/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Sự khác biệt so với pháp luật hình sự Liên Bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam

Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Sự khác biệt so với pháp luật hình sự Liên Bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam

13/03/2024 06:52 |

(LSVN) - Pháp luật hình sự Liên Bang Nga có những bước đi khá tiến bộ khi xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đây là những kinh nghiệm cho Việt Nam trong xử lý vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật hình sự Liên Bang Nga

Về tên gọi các các biện pháp xử lý chuyển hướng: Ở Nga hiện nay chưa có văn bản luật cụ thể quy định riêng về hệ thống tư pháp người chưa thành niên phạm tội nên các trường hợp người chưa thành niên phạm tội được xử lý như thế nào vẫn phải áp dụng các quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). BLHS Liên Bang Nga dành riêng Mục V quy định về trách nhiệm Hình sự đối với người chưa thành niên. Phần này có những quy định mang tính đặc thù, thể hiện đường lối khoan hồng, nhân đạo hơn so với người chưa thành niên. Trong đó có quy định các biện pháp giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, BLHS Liên Bang Nga cũng chưa đề cập đến tên gọi cụ thể của các biện pháp thay thế này với tư cách là các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Về các biện pháp, chương trình cụ thể: Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLHS Liên Bang Nga: “Đối với người chưa thành niên phạm tội có thể áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc hoặc có thể áp dụng hình phạt….”. Như vậy, BLHS Liên Bang Nga quy định có hai hướng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc hoặc có thể bị áp dụng hình phạt. Đối với việc áp dụng hình phạt, tức là việc người chưa thành niên phạm tội đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi bài luận này không đề cập đến vấn đề này. Đối với việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc, có 02 trường hợp áp dụng đó là miễn trách nhiệm hình sự và miễn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng khi được miễn chấp hành hình phạt không thỏa mãn các yêu cầu đề ra về các biện pháp xử lý chuyển hướng trong quy định của pháp luật quốc tế là phải áp dụng trước khi phiên tòa chính thức bắt đầu. Người chưa thành niên phải bị kết án bằng một bản án và có bị tuyên một hình phạt cụ thể nhưng sau đó mới được miễn chấp hành hình phạt nên theo quan điểm của tác giả việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc trong trường hợp này không phải là biện pháp xử lý chuyển hướng.

Đối với trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc khi được miễn trách nhiệm hình sự: Các biện pháp giáo dục bắt buộc bao gồm[1]:

- Cảnh cáo: Có nghĩa là giải thích cho người chưa thành niên phạm tội hiểu về thiệt hại do hành vi của mình gây ra và hậu quả của việc tái phạm tội theo quy định của BLHS.

- Chuyển cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ hoặc cơ quan chức năng nhà nước giám sát: Có nghĩa là giao trách nhiệm giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội và trách nhiệm kiểm tra, giám sát hành vi của chúng cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ hoặc cơ quan chức năng nhà nước.

- Giao trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra: Trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra được giao dựa trên hoàn cảnh kinh tế và dựa trên những kĩ năng lao động đã có ở người chưa thành niên phạm tội.

- Hạn chế thời gian rảnh rỗi và đặt ra những yêu cầu riêng đối với hành vi của người chưa thành niên phạm tội: Có thể là cấm thăm viếng, qua lại những nơi đã quy định, cấm sử dụng các biện pháp nhàn rỗi, trong đó bao gồm cả việc cấm lái các phương tiện giao thông cơ giới, hạn chế ra khỏi nhà ở sau thời gian ngày đêm xác định, hạn chế đi đến các địa phương khác mà không có sự cho phép của cơ quan nhà nước.

Về điều kiện được áp dụng: Điều 90, 91 BLHS Liên Bang Nga không quy định điều kiện để áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc cụ thể mà chỉ quy định các điều kiện chung để được áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 90 BLHS Liên Bang Nga: “Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu xác định được rằng việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc”. Như vậy, để được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc thì phải đáp ứng đủ ba điều kiện sau:

Thứ nhất, người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Theo khoản 2 Điều 15 BLHS Liên Bang Nga, tội ít nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức hình phạt cao nhất là đến hai năm tù. Theo khoản 3 Điều 15 BLHS Liên Bang Nga, tội phạm nghiêm trọng là hành vi cố ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức hình phạt cao nhất là đến năm năm tù và những hành vi vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức hình phạt cao nhất là trên hai năm tù. Tuy nhiên, cũng phải căn cứ vào độ tuổi của người chưa thành niên để xác định có phạm tội hay không. Điều 20 BLHS Liên Bang Nga quy định về tuổi chịu TNHS[2] như sau: Người đủ 16 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Những người đủ 14 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm chịu trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự do thực hiện các tội sau: tội giết người (Điều 105); tội cố ý gây thương tích rất nặng cho sức khoẻ người khác (Điều 111); tội cố ý gây thương tích nặng cho sức khoẻ người khác (Điều 112); tội bắt cóc (Điều 126); tội hiếp dâm (Điều 131); tội cưỡng dâm (Điều 132); tội trộm cắp (Điều 158); tội cướp (Điều 161); tội cướp giật (Điều 162); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 163); chiếm giữ trái phép ô tô hoặc các phương tiện giao thông khác không nhằm mục đích chiếm đoạt (Điều 166); tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 167); tội khủng bố (Điều 205); tội bắt cóc con tin (Điều 206); tội thông tin sai sự thật về hành động khủng bố (Điều 207); tội gây rối trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 213); tội phá hoại tài sản công cộng (Điều 214); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu nổ (Điều 226); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt các chất ma túy và hướng thần (Điều 229); tội làm hư hại các phương tiện giao thông và đường dây thông tin liên lạc (Điều 267).

Thứ hai, phải xác định được rằng việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc. Điều kiện này mang tính đánh giá tương đối của chủ thể có thẩm quyền, có thể dựa vào từng đặc điểm cụ thể của người chưa thành niên phạm tội như độ tuổi, trình độ nhận thức, hoàn cảnh gia đình,… có phù hợp để áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc hay không.

Thứ ba, khoản 6 Điều 427 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga quy định: “Việc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 90 BLHS Liên Bang Nga sẽ không được thực hiện nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội không đồng ý với việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc này”. Theo đó, một điều kiện quan trọng để được xem xét miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp thay thế đó là phải có sự đồng ý của người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện của họ. Bởi lẽ, nếu không có sự đồng ý này thì sẽ khó đảm bảo được hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc.

Về thứ tự ưu tiên áp dụng: Theo quy định tại Điều 92 BLHS Liên Bang Nga, khi xử lý người chưa thành niên phạm tội, trước hết phải xem xét đến trường hợp miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc. Trường hợp xét thấy chưa đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự mà bị áp dụng hình phạt thì cần xem xét đến việc miễn hình phạt và đưa vào cơ sở giáo dưỡng đặc biệt thuộc loại hình khép kín của cơ quan quản lý giáo dục. Khi không thể miễn hình phạt thì mới áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Về chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng: Theo quy định tại Điều 427, Điều 438 và Điều 432 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga, thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục thuộc về Tòa án.

Về các yêu cầu, nghĩa vụ đặt ra đối với người chưa thành niên phạm tội khi được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng: Tùy từng biện pháp mà người chưa thành niên phạm tội phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng. Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng nhiều biện pháp giáo dục bắt buộc cùng lúc[3] nên họ sẽ phải chấp hành tất cả các nghĩa vụ đặt ra của từng biện pháp bị áp dụng.

Về hậu quả pháp lý khi không hoàn thành các nghĩa vụ được đặt ra: Trường hợp người chưa thành niên phạm tội thường xuyên không thực hiện biện pháp giáo dục bắt buộc thì biện pháp này có thể bị hủy bỏ, theo đề nghị của cơ quan chức năng nhà nước và tài liệu sẽ được chuyển đi để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội[4].

Quy định của BLHS Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Về tên gọi các biện pháp xử lý chuyển hướng: BLHS Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 chưa có quy định về tên gọi của các biện pháp xử lý chuyển hướng, chưa quy định thế nào là các biện pháp xử lý chuyển hướng, thuật ngữ “xử lý chuyển hướng” chưa được ghi nhận chính thức trong BLHS. Hiện nay, có nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề BLHS đã có quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng hay chưa? Có quan điểm cho rằng BLHS không có quy định riêng về xử lý chuyển hướng nhưng vẫn có các quy định thể hiện tinh thần của xử lý chuyển hướng, quan điểm khác lại cho rằng BLHS đã có quy định về xử lý chuyển hướng thông qua việc quy định các biện pháp giám sát giáo dục bao gồm khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn là các biện pháp xử lý chuyển hướng và nguyên tắc áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS, quan điểm khác cho rằng BLHS chưa có quy định về xử lý chuyển hướng[5]. Theo quan điểm cá nhân, BLHS Việt Nam tuy chưa đề cập đến thuật ngữ “Xử lý chuyển hướng” nhưng đã có các quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng là các biện pháp giám sát giáo dục như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Về các biện pháp, chương trình cụ thể: Tại Mục 2 Chương XII có quy định về các biện pháp giám sát giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều 92 BLHS, có ba biện pháp giám sát giáo dục được áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự: Thứ nhất, khiển trách. Biện pháp này được áp dụng nhằm giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ; Thứ hai, hòa giải tại cộng đồng. Biện pháp này cho phép người chưa thành niên phạm tội hòa giải với bị hại khi bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự; Thứ ba, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Về thời điểm xử lý chuyển hướng, chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng và giám sát việc xử lý chuyển hướng:  Theo quy định tại điều 92 BLHS, cả Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chỉ các biện pháp giám sát giáo dục do Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát áp dụng mới đúng là các biện pháp xử lý chuyển hướng. Bởi lẽ, thời điểm muộn nhất để áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng là trước khi người chưa thành niên phạm tội bị đưa ra xét xử, các biện pháp giám sát giáo dục do tòa án áp dụng không thỏa mãn được điều kiện này, hơn nữa, việc quyết định áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục được thể hiện thông qua bản án hình sự. Do vậy, chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục là Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát và thời điểm áp dụng các biện pháp này là trong suốt quá trình tố tụng và trước khi bị tòa án đưa ra xét xử.

Về điều kiện được áp dụng xử lý chuyển hướng:

Thứ nhất, điều kiện được áp dụng được quy định trong từng biện pháp cụ thể:

- Khiển trách: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS. Theo đó, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi để được áp dụng biện pháp này phải là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm[6]) và không thuộc các tội quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS. Ngoài ra, khiển trách còn được áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Hòa giải tại cộng đồng: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS. Như vậy, trường hợp này được áp dụng khi phạm tội rất nghiêm trọng (theo khoản 2 Điều 12 BLHS) và trừ các tội quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, 252 BLHS. Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS. Trường hợp này được áp dụng khi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, trừ các tội quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS. Ngoài ra, biện pháp này chỉ được áp dụng khi bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự[7].

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS và đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS.

Ngoài ra, để được áp dụng các biện pháp thay thế này thì cần phải đáp ứng các điều kiện là được miễn trách nhiệm hình sự và người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục.

Về thứ tự ưu tiên áp dụng: Theo khoản 4 Điều 91 BLHS, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục.

Về các yêu cầu, nghĩa vụ đặt ra đối với người chưa thành niên phạm tội khi được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng:

- Khiển trách: Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu; Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp[8].

- Hòa giải tại cộng đồng: Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ theo khoản 3 Điều 93 BLHS.

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải thực hiện các nghĩa vụ: chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về học tập, lao động; Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép và thực hiện các nghĩa vụ theo khoản 3 Điều 93 BLHS.

Về hậu quả pháp lý khi không hoàn thành các nghĩa vụ được đặt ra: Hiện nay, BLHS Việt Nam chưa đề cập đến những hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu khi không hoàn thành các nghĩa vụ được đặt ra khi được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục.

Sự khác biệt trong các quy định của pháp luật hình sự Liên Bang Nga và Việt Nam 

Về thẩm quyền áp dụng: Nếu như Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga chỉ quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc thuộc về Tòa án thì BLHS Việt Nam có sự mở rộng hơn về mặt chủ thể, cụ thể tại Điều 92 BLHS, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần trên thì chủ thể áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục với tư cách là biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ có Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát mà cụ thể là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát.

Về điều kiện áp dụng: Một trong những điều kiện để được áp dụng biện pháp giám sát giáo dục theo BLHS Liên Bang Nga là nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo người chưa thành niên phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc. Còn ở Việt Nam, điều kiện này không được quy định trực tiếp mà chỉ quy định gián tiếp thông qua nguyên tắc xử lý được quy định tại khoản 4 Điều 69 BLHS. Khác với BLHS Liên Bang Nga, BLHS Việt Nam còn quy định các điều kiện áp dụng của từng biện pháp theo độ tuổi, vai trò thực hiện tội phạm trong đồng phạm và phạm tội lần đầu.

Về thứ tự ưu tiên áp dụng: BLHS Liên Bang Nga quy định khá rõ về thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý. Cụ thể trước hết phải xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc, nếu không thỏa mãn điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự thì có thể xem xét đến việc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc thuộc loại hình khép kín của cơ quan quản lý giáo dục. Nếu các biện pháp trên đều không đủ điều kiện thì mới xét đến việc áp dụng hình phạt. Còn ở BLHS Việt Nam, mặc dù có quy định về việc chỉ áp dụng hình phạt khi việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Tuy nhiên lại chưa quy định thứ tự áp dụng cụ thể của các biện pháp giám sát giáo dục và biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Về hậu quả pháp lý của việc không hoàn thành nghĩa vụ: BLHS Liên Bang Nga quy định rõ về hậu quả pháp lý khi người phạm tội được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc thường xuyên không hoàn thành các nghĩa vụ được đặt ra, đó là biện pháp này có thể bị hủy bỏ, theo đề nghị của cơ quan chức năng nhà nước và tài liệu sẽ được chuyển đi để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Tức là người được áp dụng các biện pháp thay thế có thể bị đưa trở lại quá trình tố tụng truyền thống. Còn BLHS Việt Nam lại chưa ghi nhận hậu quả pháp lý trong trường hợp này. Chính việc không quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp vi phạm các nghĩa vụ khi được áp dụng các biện pháp giám sát đã tạo ra lỗ hổng pháp lý, khiến người chưa thành niên phạm tội chưa có thái độ đúng mực về việc thực hiện các nghĩa vụ và vô hình chung khiến cho các biện pháp giám sát giáo dục chưa đạt được hiệu quả về tính giáo dục, cải tạo của nó.

Kiến nghị hoàn thiện về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Về thứ tự ưu tiên áp dụng: Như đã phân tích ở trên, khoản 6 Điều 91 BLHS quy định về vấn đề thứ tự áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên chưa quy định cụ thể thứ tự áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục và biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng dẫn đến thực tế có các cách hiểu khác nhau về vấn đề này, có thể xem xét đồng thời các biện pháp giám sát giáo dục với biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng hay phải xem xét các biện pháp giám sát giáo dục trước, sau đó nếu không thỏa mãn điều kiện mới xem xét đến biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng[9]. Do vậy, tham khảo kinh nghiệm của Liên Bang Nga, có thể sửa đổi khoản 4 Điều 91 BLHS như sau:

“Khi xét xử, Tòa án phải xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này. Trong trường hợp không đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này thì có thể xem xét đến biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Mục 3 Chương này. Nếu các biện pháp trên không đảm bảo được hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì mới xem xét đến việc áp dụng hình phạt.”

Về chủ thể áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục: Như đã phân tích ở trên, mặc dù BLHS quy định cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục nhưng các biện pháp giám sát giáo dục do Hội đồng xét xử áp dụng trong giai đoạn xét xử không phải là các biện pháp xử lý chuyển hướng theo đúng chuẩn mực quốc tế. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong giai đoạn xét xử, Hội đồng xét xử có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục[10]. Quy định này có một số hạn chế như: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa xem xét có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội thì vẫn phải làm thủ tục mở phiên tòa và quyết định này phải do Hội đồng xét xử quyết định. Điều này làm kéo dài thời gian giải quyết, việc quyết định áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục phải được quyết định trong bản án của Tòa án nên sẽ gây bất lợi cho người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cần loại bỏ thẩm quyền của Hội đồng xét xử mà thay vào đó là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục[11].

Về điều kiện áp dụng: Tại Điều 92 BLHS quy định điều kiện chung để được áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự là người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục. Tuy nhiên thực tế lại xảy ra trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý kiến của người dưới 18 tuổi phạm tội và người đại diện của họ. Vấn đề đặt ra là phải xử lý trường hợp này như thế nào? Nếu một trong hai người không đồng ý thì có áp dụng được hay không? Tác giả cho rằng, mục đích chính của các biện pháp giám sát giáo dục là cải tạo, giáo dục người phạm tội khi họ được miễn trách nhiệm hình sự, vì vậy họ cần có thái độ tự giác chấp hành các nghĩa vụ được đặt ra và khi họ tự nguyện thực hiện thì mới đáp ứng được mục tiêu đặt ra của các biện pháp giám sát giáo dục. Nếu như người đại diện hợp pháp của họ đồng ý nhưng họ không đồng ý mà vẫn áp dụng thì không đảm bảo được hiệu quả của các biện pháp này. Do đó, tác giả kiến nghị chỉ nên quy định người dưới 18 tuổi phạm tội đồng ý áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục, ý kiến của người đại diện của họ chỉ mang tính tham khảo khi họ không đủ khả năng nhận thức pháp lý khi được áp dụng các biện pháp này.

Hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ: Hiện nay, BLHS Việt Nam chưa có quy định về hậu quả pháp lý khi người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục vi phạm các nghĩa vụ theo quy định của BLHS. Nếu chúng ta chỉ quy định nguyên tắc áp dụng, các biện pháp cụ thể, nghĩa vụ phải thực hiện, các trường hợp áp dụng mà không dự liệu hậu quả pháp lý khi người được áp dụng vi phạm nghĩa vụ thì sẽ khiến cho các biện pháp này không đạt được hiệu quả cải tạo, giáo dục, phòng ngừa. Do vậy, tham khảo quy định của BLHS Liên Bang Nga, cần bổ sung một điều luật về hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ như sau:

“Điều 95a. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm các nghĩa vụ

Nếu trong quá trình được áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục, người dưới 18 tuổi phạm tội không thực hiện hoặc thường xuyên không thực hiện các nghĩa vụ theo khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 94, khoản 2 Điều 95 của Bộ luật này thì có thể bị hủy bỏ việc miễn trách nhiệm hình sự và hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền áp dụng và người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ bị xử lý theo thủ tục tố tụng chung.”

========

[1] Điều 91 BLHS Liên Bang Nga;

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), BLHS Cộng hòa liên bang Nga, bản dịch, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội., tr.36;

[3] Khoản 3 Điều 90 BLHS Liên Bang Nga;

[4] Khoản 4 Điều 90 BLHS Liên Bang Nga;

[5] Mai Thị Thủy, Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Luận án tiến sỹ, năm 2022, Trường Đại học luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 107;

[6] Điểm a khoản 1 Điều 9 BLHS Việt Nam 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

[7] Khoản 2 Điều 94 BLHS Việt Nam 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

[8] Khoản 3 Điều 93 BLHS Việt Nam 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

[9] TS. Mai Thị Thủy, Giáo dục bắt buộc áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của BLHS Liên Bang Nga và gợi mở cho Việt Nam , Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 09 (433), tháng 5/2021;

[10] Điều 427, Điều 428, Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

[11] TS. Mai Thị Thủy, Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Luận án tiến sỹ, năm 2022, Trường Đại học luật TP. Hồ Chí Minh, tr.151.

 NGUYỄN THANH HUYỀN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7

 

 

 

Nguyễn Mỹ Linh