niệm công ty hợp vốn cổ phần; trình tự, thủ tục đăng ký thành lập; vốn điều lệ, góp vốn; cổ phần, các loại cổ phần; chuyển nhượng cổ phần; quyền và nghĩa vụ của các thành viên, mối quan hệ giữa các thành viên với nhau và với công ty; cơ cấu tổ chức quản trị và điều hành; vấn đề đại diện và điều hành hoạt động của công ty; việc chuyển đổi hình thức công ty; chấm dứt hoạt động công ty, bao gồm giải thể và phá sản.

Quá trình xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần phải được xem xét trên các khía cạnh như:

Một là, về thiết kế và xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần trong pháp luật Việt Nam. Việc bổ sung các quy phạm về công ty hợp vốn cổ phần vào trong Luật Doanh nghiệp tạo ra cơ chế được đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Chế định về công ty hợp vốn cổ phần vừa bao gồm những quy định chung được áp dụng với các loại hình doanh nghiệp, nhưng vừa có các quy định mang tính đặc thù thành một chương, mục riêng trong Luật Doanh nghiệp.

Hai là, về phạm vi áp dụng chế định về công ty hợp vốn cổ phần. Ở Việt Nam, có những loại hình công ty được gắn với ngành nghề kinh doanh nhất định. Tuy vậy, khi bổ sung loại hình công ty hợp vốn cổ phần không nên hạn chế hoặc bắt buộc gắn với ngành nghề kinh doanh nhất định, mà để cho các nhà đầu tư có quyền tự do lựa chọn để thành lập.

Ba là, tính thống nhất của chế định về công ty hợp vốn cổ phần trong pháp luật. Khi xây dựng và bổ sung loại hình công ty hợp vốn cổ phần vào trong nội dung của Luật Doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến các quy định khác của Luật Doanh nghiệp và các quy định của luật chuyên ngành liên quan. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, cần phải xem xét các văn bản pháp luật liên quan khác để tránh sự không thống nhất, chồng chéo gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật trong thực tiễn.

Bốn là, về kỹ thuật pháp lý khi xây dựng chế định công ty hợp vốn cổ phần. Chế định về công ty hợp vốn cổ phần nằm trong hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp thuộc lĩnh vực luật tư. Với đặc thù bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh chủ thể kinh doanh, vì thế có tác động lớn đến xã hội. Quá trình soạn thảo, ban hành cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, đánh giá một cách đầy đủ sự cần thiết xây dựng, ban hành chế định công ty hợp vốn cổ phần ở Việt Nam.

Trong những năm qua, các loại hình doanh nghiệp được quy định trong pháp luật ở Việt Nam đã phần nào đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn đời sống kinh doanh. Qua đó, thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư góp vốn để thành lập các loại hình tổ chức kinh doanh với những dạng liên kết khác nhau. Khi pháp luật chỉ giới hạn các loại hình doanh nghiệp hiện hành, nhà đầu tư bị hạn chế quyền tự do lựa chọn các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn đặt ra vấn đề cần thiết phải xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh đa dạng các loại hình doanh nghiệp, trong đó có loại hình công ty hợp vốn cổ phần.

[1]. Khoản 1 Điều 278, German Stock Corporation Act 1965.
[2]. Điều L.226-1 Commercial Code France 1807.
[3]. Lê Tài Triển (1959), Luật Thương mại toát yếu, Sài Gòn, tr. 81.
[4]. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2001), Giáo trình luật kinh tế Việt Nam (tái bản lần thứ 3), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 154.
[5]. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật kinh tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 54.
[6]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật Thương mại: Phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 162
[7]. Lưu Văn Đạt, Phạm Hữu Chi (1993) (dịch), Nguyên lý và thực hành luật thương mại, luật kinh doanh, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 207.
[8]. Lê Minh Phiếu (2006), “Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp”, Tạp chí khoa học pháp lý, (4) (35), tr. 48 - 55.
[9]. Enrico Furia, Introduction to Comparative US/EU Company Law, theo https://www.iim-edu.org/thinktank/papers/WhitePaper_EU_Vs.US_Comparative CompanyLaw.pdf, truy cập ngày 20/6/2019.
[10]. Bui Xuan Hai, Gordon Walker (2005), “Transitional Adjustment Problems in Contemporary Vietnamese Company Law”, Journal of International Banking Law and Regulation, (20) (11), tr. 567 - 568.
[11]. Bùi Xuân Hải (2016) (chủ biên), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh (tái bản lần 1), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 19.
TS. NGUYỄN VĂN LÂM - TS. VŨ QUANG
Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội
Tạp chí Dân chủ & Pháp luật
/ban-ve-xac-dinh-thoi-hieu-khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-doi-voi-quyet-dinh-hanh-chinh-da-het-thoi-hieu-khoi-kien.html