Bản chất, đặc điểm của kiểm soát quyền lực nhà nước

05/05/2023 23:24 | 11 tháng trước

(LSVN) - Vấn đề cốt lõi có tính bản chất của xây dựng nhà nước vững mạnh, nhà nước quản trị tốt theo những nguyên tắc pháp quyền và chống lại một cách có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực nhà nước. Để kiểm soát được quyền lực nhà nước thì phải thấy rõ những đặc điểm, bản chất và đặc trưng cơ bản của nó. Bài viết đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung này.

Ảnh minh họa.

Nguồn gốc quyền lực nhà nước là từ nhân dân, chịu sự kiểm soát của nhân dân

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước đang phấn đấu thực hiện những nguyên tắc pháp quyền, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân. Chế định của Hiến pháp năm 1946 và 2013 đã nêu lên những vấn đề có tính nguyên lý pháp quyền của mọi nền dân chủ mà Việt Nam cần phải hướng tới trong suốt chiều dài phát triển lịch sử. Nguồn gốc quyền lực nhà nước là từ nhân dân. Bản thân nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước không tự nhiên phát sinh ra quyền lực, mà nhận quyền lực từ sự ủy quyền của nhân dân, thay mặt nhân dân thực thi quyền lực của nhân dân, chịu sự kiểm soát của nhân dân. Thậm chí nhân dân có quyền lực gốc cao hơn cả quyền kiểm soát quyền lực, đó là quyền không chấp nhận người đại diện cho quyền lực, không chấp nhận nhà nước hiện hành, để thay thế vào đó là nhà nước xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, nhân dân có quyền “đuổi chính phủ” nếu đó là chính phủ không thực hiện được sứ mệnh lịch sử mà nhân dân đã giao cho (Hồ Chí Minh). Như vậy thực hiện chủ quyền nhân dân là bản chất và nguồn gốc hàng đầu của kiểm soát quyền lực nhà nước.

Để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người thì phải kiểm soát quyền lực nhà nước.

Sự cần thiết phải có một nhà nước vững mạnh luôn song song với sự cần thiết phải kiểm soát hữu hiệu quyền lực nhà nước

Nhà nước là một thiết chế cần thiết cho cuộc sống của tất cả mọi người, cho toàn bộ xã hội và cho từng người dân. Không có một nhà nước quản trị tốt thì không thể có ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không thể có tự do. Tuy nhiên, xu hướng phát triển nội tại có tính quy luật của quyền lực nhà nước là dẫn tới độc quyền, chuyên chế, lạm dụng quyền lực, vi phạm quyền con người. Để có tự do và nhân quyền thì phải chống lạm quyền. Sự khác nhau căn bản của các nhà nước dân chủ theo nguyên tắc pháp quyền với tất cả các nhà nước trước đó chính là ở chỗ, trong các chế độ nô lệ, phong kiến, chế độ độc tài và chuyên chế, người dân phải phục vụ cho người cầm quyền, phục vụ chính phủ, còn nhà nước dân chủ thực hiện nguyên tắc pháp quyền thì ngược lại: Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước phục vụ nhân dân, nhà nước có sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực. “Lịch sử đã nhiều lần chứng minh, một chính phủ tốt không phải là một xa xỉ phẩm, mà là một cần thiết sống còn. Không có một nhà nước hữu hiệu thì sẽ không thể có một sự phát triển ổn định cả về kinh tế và xã hội”(1). Rõ ràng nhà nước là một thiết chế cần thiết, không thể không có, đó là điều không còn nhiều bàn cãi nữa trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề được tranh luận nhiều nhất vẫn là: thế nào là một chính quyền tốt và làm thế nào để có một chính quyền tốt? Có thể nói chủ quyền nhân dân, sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước là tư tưởng cốt lõi, là sự quan tâm hàng đầu của các nhà tư tưởng hiện đại. Sự cần thiết phải có một nhà nước vững mạnh luôn song song với sự cần thiết phải kiểm soát hữu hiệu quyền lực nhà nước, cả 2 vế đó đều có tầm quan trọng sống còn như nhau.

Pháp luật là công cụ để hạn chế quyền lực nhà nước, là công cụ của tự do

Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực, kể cả toàn bộ quyền lực nhà nước. Để bảo đảm sinh hoạt cộng đồng và bảo vệ các quyền và tự do vốn có, nhân dân ủy nhiệm một phần quyền để tạo thành nhà nước, đồng thời có quyền kiểm soát các quyền đã ủy nhiệm cho nhà nước. Trong nhà nước thực hiện nguyên tắc pháp quyền, công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, còn nhà nước chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép. Những điều mà pháp luật cấm là những điều được xã hội thỏa thuận và ghi thành hiến pháp (khế ước). Tuy nhiên hiến pháp và hệ thống pháp luật không thể là công cụ hạn chế quyền và tự do của con người và của công dân mà ngược lại, nó phải là công cụ của tự do. Hiện nay không ít nhà nghiên cứu vẫn cho rằng có sự hạn chế quyền con người, có “pháp luật hạn chế quyền con người, quyền công dân”, thậm chí có luận án viết đề tài về pháp luật hạn chế quyền con người. Lại có loại ý kiến khác từ các nhà nghiên cứu hoặc từ những người nắm giữ quyền lực có xu hướng ngụy biện, đổ lỗi cho dân, cho rằng dân cũng có xu hướng và những biểu hiện lạm quyền, lợi dụng quyền lực… Đó là cách hiểu không đúng về Luật Nhân quyền quốc tế và khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Luật Nhân quyền quốc tế khẳng định quyền là của con người, còn trách nhiệm là thuộc về nhà nước; quyền con người không thể bị hạn chế, chỉ có quyền lực nhà nước phải bị hạn chế. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cấp thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”, quy định này cần được hiểu trước hết là quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế, nếu có bị hạn chế thì không thể tùy tiện mà phải xác định rõ ràng trong luật và chỉ trong những trường hợp xác định.

Kiểm soát quyền lực nhà nước là để thực hiện các nguyên tắc pháp quyền cơ bản (rule of law)

Rule of law là một nguyên tắc ứng xử trong xã hội, một tinh thần pháp luật của xã hội công dân, một chế độ pháp luật công bằng và tự nhiên để bảo đảm quyền con người và chủ quyền nhân dân, một sự cam kết mạnh mẽ giữa xã hội công dân và nhà nước để quy định phạm vi giới hạn quyền lực nhà nước, một cách thức để kiểm soát quyền lực nhà nước. Cũng giống như human rights, rule of law không mang tính giai cấp và không nhằm tăng cường quyền lực nhà nước mà ngược lại, hạn chế quyền lực nhà nước, giới hạn quyền lực nhà nước để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người, thực hiện nguyên tắc: nhà nước và cán bộ viên chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không ngăn cấm. Pháp luật trong rule of law không phải là pháp luật do nhà nước đặt ra mà phải là pháp luật tự thân, phản ánh những yêu cầu và quy luật tự nhiên, khách quan, các văn bản luật là sự ghi chép lại, phản ánh lại những quy tắc xử sự đương nhiên của cuộc sống đòi hỏi phải có để điều chỉnh, F.Ănghen cũng đã từng khẳng định về bản chất của pháp luật phải là như vậy. Cốt lõi của rule of law là một xã hội công lý và nhân quyền, nhà nước chỉ là một phương tiện, công cụ để thực hiện công lý và bình đẳng, tự do, nhân quyền. Điểm nhấn mạnh của rule of law là pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, là pháp luật tự nhiên, là công cụ của tự do chứ không phải là công cụ thống trị, pháp luật giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước, từ đó pháp luật trở thành tối thượng. Một số nguyên tắc và nội dung cơ bản nhất của xã hội pháp quyền có thể kể đến như sau:

Một là: Ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là nguyên tắc trung tâm hàng đầu của chế độ pháp quyền trong quản trị quốc gia.

Hai là: Tính hợp hiến, hợp pháp và tính chính đáng của quyền lực nhà nước; giới hạn quyền lực nhà nước, hạn chế quyền lực nhà nước.

Ba là: Pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm công lý.

Bốn là: Phân công, phân quyền, kiềm chế, đối trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Năm là: Xác định quyền chính trị của người dân, bao gồm bầu cử dân chủ, tư pháp độc lập, dân sự kiểm soát quân sự, tự do báo chí, bảo vệ quyền của nhóm thiểu số và những người dễ bị tổn thương…

Sáu là: Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quyền lực.

Như vậy, về bản chất, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc của chế độ pháp quyền rule of law, rule of law hướng tới và bảo đảm sự kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ảnh minh họa.

Kiểm soát quyền lực nhà nước để bảo đảm chủ quyền nhân dân

Tất cả quyền lực là thuộc về nhân dân và nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực, vì vậy để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, để kiểm soát quyền lực, thì nhân dân phải thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình. Nhân dân phải thực sự tham gia vào quá trình quản lý đất nước, tham gia quản lý xã hội, tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý, điều hành quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng… của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân, do vậy mà có quyền nhân dân trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện; có quyền nhân dân giao hay ủy quyền cho một tổ chức hay một nhóm người, thậm chí cho một người thực hiện. Và khi đã giao, đã ủy quyền thì nhân dân phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát xem tổ chức, nhóm người, cá nhân được giao quyền, ủy quyền có thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao không hay lại lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Nhân dân giao quyền, ủy quyền cho các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công và có sự phối hợp để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó có bộ máy Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhân dân giao quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc có sự phân công và phối hợp để bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân kiểm soát việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước. Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến cá nhân người cán bộ khi được trao quyền lực, Người cho rằng: cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Sau khi có đường lối đúng thì khâu quyết định là lựa chọn đúng cán bộ. Người căn dặn: Cán bộ là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người cho rằng: “đức” là cái gốc của cán bộ. Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, Người đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng. Người nhắc nhở: Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân… Vì vậy, cần phải kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bảy tỏ cách sửa chữa sai lầm đó; cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Theo Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước, chính là kiểm soát “cán bộ”, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế quyền lực nhà nước chứ không phải là phối hợp quyền lực nhà nước

Ðại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm kiểm soát quyền lực chính thức được ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(2). Đến Ðại hội XIII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Văn kiện Ðại hội chỉ rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời coi việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, “tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(3) . Hiến pháp năm 2013 xác định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(4). Những quan điểm và quy định trên đây ngày càng thể hiện rõ hơn cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước, cơ chế phân công và phối hợp quyền lực ngày càng được quan tâm hoàn thiện nhiều hơn, tuy nhiên cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự hình thành và chưa có thiết chế phù hợp, trong khi nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi trước hết và trên hết phải là kiểm soát quyền lực và hạn chế quyền lực chứ không phải là phối hợp quyền lực. Gần đây Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ hơn yêu cầu kiểm soát quyền lực: đã phát sinh quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực, “…không có vùng tối, vùng trống, vùng cấm… Tăng cường kiểm soát việc sử dụng quyền lực… Đẩy mạnh công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để nhân dân giám sát, bảo đảm việc sử dụng đúng đắn quyền lực… tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Do đó tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực, không được cậy có quyền, uốn thẳng thành cong, bất cứ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân”(5). “Cùng với “nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế, công khai minh bạch, giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa”(6).

Kiểm soát quyền lực nhà nước được mở rộng là kiểm soát quyền lực chính trị và kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị

Ở Việt Nam, Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị là các chủ thể quyền lực, nằm trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Huy động, phát huy vai trò của cả “hệ thống chính trị”, “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, “trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”... là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong chỉ đạo và điều hành, trong thực tế thực thi quyền lực nhà nước. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”(7). Cơ chế này phản ánh và giải quyết các mối quan hệ cốt lõi của xã hội Việt Nam. Đây là một cơ chế, giải quyết ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay, đó là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là vấn đề của mọi vấn đề. Để cho cơ chế này hoạt động tốt, có hiệu quả, thì vừa phải tạo ra động lực cho từng nhân tố và phối hợp hoạt động nhịp nhàng giữa ba nhân tố, vừa phải kiểm soát quyền lực trong từng nhân tố nói riêng và kiểm soát lẫn nhau trong tổng thể nói chung, trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Để kiểm soát quyền lực nhà nước và quyền lực của hệ thống chính trị thì trước hết phải kiểm soát được quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền” (Hồ Chí Minh), vì “Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Đảng thực thi quyền lực chính trị bằng cách tác động vào Nhà nước, thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có vai trò lãnh đạo, vừa “là một đảng cầm quyền”. Kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được chế định bởi Hiến pháp và bằng các phương thức khác nhau. Giới hạn quyền lực của Đảng, được chế định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 4), Đảng là một chủ thể lãnh đạo. Giới hạn quyền lực của Đảng trước hết được xác định Đảng là “lực lượng lãnh đạo” chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, có nghĩa Đảng không phải là Nhà nước, không ra các văn bản quy phạm pháp luật, không làm thay Nhà nước. Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, dù trong thực tế có tác động lớn đến đâu, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chúng tác động đến xã hội thông qua thể chế hóa, hoạt động tuyên truyền, vận động, thực hiện nguyên tắc tổ chức của Đảng, thông qua tính đúng đắn và sức hấp dẫn của cương lĩnh, đường lối, chủ trương. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nội dung này đặt Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đảng là lực lượng lãnh đạo nhưng phải “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 còn quy định rõ “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo các tiêu chí cụ thể được ghi trong Cương lĩnh và trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013, trong Điều lệ của Đảng, quy định về những điều Đảng viên không được làm. Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của Đảng và Đảng viên; nhiệm vụ của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn được thực hiện với các hình thức giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể xã hội; việc đánh giá hiệu quả lãnh đạo theo vai trò lãnh đạo được chế định bởi Hiến pháp. Đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Đảng được dựa trên ba tiêu chí cơ bản: mức độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; những giá trị tiến bộ mà Đảng mang đến cho nhân dân, cho đất nước, cho dân tộc. Trong thực tế hiện nay, Đảng đang thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” bằng các hình thức sinh hoạt đảng, như tự phê bình và phê bình, kỷ luật đảng, hoạt động kiểm tra - giám sát của các tổ chức trong nội bộ Đảng và quản lý Đảng viên từ chi bộ đến Trung ương theo Điều lệ Đảng. Tuy nhiên cần thấy rõ rằng, chủ thể quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng là nhân dân. “Chế tài” quan trọng nhất đối với kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng là lòng tin của nhân dân, là uy tín của Đảng. Mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ dẫn đến nguy cơ mất vai trò và sẽ mất quyền lãnh đạo của Đảng, dù quyền đó có thể đã được Hiến định và thể chế trong hệ thống pháp luật.

Kiểm soát quyền lực nhà nước là trách nhiệm không chỉ của Ðảng và các ban của Đảng (Ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức…) như hiện nay, mà là của toàn dân. Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước vừa là quyền của dân, vừa là trách nhiệm của dân, có tính chất thực hiện sứ mệnh to lớn và cao cả. Nhân dân là lực lượng quan trọng và quyết định thực hiện kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực của Nhà nước và hệ thống chính trị, thực hiện kiểm tra, giám sát để hệ thống quyền lực ấy thật sự thuộc về nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Ðảng và Nhà nước ta ra đời từ nhân dân và luôn gắn bó với lợi ích của nhân dân, hoạt động vì lợi ích của đông đảo nhân dân lao động, ngoài lợi ích của nhân dân và đất nước, Đảng và Nhà nước ta không thể còn có lợi ích nào khác. Vì vậy, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lực của nhân dân cũng là bảo vệ quyền lực của Ðảng và Nhà nước; tôn trọng và bảo vệ quyền kiểm soát, lợi ích của nhân dân cũng là bảo vệ lợi ích của Ðảng và Nhà nước. Tuy vậy nhân dân kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị không phải là công việc dễ dàng, đơn giản vì nó liên quan trực tiếp đến những người trực tiếp nắm quyền, những người “có chức, có quyền” trong xã hội, trong hệ thống chính trị và cả bộ máy, thể chế và thiết chế xã hội. Kiểm soát quyền lực cần được xem là công việc hệ trọng, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện bằng được, là một vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách ở Việt Nam hiện nay. Ðó cũng là điều kiện tiên quyết và căn bản để đưa đất nước ngày càng phát triển theo hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, tự do và hạnh phúc.

(1) Ngân hàng thế giới, Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi (Lời mở đầu), Nxb Chính trị quốc gia, 1997.

(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.I.

(4) Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

(5) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xấy dụng đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr.32.

(6) Nguyễn Phú Trọng, sđd, tr.49.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986).

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định mới

Từ khoá : lsvn.vn LSVN kiểm soát