(LSO) - Theo Điều 69, điểm 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định đại xá. Khi Quốc hội đã quyết định thì bất cứ chủ thể nào liên quan đến quyết định đó đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Sau khi Chủ tịch nước công bố Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, trên diễn đàn khoa học pháp lý đã có nhiều ý kiến về Điều 29 Bộ luật Hình sự, trong đó có bài “Một số yếu tố tác động đến chất lượng áp dụng hình phạt của Bộ luật Hình sự” của tác giả Trương Đức Thuận - Tòa án quân sự Quân khu 1, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 11/2018.
Tác giả cho rằng: “Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng phải được xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội họ đã thực hiện, do đó miễn trách nhiệm hình sự là quyết định được thực hiện sau khi đã xác định xong tội danh của người phạm tội, vấn đề định tội danh phải được thực hiện thông qua xét xử công bằng, các chứng cứ phải được xem xét công khai tại phiên tòa và chỉ có tòa án tuyên bố có tội hay không có tội. Trên cơ sở tội danh được xác định đối với bị cáo, tòa án sẽ xem xét nếu có căn cứ theo khoản 1 hoặc có căn cứ theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự và thấy không cần thiết buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự mà vẫn bảo đảm được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm thì tòa án tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo… Do đó, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về giai đoạn áp dụng hình phạt chứ không thể thuộc về giai đoạn định tội danh, vì vậy quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên xác định thẩm quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thuộc về tòa án”.
Với quan điểm trên, xin có đôi điều trao đổi với tác giả:
Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Với quy định trên thì không thể 100% bất cứ hành vi phạm tội nào cũng phải được xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, bởi:
Một là, về lịch sự lập pháp, trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1985, chế định miễn trách nhiệm hình sự được gọi là “miễn tố” đã được ghi nhận tại Điều 15 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1960, và tiếp đến qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhưng quy định này vẫn giao cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án thực hiện vì nó phù hợp với mục đích kịp thời đem lại những gì có lợi nhất cho can, bị cáo.
Theo điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự, quá trình giải quyết dù hồ sơ vụ án đang do cơ quan nào quản lý thì trước khi chuyển sang cho cơ quan khác, cơ quan đó bắt buộc phải ban hành quyết định xử lý hành vi phạm tội của bị can, trong đó có việc miễn trách nhiệm hình sự nếu họ thỏa mãn các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự (do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa). Thực chất đây là biện pháp nhà làm luật đã “phi hình sự hóa”, những hành vi trước đây bị coi là tội phạm thì nay không phải là tội phạm và không có quy định nào để cơ quan điều tra, hoặc viện kiểm sát nêu trong bản kết luận điều tra hay cáo trạng cho rằng: hành vi phạm tội của bị can này không phải là tội phạm để khi xét xử được tòa án miễn trách nhiệm hình sự.
Hai là, đối với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự (khi có quyết định đại xá): Đại xá được hiểu là một biện pháp khoan hồng của Nhà nước nhằm tha tội hoàn toàn và triệt để cho một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt người phạm tội.
Theo Điều 69, điểm 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định đại xá. Khi Quốc hội đã quyết định thì bất cứ chủ thể nào liên quan đến quyết định đó đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Khoản 6 Điều 157 Bộ luật Hình sự quy định không được khởi tố vụ án hình sự khi tội phạm được đại xá, nếu điều đó xảy ra thì cơ quan điều tra lấy đâu căn cứ để khởi tố vụ án, bị can rồi điều tra, kết luận điều tra chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát, đồng thời viện kiểm sát cũng không được phép truy tố bất cứ ai khi tội phạm đó đã có quyết định đại xá.
Việc người phạm tội được cơ quan điều tra, truy tố hoặc xét xử áp dụng các điểm a, b, c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự là quy định tùy nghi, phụ thuộc vào ý chí của cơ quan tiến hành tố tụng đang thực hiện nhiệm vụ của mình và được quy định tại các Điều 230, 246, 248, 282, 285, 321 326 và 328 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ba là, việc miễn trách nhiệm hình sự ngoài những quy đinh tại Điều 29 thì trong Bộ luật Hình sự còn nhiều điều luật khác cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng đươc ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, chẳng hạn: đoạn 2 Điều 16, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110 và khoản 7 Điều 364.
Về tính nhân văn, chúng tôi cho rằng, trường hợp người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo thuộc trường hợp quy định tại tại khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn, nếu hồ sơ đang do cơ quan điều tra hay viện kiểm sát quản lý thì việc ban hành quyết định miễn trách nhiệm hình sự sẽ được xử lý ngay; việc này phần nào cũng làm giảm nỗi đau của họ cùng những người thân thích. Nếu theo quan điểm phải đợi tòa án mở phiên tòa xét xử quyết định, lúc đó người phạm tội đã “đi” thì còn gì là miễn?
Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự là quy định mới, đang có những nhận thức khác nhau về nội dung, nhiều ý kiến cho rằng: Khoản này chỉ áp dụng với người thực hiện hành vi phạm tội ở lỗi vô ý, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Ngược lại, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả Đinh Văn Quế qua bài viết “Hiểu thế nào cho đúng về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015”đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 16/2017; theo tác giả, quy định này được áp dụng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng (không phân biệt phạm tội do vô ý hay cố ý) và người phạm tội nghiêm trọng do vô ý.
Miễn trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh khi người phạm tội đã là bị can, bị cáo, việc này là đúng trình tự thủ tục; nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp được áp dụng khoản 3 Điều 29, hai bên thỏa thuận và thực hiện xong mức bồi thường dân sự, tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, mặc dù họ đã thỏa mãn các yếu tố được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng người phạm tội có được hay không lại phụ thuộc vào quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực tế có nơi lại áp dụng “thoáng hơn” sau khi xảy ra sự việc thuộc đối tượng điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự. Khi tiếp nhận thủ tục này, cơ quan điều tra không ra quyết định không tố vụ án, khởi tố bị can, về phía viện kiểm sát cũng “mần thinh”. Động thái “cắt xén” thủ tục này, nếu đối chiếu với quy định về xử lý tin báo tội phạm thì vi phạm, nhưng lại hợp lý với thực tiễn, được những người liên quan và dự luận xã hội đồng tình. Cách xử sự này càng hợp lý hơn nếu người phạm tội là công an hay đại biểu hội đồng nhân dân, vì theo quy định của lực lượng công an hay khoản 2 Điều 101 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trước khi quyết định khởi tố bị can, hai đối tượng này sẽ bị tước danh hiệu công an hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của họ nhưng sau đó nếu được miễn trách nhiệm hình sự thì thủ tục khôi phục trường hợp bị “tước” danh hiệu, bị tạm đình chỉ... không phải lúc nào cũng được thực hiện kịp thời.
Vì các lẽ trên, chúng tôi cho rằng quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự hiện tại là có căn cứ, song xuất phát từ thực tiễn xin đề xuất nội dung sau:
Nên chăng cần quy định trường hợp người phạm tội thuộc khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự mà trong vòng 1 tháng giữa hai bên đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ quy định trong điều luật thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng rất mong cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được áp dụng quy định “có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Hoặc có thể bổ sung vào Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự trường hợp không khởi tố vụ án hình sự khi người thực hiện tội phạm và bị hại đã thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự. Nếu đã khởi tố, truy tố thì việc miễn trách nhiệm hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án.
Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH