Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.
Theo Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2022, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 123.218 nguồn tin về tội phạm; ban hành 92.551 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 0,2%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.268 cuộc tại Cơ quan điều tra; yêu cầu khởi tố 481 vụ án; ra quyết định hủy 64 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật; trực tiếp ra 8 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; số lượng kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm tăng 1,2%; tiếp tục phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt 82,6% (vượt 22,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đối với Báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác này. Nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có kết quả tích cực và đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Chất lượng các kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử được tiếp thu, thực hiện với tỷ lệ 99,8%.
Tuy nhiên, vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát; còn để xảy ra trường hợp Viện Kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn.
Theo Ủy ban Tư pháp, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng trên 30%. Trong giai đoạn xét xử, 55 trường hợp Viện Kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa, hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện Kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị.
Giải trình về việc này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, bảo vệ quyền con người là việc phải làm, nhưng bảo vệ đa số người dân có cuộc sống bình yên, ổn định để phát triển thì hoàn toàn khác với bảo vệ tuyệt đối quyền con người của những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu liên quan đến tội phạm. Luật Tố tụng đã quy định các biện pháp hạn chế dần quyền của những người này. Trong một vụ án, hai lời khai của người phạm tội hoặc ba lời khai của nhân chứng có liên quan thì có thể khởi tố, bắt giam để tránh bỏ lọt tội phạm. Còn kết luận có tội hay không thì tòa sẽ tuyên.
Theo ông Trí: "Việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cũng là điều luật cho phép để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bởi nhiều trường hợp khi ra tòa mới phản cung, có tình tiết mới. Nếu cứ trả hồ sơ mà bị phê bình thì Công an, Kiểm sát, Tòa án thống nhất nhau hết, như thế thì coi chừng lại là mặt trái".
Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, không nên dùng từ "oan sai" trong giai đoạn điều tra vì chỉ khi "tòa tuyên (bản án có hiệu lực thi hành) một người không có tội mà bị kết án thì mới là oan". Hơn nữa, một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự, chỉ có 17 vụ như vậy thì "phải cảm thấy mừng". Năm 2021 có 15 trường hợp, năm nay tăng thêm 2 cũng "không nói lên điều gì" bởi còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, trong quá trình thẩm tra Ủy ban rất thận trọng. 17 trường hợp bị oan nêu trong báo cáo thẩm tra là phù hợp theo Luật Bồi thường Nhà nước vì Luật này quy định "đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội" thì xác định đó là các trường hợp bị oan phải bồi thường.
Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp thống nhất quan điểm đình chỉ là quy trình bình thường trong hoạt động tố tụng, nhưng nếu trả hồ sơ nhiều quá, tòa trả cho viện yêu cầu khởi tố thêm bị can, yêu cầu truy tố thêm hành vi phạm tội thì chứng tỏ quá trình kiểm sát điều tra, truy tố chất lượng cũng chưa bảo đảm.
HỒNG HẠNH
Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?