LSVN0 – Như đã đưa tin, ngày 16/7, các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ án “Giết người” xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chủ tịch nước,... để “Xin ân giảm hình phạt tử hình cho Đặng Văn Hiến”. Luật sư Việt Nam Online xin đăng toàn văn bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để bạn đọc có thêm thông tin về vụ án này.
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 03/01/2018, Tôi cho rằng, việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ” theo Điểm n, Khoản 1, Điều 93 BLHS 1999 đối với bị cáo Hiến và việc truy cứu TNHS đối với bị cáo Diện theo Khoản 1, Điều 313 BLHS 1999 là chưa xác đáng, việc quyết định hình phạt như trong bản án sơ thẩm cũng có phần quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với diễn biến thực tế khách quan của vụ án.
Kính thưa Hội đồng xét xử.
Hành vi của Đặng Văn Hiến (cụ thể là hành vi bắn Điểu Tào và Điểu Vinh) bị Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST của TAND tỉnh Đắk Nông nhận định là thuộc tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” nhưng qua tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như qua quá trình xét xử công khai tại phiên tòa sơ thẩm tôi thấy rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo Hiến được thực hiện “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân hoặc người khác gây nên”, chính vì vậy, không thể áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” như trong bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định, vì vậy Tôi kính và đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét và quyết định trong quá trình nghị án, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, Công ty Long Sơn đã có những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật trong một thời gian dài, gây ra bức xúc cho người dân tiểu khu 1535 nói chung và bị cáo Hiến nói riêng. Đồng thời, hành vi san ủi trái phép ngày 23/10/2016 (lần san ủi thứ 3) của Công ty Long Sơn đã làm bị cáo Hiến bị dồn nén, ức chế, kích động, dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể:
Bị cáo Đặng Văn Hiến tại phiên tòa phúc thẩm.
Từ năm 2008, sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông ra Quyết định số 241/QĐ- UBND cho thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha đất trong đó có đất tại Tiểu khu 1535, Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức san ủi cây cối, hoa màu trên các mảnh đất mà người dân đang xâm canh mà không bồi thường dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài của người dân. Và việc này vẫn liên tục tiếp diễn kể cả khi UBND tỉnh Đắk Nông có yêu cầu Công ty Long Sơn thực hiện thỏa thuận, bồi thường về cây cối và hoa màu cho các hộ dân có đất xâm canh tại dự án của Công ty Long Sơn (theo Bút lục 2346 - Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 02/08/2010 về giải quyết đơn khiếu nại).
Thậm chí, năm 2013, Công ty Long Sơn đã có lần tự ý tổ chức cưỡng chế giải tỏa một cách trái phép với tổng số đối tượng tham gia là 130 người trong đó có khoảng 60 người là do đối tượng xã hội đen (Thành “nghĩa địa”) cầm đầu đã sử dụng dao, gậy,…. để chặt phá cây trồng của người dân (Báo cáo 254/BC-UBND ngày 29/3/2013 của UBND huyện Tuy Đức ngày 29/3/2013 - Bút lục 2458). Mặc dù sau đó UBND huyện Tuy Đức có đến làm việc nhưng công ty Long Sơn vẫn có ý định tiếp tục tổ chức giải tỏa một cách trái phép (Báo cáo số 328/BC-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức ngày 11/4/2013 - Bút lục 2493).
Đến năm 2015, 2016, mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định về việc thu hồi một phần diện tích đã cho công ty Long Sơn thuê, trong đó có toàn bộ 265,4 ha đất đã trồng Điều thuộc dự án của Công ty Long Sơn nhưng Công ty Long Sơn không chấp hành quyết định thu hồi đất và vẫn tiếp tục đưa lực lượng cưỡng chế, giải tỏa tải sản một cách trái phép trên đất của nhân dân đang chiếm dụng để canh tác (Bút lục 2437 - Công văn số 1478/TN&MT-QHGĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông ngày 11/11/2016 trả lời và cung cấp hồ sơ tài liệu cho Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an và qua các lời khai của Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Lê Phi Thông, Trần Văn Tâm (nhân viên Công ty Long Sơn)).
Theo lời khai của Hoàng Thị Ngần (Bút lục 793) thì trong các lần san ủi cây trước ngày 23/10/2016, Công ty Long Sơn có trang bị tuýp sắt, gậy cho công nhân để chống lại người dân, theo Lời khai của Ninh Viết Bình (Bút lục 173) thì Công ty Long Sơn còn thuê cả xã hội đen để đánh đập, đe dọa người dân để lấy đất.
Cho đến vụ việc xảy ra, ngày 23/10/2016, trước đó, từ ngày 15/10/2016, Công ty Long Sơn đã tổ chức họp bàn, lên kế hoạch, trang bị áo giáp, lá chắn, gậy, đá, quần áo bảo hộ, và tập dượt cho nhân viên sử dụng các trang bị chống lại người dân. Không chỉ vậy, liên tiếp từ đầu tháng 10 cho đến trước ngày 23/10/2016, Công ty Long Sơn thuê thêm rất nhiều nhân viên bảo vệ, cụ thể: Lê Anh Nghĩa (22/10/2016), Điểu Tư (18/10/2016), Điểu Tuấn Vũ (giữa tháng 10/2016), Điểu Vinh (18/10/2016), Điểu Đào (18/10/2016), Điểu Hồng (10/10/2016), Điểu Duy (04/10/2016), Điểu Thân (20/10/2016), Điểu Dân (03/10/2016), Điểu Ka và Xì Cồn (đầu tháng 10/2016), Lê Duy Phương (14/10/2016).
Thứ hai,vào ngày 23/10/2016, khi bị cáo Hiến cầm súng săn ra cửa sau đi đến chỗ công ty đang ủi thì bị người của Công ty Long sơn xông tới, trên tay cầm đao, kiếm, gậy, đá... Bị cáo Hiến đã nổ súng chỉ thiên hai phát đạn nhưng phía công nhân của Công ty Long sơn vẫn hô hào xông tới ném đá, dí (đuổi) bị cáo Hiến, sau đó bị cáo Hiến chạy vào nhà đóng cửa lại nhưng người Công ty Long sơn vẫn tiếp tục vây kín và ném đá vào nhà bị cáo Hiến lúc 05 giờ sáng.
Thực tế, với số lượng công nhân Công ty Long Sơn có đến 34 người, cầm gậy gộc, đá, đao, kiếm.. trang bị cả khiên chắn, áo giáp và quần áo, mũ bảo hộ. Đồng thời, số lượng công nhân này cũng đã được tập dượt trước để chống lại người dân tại tiểu khu 1535 thì trong trường hợp này bị cáo Hiến không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng súng để ngăn cản sự tấn công của nhóm bảo vệ áp đảo với bị cáo và gia đình.
Ngoài ra, tại các Bút lục 789, 804, 807 (lời khai của Hoàng Thị Ngần, cháu Hoàng Thị Phương Anh và anh Hoàng Văn Thắng) thì nhóm công nhân Công ty Long Sơn xách giỏ đá, cầm gậy gỗ, xẻng, lá chắn và hô to “chúng mày đánh chết cho tao, không được thì đốt nhà” và “thằng nào lên thì đánh chết mẹ tụi nó luôn”. Ngay cả trong lời khai của Điểu An người bị thương có mặt tại hiện trường (Bút lục 901) cũng thừa nhận “anh Chính hô: nó có súng kìa bọn bay, dí nó”.
Rõ ràng, đối mặt với hành vi ngang ngược, hung hãn của một số lượng lớn công nhân Công ty Long Sơn, trước tình cảnh nguồn sống duy nhất của gia đình (cây điều) bị cưỡng chiếm trái pháp luật, nhiều lần Công ty Long Sơn thực hiện hành vi Cưỡng chiếm đất của nhân dân tiểu khu 1535, tinh thần bị cáo Hiến đã bị dồn nén ức chế, bị kích động, hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi của bản thân nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Thưa Hội đồng xét xử.
Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986, Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn về trạng thái tinh thần bị kích động như sau:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.
Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”. Nghị quyết và Công văn trên vẫn có hiệu lực pháp luật và chưa bị thay thế hủy bỏ.
Như vậy, ở trường hợp vụ án này, hành vi trái pháp luật của Công ty Long Sơn thực hiện nhiều lần, mang tính chất áp bức nặng nề, hành vi san ủi trái phép (phá hoại tài sản là nguồn sống của các gia đình mà không bồi thường) và sử dụng bạo lực đối với người dân tiểu khu 1535 lặp đi lặp lại, âm ỉ, kéo dài từ suốt 8 năm, tạo nên sự đè nén đối với không chỉ mình Hiến mà còn toàn bộ những người dân tiểu khu 1535.
Và đến thời điểm ngày 23/10/2016, hành vi san ủi trái phép của Công ty Long Sơn lại một lần nữa xuất hiện với sự có mặt của một số lượng rất lớn công nhân Công ty Long Sơn có trang bị vũ khí,hung hăng, quyết liệt đã ngăn cản Hiến bảo vệ tài sản của gia đình, đã coi thường sự cảnh cáo và đồng loạt tấn công Hiến, làm cho Hiến bị kích động, không thể tự kiềm chế được. Vậy, khi xét cả quá trình phát triển của sự việc, sự kích động này được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Thứ ba, khoảng thời gian từ khi bị cáo Hiến bắn phát súng chỉ thiên đầu tiên, và bắn về phía các bảo vệ Công ty Long Sơn cho đến khi 3 nạn nhân chết và cả đến khi bị cáo Hiến đến nhà anh Lập bị cáo Hiến vẫn còn ở trong trạng thái kích động, hoảng loạn. Hay nói cách khác, tại thời điểm Hiến bắn vào Điểu Tào và Điểu Vinh do không cởi đồng phục của Công ty Long Sơn và cởi chậm, Hiến vẫn ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và mơ hồ về hành vi của bản thân. Điều này, thể hiện qua các chứng cứ sau:
Theo Biên bản thực nghiệm điều tra ngày 09/05/2017 của cơ quan điều tra (Bút lục226)thì khoảng cách Hiến bắn Điểu Tào và Điểu Vinh là khoảng 23m. Trong khai của Điểu An(Bút lục 938) còn xác định khoảng cách giữa Hiến và công nhân Công ty Long Sơn là khoảng 30m. Với một khoảng cách tương đối, cộng thêm thời tiết mưa, vào 05 giờ sáng trong khu vực nhiều cây cối, bị cáo Hiến đã bắn vào các nạn nhân một cách không chủ đích, không cố tình nhằm vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.
Chính vì vậy, việc Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông nhận định trong bản án sơ thẩm là “ Hành vi sử dụng súng bắn vào những người này (Điểu Tào, Điểu Vinh) ở cự ly gần, trong khi họ hoàn toàn không còn khả năng tự vệ, nhằm vào vùng trọng yếu nhất của cơ thể họ để bắn” chưa phù hợp với thực tế khách quan của vụ án cũng như hiện trường nơi xảy ra vụ án, mẫu thuẫn với lời khai nhân chứng Đoàn Thị Mai.
Theo lời khai của Đặng Ngọc Chính (một trong số những nạn nhân có mặt cùng chỗ với Điểu Tàu, Điểu Vinh) (Bút lục 873, 874) và lời khai của Đoàn Thị Mai (Bút lục 849) thì bị cáo Hiến bắn Điểu Vinh sau khi bị Đoàn Thị Mai đẩy đi.
Đồng thời, chính chị Mai cũng khẳng định là không xác định được người bị Hiến bắn có chết hay không. Như vậy, ngay cả người sát bên cạnh đang đẩy Hiến đi cũng không xác định được Hiến bắn vào bộ phận nào trên cơ thể nạn nhân, nạn nhân có chết hay không.
Ngoài ra, Bản thân bị cáo Hiến sau khi vào nhà cũng không xác định được mình có bắn chết ai không và tinh thần vẫn rất hoảng loạn, mơ hồ (theo lời khai của bị cáo Hà Văn Trường: “Hiến nói với chúng tôi là đã dùng súng bắn bọn bảo vệ công ty Long Sơn, không biết có ai chết không (Bút lục 245); Hiến cầm súng và đạn vứt bên gác nhà bên trái và nói từ nay tao không dùng súng nữa (Bút lục 249) và Hiến còn nói là định tự tử hoặc ra đầu thú (Bút lục 253, 254)).
Rõ ràng, khi thực hiện hành vi phạm tội (ở cả trường hợp dùng súng bắn vào Điểu Vinh, Điểu Tào) Hiến luôn ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của lực lượngCông ty Long Sơn và nhóm bảo vệCông ty Long Sơn gây nên.
Chính vì vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hiến ở đây không thể coi là vì nguyên nhân “vô cớ, nhỏ nhặt” như quy kết của Bản án sơ thẩm được, suy diễn này đã mâu thuẫn với các lời khai có trong hồ sơ vụ án. Cấp sơ thẩm chưa xem xét đối với diễn biến, bối cảnh trạng thái tinh thần của Hiến và Nghị quyết 04/1986/TANDTC đối với trạng thái tinh thần bị kích động mạng.
Thứ tư, Đặng Văn Hiến có nhân thân tốt, cụ thể: Đặng Văn Hiến không có tiền án tiền sự, trong quá trình sinh sống trước khi phạm tội cũng không có bất hòa xích mích với hàng xóm láng giềng.
Hiện nay, mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn thế nào được coi là “có tính chất côn đồ”, tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết án lâu nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang vận dụng một số hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, theo đó phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu là “hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự của người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt.
Chính vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội có tính chất côn đồ hay không cần phải xem xét một cách toàn diện, không chỉ hành vi cụ thể mà người phạm tội thực hiện mà còn phải xem xét hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tội phạm, nhân thân người phạm tội.
Ở toàn bộ sự việc xảy ra ngày 23/10/2016, rõ ràng bị cáo Hiến phạm tội là do đã bị kích động về tinh thần rất nghiêm trọng do những hành vi vi phạm pháp luật kéo dài của Công ty Long Sơn và hành vi vi phạm pháp luật của công nhân Công ty Long Sơn.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hiến không phải là nguyên nhân vô cớ, nhỏ nhặt, có tính chất côn đồ như Bản án sơ thẩm quy kết là không có căn cứ, không phù hợp với diễn biến thực tế khách quan của vụ án, cũng như thực tiễn xét xử các vụ án có tính chất côn đồ đã có hiệu lực pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh trả lời phỏng vấn báo chí về vụ án này.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng việc áp dụng Điểm n, Khoản 1, Điều 93 “Có tính chất côn đồ” cho bị cáo Hiến như trong Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST là không hợp lý, không có căn cứ pháp luật. Đề nghị HĐXX lưu tâm cân nhắc khi nghị án về tình tiết này, để HĐXX đánh giá khách quan toàn diện vụ án trên cơ sở lời bào chữa của luật sư chúng tôi.
Thứ Năm, việc áp dụng hình phạt tử hình không đảm bảo được nguyên tắc áp dụng hình phạt trong pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Theo Luật hình sự Việt Nam, hình phạt tử hình chỉ có thể áp dụng trong trường hợp xét thấy người phạm tội không còn khả năng cải tạo, giáo dục, hành vi phạm tội của người phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng và người phạm tội không còn khả năng cải tạo, giáo dục, cần phải loại bỏ họ ra khỏi đời sống xã hội nhằm triệt để ngăn chặn họ phạm tội mới.
Tuy nhiên, Đặng Văn Hiến là một người nông dân hiền lành, chăm chỉ, Hiến chưa từng có tiền án tiền sự gì, Hiến phạm tội một cách thụ động và vì thấy ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình nên đã tự nguyện ra đầu thú. Như vậy, việc áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp này, theo chúng tôi là chưa chính xác, quá nghiêm khắc, chưa đạt được mục đích (mục đích răn đe, mục đích giáo dục, cải tạo) của các hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam.
Từ những nội dung trên, chúng tôi thấy rằng, về bản chất, Đặng Văn Hiến là người dân lao động nghèo, phạm tội do bị dồn nén đến đường cùng và trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Và nguyên nhân sâu xa của sự kích động này là từ chính hành vi vi phạm pháp luật của người khác gây ra, đồng thời có một phần không nhỏ là nguyên nhân từ phía những cơ quan nhà nước ở địa phương, họ buông lỏng quản lý, để mặc cho những hành vi vi phạm pháp luật của công ty Long Sơn kéo dài và liên tục suốt 8 năm.
Những nguyên nhân này đã gây ra một vụ án nghiêm trọng, vụ án đó đã làm 3 người chết, 13 người bị thương, và nay, nếu Hiến bị tử hình, thì hậu quả của vụ án này lại có thêm 1 người chết.
Thực tế, các hình phạt HĐXX cấp sơ thẩm tuyên đối với 3 bị cáo: Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường đều có phần quá nghiêm khắc, gây phản ứng tiêu cực từ dư luận không đồng tình đối với bản án sơ thẩm tuyên ngày 02/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông là quá nghiêm khắc, chưa xem xét toàn diện vụ án, trách nhiệm của cơ quan tổ chức liên quan chưa được xem xét làm rõ, gây bức xúc dư luận.
Là luật sư bào chữa cho bị cáo Hiến trong vụ án này, chúng tôi không cổ xúy cho hành vi bạo lực của Hiến cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng hành vi bạo lực nhưng xét về nguyên nhân, điều kiện phạm tội của Hiến, thì tình tiết tăng nặng định khung “có tính chất côn đồ” là không đúng với các tình tiết khách quan của vụ án.
Kính thưa Hội đồng xét xử.
Về tình tiết giảm nhẹ!
Bị cáo Hiến đã tác động gia đình để gia đình tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả của tội phạm (thuộc tình tiết giảm nhẹ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 46)(vợ bị cáo Hiến bồi thường cho người nhà ba nạn nhân là Điểu Tào, Điểu Vinh, và Dương Văn Tiến tổng số 62 triệu đồng và người nhà các nạn nhân này đều có đơn xin giảm án đối với Hiến). Ngày hôm nay tại phiên tòa chúng tôi xin trình HĐXX, gia đình tiếp tục khắc phục và nộp cho HĐXX những biên nhận tiền, đơn xin xem xét giảm án cho các bị cáo Hiến, Bình, Trường của gia đình thân nhân người bị hại trước phiên tòa diễn ra.
Ngoài ra, bị cáo Hiến phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra(thuộc tình tiết giảm nhẹ theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 46 BLHS 1999); bị cáo Hiến phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (tình tiết giảm nhẹ theo Điểm p, Khoản 1 Điều 93) Bị cáo Hiến đã tự nguyện ra đầu thú do vậy, cần xem xét giảm nhẹ TNHS cho Hiến theo Khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 (Mục I – Điểm 7, Công văn số 81/2002/TANDTC); Bị cáo Hiến có nhân thân tốt, Gia đình tất cả các nạn nhân bị chết và nhiều nạn nhân bị thương đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt đối với Đặng Văn Hiến. Bị cáo Hiến là lao động chính của gia đình có vợ ốm đau và 2 con còn quá nhỏ, vợ bị cáo là người không biết chữ.
Với 3 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại Khoản 1 Điều 46, và được xem xét giảm nhẹ theo Khoản 2, Điều 46 BLHS 1999, kính mong HĐXX cân nhắc toàn diện nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Hiến, áp dụng Điều 47 BLHS 1999 để quyết định hình phạt cho bị cáo Hiến dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Khoản 1, Điều 93 BLHS 1999.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh
(Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)