Đến tham dự buổi Lễ có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và Viện Nhà nước và pháp luật, cùng đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các thầy cô, học viên qua các thời kỳ xây dựng và phát triển của Viện.
PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật trình bày Báo cáo chặng đường 40 năm hình thành và phát triển.
Tại buổi Lễ, PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đã trình bày tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của Viện qua chặng đường 40 năm và đạt nhiều kết quả, được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì do Nhà nước trao tặng. Từ tiền thân là Tổ bộ môn Nhà nước - Pháp luật trực thuộc Ban Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc vào năm 1983, Khoa Nhà nước và Pháp luật được thành lập năm 1988 và đến tháng 8/2005, được đổi tên thành Viện Nhà nước và Pháp luật.
Đây là Viện chuyên ngành trực thuộc Học viện, có chức năng giảng dạy về lĩnh vực nhà nước và pháp luật trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Trung tâm; nghiên cứu các vấn đề về lĩnh vực nhà nước, pháp luật phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng cán bộ, giảng viên cũng như chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Bên cạnh việc đào tạo hệ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân, các lớp bồi dưỡng, giảng dạy chuyên ngành Nhà nước và Pháp luật cho nhiều thế hệ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, điểm nổi bật trong quá trình hoạt động của Viện là đào tạo sau đại học. Viện đã đào tạo 183 Tiến sĩ luật học, trong đó có 12 cán bộ của Đảng và Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hiện nay, đang có 69 nghiên cứu sinh các khóa 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38 đang học tập và nghiên cứu tại Viện; đào tạo 2.961 thạc sĩ luật. Trong giai đoạn 2018-2023, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo ngày càng cao trong giai đoạn mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật đã xây dựng, thuyết minh và mở thành công mã ngành đào tạo thạc sĩ Quản lý nhà nước.
Viện đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng trong công tác nghiên cứu khoa học với việc thực hiện 02 đề tài cấp Nhà nước và 01 đề tài nhánh cấp Nhà nước; 34 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm, 74 đề tài khoa học cấp Cơ sở, xuất bản 46 đầu sách phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính và đào tạo sau đại học, biên soạn và xuất bản Giáo trình Nhà nước và Pháp luật dành cho chương trình giảng dạy Cao cấp lý luận chính trị gồm 11 chuyên đề, công bố hơn 300 bài viết trên các Tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Viện Nhà nước và Pháp luật có mối quan hệ hợp tác về nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Học viện, các tổ chức quốc tế, như: Đại học Luật Hà Nội, khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội), Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, Viện Chính sách công và Pháp luật trực thuộc Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Quỹ Nafosted, chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP, Ngân hàng Thế giới (World Bank)…
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chúc mừng và chỉ đạo định hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã chúc mừng những thành công trong chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của Viện. Tuy sinh sau một số Viện trực thuộc Học viện, nhưng tập thể Viện Nhà nước và Pháp luật đã đi trước, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có đào tạo lý luận Nhà nước và Pháp luật, cao cấp chính trị, nhất là những kết quả đáng ghi nhận trong đào tạo sau đại học, với các mã ngành mới. Viện có đội ngũ nhiều giáo sư, nhà khoa học tên tuổi, nên mỗi cán bộ của Viện cần biết kế thừa, xứng đáng với các thế hệ đi trước.
Ông Nguyễn Xuân Thắng trao Huân chương Lao động Hạng Nhì do Nhà nước trao tặng cho Viện Nhà nước và Pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh cùng với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá chiến lược của Viện là nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó đề cao vai trò của pháp luật, bám sát chủ trương cải cách tư pháp, hành chính, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền. Mặt khác, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật, vấn đề kiểm soát quyền lực... Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ khoa học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nhiệm vụ của Viện thời gian tới. Đó là nhiệm vụ mà Viện không thể đứng ngoài như triển khai thực hiện Nghị quyết 27 và Nghị quyết XIII của Đảng, tổng kết 40 năm đổi mới và chuẩn bi tham góp trong việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài thay mặt các Học viên đào tạo sau đại học qua các thời kỳ phát biểu cảm nghĩ tại buổi Lễ.
Thay mặt cho các học viên được đào tạo qua các thời kỳ, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ những ký ức không bao giờ quên từ khi trở thành nghiên cứu sinh từ năm 1999 và bảo vệ luận án tiến sỹ luật học vào năm 2003, tri ân GS.TS Hoàng Văn Hảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, PGS.TS Trịnh Đức Thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, các thầy, cô và cán bộ của Viện đã hết lòng hướng dẫn và động viên các học viên hoàn thành chương trình đào tạo. Từ nền tảng kiến thức và tình cảm ấm áp nói trên đã tạo hành trang cho các học viên đưa luận lý vào đời sống, đóng góp xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhiều người đang giữ các cương vị, trọng trách trong bộ máy tư pháp nước nhà.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài cũng thông tin thêm về sự hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với đội ngũ trên 18.000 Luật sư, đang từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, tố chất nội lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện chức năng xã hội cao quý. Với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, nhiều vận hội mới đã mở ra cho sự phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam, đội ngũ luật sư đang nhận được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, của các chủ thể xã hội, với sứ mệnh là những “vệ sĩ” dấn thân vì nghĩa hiệp, bằng sự tinh thông về pháp luật, luận lý và đạo đức nghề nghiệp, chia sẻ với tấm lòng yêu thương con người, bảo vệ quyền lợi của những phận người không may bị vướng vào vòng lao lý, bị thua thiệt trong phân tranh quyền lợi…
MINH HOÀNG