/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xét xử và thi hành án hành chính: Án gia tăng, khó thi hành

Xét xử và thi hành án hành chính: Án gia tăng, khó thi hành

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cùng vơi sự phát triển của kinh tế, cải cách tư pháp và hoàn thiện các văn bản pháp luật đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước và xã hội, với đặc thù và tính chất khá đặc biệt, công tác xét xử và thi hành các vụ án hành chính gặp khá nhiều vướng mắc và bất cập.

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành  chính 2015

Ảnh minh họa. 

 Gia tăng án hành chính

Kể từ khi Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực, hiệu quả hoạt động xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân hai cấp đã thay đổi rõ nét, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Luật sư và người bảo vệ tham gia vụ án hành chính khẳng định được vai trò, giá trị của mình trong việc xét xử cũng như bảo vệ, phổ biến pháp luật trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh các kết quả đạt được trong hoạt động xét xử các vụ hành chính, đối tượng bị khởi kiện (cơ quan Nhà nước) lại chưa tích cực trong tham gia tố tụng dẫn đến nhiều vướng mắc trong xét xử án hành chính. Khoản 3 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hành chính có quy định về người đại diện: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người đại diện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”. So với quy định trước đó đã “bó hẹp” phạm vi và chủ thể được ủy quyền tham gia tố tụng nên dẫn đến trường hợp “người bị kiện” không tham gia làm việc, đối thoại, không tham gia phiên tòa sơ thẩm, phải tiến hành xét xử vắng mặt đã làm cho chất lượng của hoạt động xét xử chưa đạt được như quy định pháp luật yêu cầu. Những việc Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng hay Luật sư, người bảo vệ và người có quyên lợi nghĩa vụ liên quan muốn làm rõ khách quan cũng không đạt được như yêu cầu.

Mặc dù việc xét xử vụ án khi vắng mặt người bị kiện vẫn được tiến hành theo quy định tại Điều 157, 158 của Bộ luật Tố tụng hành chính tuy nhiên lại nảy sinh bất cập. Khi xét xử vắng mặt thì bên bị kiện không đủ điều kiện để nắm bắt đầy đủ các diễn biến hoặc tham gia ý kiến để Tòa án nhân dân ban hành phán quyết phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thi hành án. Ngược lại, ở góc độ người khởi kiện, trong một số trường hợp nguyện vọng của họ là gặp gỡ, đối thoại với người ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính liên quan đến mình nhưng việc vắng mặt đã khiến họ bức xúc, không hòa giải được.

Bên cạnh đó, việc xác minh, thu thập chứng cứ trong các vụ án hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian xác minh, thu thập chứng cứ thường kéo dài. Cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp vừa là đơn vị tham mưu ban hành quyết định hành chính, vừa là đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án nên việc thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là trong các vụ việc có nhiều khả năng buộc thực hiện theo yêu cầu người khởi kiện, không đảm bảo khách quan.

Thi hành án có hiệu lực

Hiện nay, công tác thi hành án đang là cả vấn đề đối với người thực thi pháp luật và người liên quan đến bản án, bên cạnh một số ít ban án được thực thi thuận lợi có kết quả, hầu hết chưa đạt được yêu câu của pháp luật đề ra trong đó có thi hành án hành chính. Bộ luật Tố tụng hành chính chỉ quy định trách nhiệm đôn đốc của cơ quan thi hành án dân sự đối với bản án hành chính, việc chỉ đạo và tổ chức thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền và trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp. Trong quá trình tổ chức thi hành án có một số tồn tại là người phải thi hành án chậm, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Thời gian thi hành kéo dài và người khởi kiên luôn là bên tổn thất kép.

Một số trường hợp, khi người phải thi hành chậm thi hành, thi hành không đúng, không đầy đủ Tòa án nhân dân phải quyết định buộc thi hành án hành chính theo yêu cầu của người được thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành bản án hành chính trong trường hợp này cũng gặp khá nhiều vướng mắc. Theo quy định, trong thời hạn 3 ngày kể từ khi tòa án ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính, chấp hành viên làm việc với người phải thi hành để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án. Thế nhưng, trên thực tế chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn do người phải thi hành không làm việc theo yêu cầu của chấp hành viên, hoặc chỉ phân công cho công chức văn phòng Ủy ban nhân dân, các sở, phòng, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân làm việc trong khi theo quy định những người này không thuộc đối tượng phải làm việc.

Ngoài ra, trong một số trường hợp việc thi hành án hành chính chậm trễ hoặc không thể thi hành do nội dung bản án chưa phù hợp với thực tế cần phải xem xét lại theo thủ tục tố tụng.

Một số kiến nghị

Tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu nại. Để đảm bảo những bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thực thi nghiêm túc, ngoài việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân chậm thi hành án, cần xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử các vụ án hành chính, ngoài các thông tin quy định về trình tự, thủ tục cần chú trọng xem xét đánh giá đúng thực tế khách quan để ban hành bản án, quyết định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thi hành án.

Đặc biệt là cân nhắc các hậu quả của việc ban hành quyết đinh hành chính và hành vi hành chính, nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tác động tiêu cực lâu dài và diện rộng, cần phải áp dụng hình sự để đảm bảo khắc phục hậu quả và tính răn đe của pháp luật.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN TUẤN ANH

Công ty Luật TNHH Song Anh Và Cộng sự

Pháp luật về dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp năm 2013

Lê Minh Hoàng