/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp

16/06/2022 11:16 |

(LSVN) - Đại dịch Covid-19 bắt buộc chính phủ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Những biện pháp này có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong các ngành Hàng không, Dịch vụ hàng không, Nhà hàng, khách sạn và giải trí, Bán lẻ Trung tâm thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong các ngành phân phối, bán lẻ hàng ICT, giao nhận, viễn Thông lại được hưởng lợi do nhu cầu sản phẩm tăng cao. Các doanh nghiệp trong các ngành vận tải đường biển, dịch vụ cảng biển và Logistics được hưởng lợi từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và dịch chuyển đơn hàng. Hiểu được những tác động trái chiều của Covid-19 sẽ giúp chính phủ thiết kế chính sách hỗ trợ hướng đến đúng các doanh nghiệp cần hỗ trợ.

Ảnh minh họa.

Đại dịch Covid 19 và những hành động chủ yếu của chính phủ, doanh nghiệp và người dân

SARS-CoV-2 là một loại virus gây bệnh hô hấp cấp tính có tốc độ lây lan mạnh từ người sang người (1). Được phát hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 12/2019, virus lây lan nhanh chóng và trở thành đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tính đến đầu tháng 02/2022, dịch bệnh đã lây lan trên toàn thế giới với hơn 415 triệu người nhiễm bệnh và hơn 5,84 triệu ca tử vong. Riêng tại Việt Nam, đại dịch đã làm 2,56 triệu người nhiễm bệnh và 39.122 người tử vong (2).

Trước sự lây lan nhanh và mạnh của dịch bệnh, chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội và phong toả nhằm kiềm chế sự lây lan của virus. Cụ thể, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp chính như sau:

- Ngày 28/3/2020 - 15/4/2020: Trên phạm vi cả nước, hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác, tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu (3).

-  Ngày 01/4/2020 - 15/4/2020: Thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc mọi người ở tại nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu (4).

- Ngày 24/4/2020 - 11/10/2021: Áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (5).

- Ngày 19/7/2021 - 02/8/2021: Thực hiện giãn cách xã hội ở TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch (6).

Để hạn chế những ảnh hưởng xấu từ các biện pháp giãn cách xã hội của Chính phủ, các doanh nghiệp và trường học đã chuyển đổi dần mô hình hoạt động, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư cho các biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ.

Với tâm lý lo lắng, người dân đã tăng cường tích trữ nhu yếu phẩm. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập trong tình hình mới, người dân đã tăng mua các thiết bị công nghệ để làm việc trực tuyến. Người dân cũng đã tăng mua sắm online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Những tác động đến doanh nghiệp

Những biện pháp hạn chế lây lan và phòng chống Covid-19 của chính phủ, doanh nghiệp và người dân có tác động không giống nhau đến các nhóm doanh nghiệp. Có những nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do việc hạn chế di chuyển hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi đó, những doanh nghiệp khác lại được hưởng lợi do nhu cầu của người dân tăng lên hoặc dịch chuyển đơn hàng.

Nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do giãn cách xã hội

(a) Các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Chính phủ tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 03/2020.

(b) Các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu giải trí bị thiệt hại nặng nề do bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động hoặc người dân chủ động hạn chế đi lại để phòng, chống Covid-19.

Nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do việc đứt gãy chuỗi cung ứng

(a) Các doanh nghiệp dệt và may mặc gặp khó khăn trong nhập khẩu sợi và vải từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Phi, và Ấn Độ.

(b) Các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi nhuận do giá cước vận tải biển tăng cao.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giãn cách xã hội

(a) Các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị tăng được doanh thu nhờ việc người dân tăng nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm trước mỗi đợt giãn cách xã hội.

(b) Các doanh nghiệp phân phối hoặc bán lẻ hàng điện tử như máy tính, điện thoại được hưởng lợi từ việc người dân tăng mua sắm nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc và mua bán trực tuyến.

(c) Các doanh nghiệp giao nhận tăng doanh số do nhu cầu đặt mua hàng trực tuyến tăng nhanh.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ ý thức phòng, chữa bệnh của người dân

(a) Doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, khẩu trang hay nhập khẩu bộ xét nghiệm được hưởng lợi từ việc người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm sát khuẩn, ngăn ngừa virus lây lan hoặc xét nghiệm triệu chứng bệnh.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng

(a) Các doanh nghiệp vận tải đường biển, logistics như khai báo hải quan được hưởng lợi từ việc giá cước container tăng gấp 04 lần so với mức trước dịch, xuất phát từ tình trạng tắc nghẽn ở các cảng biển ở Trung Quốc và Mỹ.

Ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp

Nhóm nghiên cứu phân tích mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu và EBIT (7) của các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nhóm nghiên cứu sử dụng số liệu báo cáo tài chính quý từ quý 2/2020 đến quý 3/2021 (8) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam (9).

Nhóm doanh nghiệp bị thiệt hại do giãn cách xã hội

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp của bốn ngành Hàng không; Dịch vụ sân bay; Nhà hàng; Khách sạn và giải trí và Trung tâm thương mại giảm nghiêm trọng do giãn cách xã hội và việc dừng các chuyến bay thương mại. Biểu đồ 1 cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các ngành này giảm mạnh trong thời gian quý 2/2020 - quý 1/2021. Doanh thu và lợi nhuận của các ngành hồi phục trong quý 2/2021 nhờ vào việc nới lỏng các quy định đi lại. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, các quy định khắt khe về giãn cách xã hội được áp dụng trở lại. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại giảm mạnh.

Nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do việc đứt gãy chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Thủy sản và Dệt may chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giảm sút doanh thu do việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu chính. Biểu đồ 3 cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp này giảm trong 9 tháng cuối năm 2020, sau đó phục hồi trong quý 2/2021 và giảm trở lại trong quý 3/2021 khi chính phủ áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội ở các tỉnh miền Nam.

Hơn nữa, giá cước vận chuyển đường biển tăng mạnh từ quý 4/2020 đã làm tăng tỉ trọng chi phí bán hàng so với doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng tiêu dùng. Biểu đồ 4 cho thấy tỉ trọng chi phí bán hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt và đồ gỗ tăng trong khoảng 0,13 - 3,23 điểm phần trăm trong giai đoạn quý 4/2020 - quý 3/2021. Riêng các doanh nghiệp xuất hàng may mặc lại có tỉ trọng chi phí bán hàng giảm trong giai đoạn này. Có thể các doanh nghiệp này đã đàm phán được nhà nhập khẩu chấp nhận chi trả chi phí vận chuyển tăng thêm.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giãn cách xã hội

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ máy tính và điện thoại (ICT), doanh nghiệp giao nhận, và doanh nghiệp viễn thông được hưởng lợi từ việc doanh nghiệp và người dân bị hạn chế đi lại và chuyển hoạt động làm việc, học tập và mua sắm từ truyền thống sang trực tuyến. Biểu đồ 5 và Biểu đồ 6 cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng mạnh trong giai đoạn quý 4/2020 - quý 2/2021. Tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong quý 3/2021 do các quy định giãn cách ở các tỉnh phía Nam. Riêng lợi nhuận của các doanh nghiệp giao nhận sụt giảm mạnh (-76.6%) trong quý 3/2021 do tăng thêm các chi phí xét nghiệm cho nhân viên giao nhận.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảng biển và logistics được hưởng lợi từ việc giá cước vận tải biển tuyến xuyên Thái Bình Dương tăng mạnh do tình trạng tắc nghẽn tàu ở các cảng biển của Trung Quốc và Mỹ. Biểu đồ 7 và Biểu đồ 8 cho thấy doanh thu và lợi nhuận nhuận của các doanh nghiệp này tăng mạnh trong giai đoạn từ quý 1/2021 - quý 3/2021.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu trên chỉ ra tác động của đại dịch Covid-19 đến các nhóm doanh nghiệp khác nhau là khác nhau và không đồng đều. Hiểu được sự tác động này sẽ giúp chính phủ thiết kế chính sách hỗ trợ hướng đến các doanh nghiệp thực sự cần giúp đỡ. Kết quả nghiên cứu mở ra những nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn khi có điều kiện về thời gian và nguồn lực.

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Covid-19_pandemic

(2) https://covid19.gov.vn/

(3) Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/3/2020

(4) Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ban hành ngày 31/3/2020

(5) Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ban hành ngày 24/4/2020

(6) Công văn số 969/TTg-KGVX của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 17/7/2021

(7) Nhóm nghiên cứu tham vấn ý kiến của chuyên gia và sử dụng thước đo lợi nhuận là EBIT = Lợi nhuận gộp - Chi phí bán hàng - Chi phí quản lý. Công thức này giúp đo lường sát hơn thay đổi của doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp thông qua việc loại bỏ ảnh hưởng của những khoản thu nhập bất thường, thu nhập tài chính và thu nhập từ hoạt động đầu tư.

(8) Đây là giai đoạn Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly y tế ở mức độ cao nhất thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các địa phương.

(9) Dữ liệu được cung cấp bởi Fiingroup (https://fiingroup.vn).

NGUYỄN TÙNG PHƯƠNG - LÊ THỊ BẠCH DƯƠNG

Học Viện Tài Chính

Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính

Admin