(LSO) - Việc sử dụng thuốc hết hạn vào điều trị cho bệnh nhi là hành vi vi phạm Điều 40, Nghị Định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế...
Tối ngày 24/6, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. HCM nhận được phản ánh của thân nhân bệnh nhi 4 tuổi, về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng.
Sau khi nhận được thông tin, bệnh viện đã dừng y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc.
Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện có hai lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho bệnh nhi có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 01/2020. Trong đó có một lọ đã sử dụng xong và một lọ đã sử dụng được 1/3. Khi kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng đến 11/2021.
Luật sư Hoàng Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc sử dụng thuốc hết hạn vào điều trị cho bệnh nhi là hành vi vi phạm Điều 40, Nghị Định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, căn cứ vào điểm a, khoản 6, Điều 40, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định. Người bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Cùng với đó, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược với giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng và phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc đối với hành vi trên.
“Hành vi truyền thuốc quá hạn sử dụng vào bệnh nhi là gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Có thể thấy, căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 315, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Theo đó, sẽ phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với những người nào làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Với trường hợp cháu bé trên, tuy chưa bị tổn hại về sức khỏe, nhưng có thể sẽ gây ra những tình huống nguy hiểm ảnh hưởng đến bệnh tình của cháu bé”, Luật sư Hà nói.
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác: 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. |
Được biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. HCM đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân có liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân sự cố này.
Theo Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. HCM, bệnh viện đã chuyển hồ sơ vụ sử dụng thuốc quá hạn đến cơ quan công an điều tra.
HOÀNG LÂM