BÀI TRỰC

03/12/2021 04:31 |3 năm trước

(LSVN) -

Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

(LSVN) – Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.

Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

Người nộp thuế bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Luật Quản lý thuế thì hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường như sau:

- Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

- Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường quy định tại điểm c khoản này;

- Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);

- Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

HÀ ANH

Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Ly hôn thuận tình theo pháp luật triều Nguyễn

(LSVN) – Ly hôn thuận tình là sự ly hôn do sự thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng và không cần có án văn. Trong Luật Hồng Đức không có điều khoản nào nói về sự thỏa thuận ly hôn. Nhưng trong Hồng Đức thiện chính thư có một điều luật được ban hành vào năm 1494 đã chấp nhận cho sự ly hôn thuận tình (Đoạn 167).

Ở Luật Gia Long, tại Điều 108 đã quy định rõ: “Nếu vợ chồng không ăn ở hòa hợp được với nhau và cả hai cùng muốn ly dị thì không phải tội vì tình đã đến mức chia lìa thì khó mà níu kéo hòa hợp được”. Chú thích về điều luật này, nhà làm luật ở thời Gia Long đã nói rõ thêm như sau: “Nếu vợ chồng không thể sống hòa hợp được với nhau và cả hai đều mong muốn được ly dị thì có thể xem như là tình đã không hợp được, mà nghĩa cũng đã lìa tan, cho nên không thể hòa hợp được nữa. Tuy là cái điều không ai mong muốn xảy ra, nhưng vì là tình trạng đã tuyệt nghĩa nên cũng đồng ý với sự ly dị mà không bắt tội”.

Ảnh minh họa.

Song, vấn đề đặt ra là, dù hai vợ chồng có thuận tình muốn chấm dứt các nghĩa vụ phu phụ và không ăn ở với nhau làm vợ chồng được nữa, họ cũng không cần phải hội đủ về các điều kiện pháp lý nào cả, thì ngoài sự đồng ý về việc ly dị, trong trường hợp ấy họ cần phải có một thể thức nào để làm bằng chứng cho tương lai hay không hay chỉ là một sự chia tay một cách đơn giản?

Nếu giá thú đã đòi hỏi những nghi thức trọng thể, với sự tham dự của các thân thuộc bằng hữu, thì sự ly hôn mặc dù dưới hình thức ưng thuận cũng khó có thể chỉ là một sự chia tay âm thầm, không có một chút thể thức nào để làm bằng chứng về sự ưng thuận ly dị và đảm bảo đối với quyền lợi cho mỗi bên đương sự trong tương lai.

Sự chia tay đơn giản chỉ có thể quan niệm được đối với những cặp vợ chồng “cầu hợp”, nghĩa là đối với những người đã chung sống như vợ chồng nhưng không cử hành về nghi lễ giá thú theo luật lệ. Trái lại, một khi đã có cưới xin đàng hoàng, thì nếu hai vợ chồng hoặc vì tính tình xung khắc, hoặc vì một duyên cớ bất hòa nào khác, đã không muốn ăn ở với nhau được nữa và họ cùng đồng tình trả lại tự do cho nhau, thì họ thường làm với nhau một tờ giấy cam kết. Tờ giấy này thường được hai bên đương sự làm tự với nhau, mà không cần có người chứng kiến. Nói đúng hơn, giấy cam kết ấy, trong phần đông các trường hợp, là do người chồng làm và giao cho người vợ, trong đó chứng nhận rằng người này có thể được tự do tái giá.

Đôi khi ngược lại, để tránh các khó khăn trong công việc lập gia đình với một người đàn bà khác, nên người chồng đã yêu cầu người vợ cấp cho một tấm giấy chứng nhận là trả lại tự do cho mình để được tái thú, nhất là đối với một người vợ khó tính, hay kiếm chuyện gây gổ. Song, cũng có khi giấy thuận tình ly hôn đều do cả hai vợ chồng cùng ký kết (thường là người chồng ký và người vợ điểm chỉ), chúng được làm thành hai bản, và trên chỗ mép của hai bản giấy này đã được ghép lại với nhau để ghi chữ “giáp lai”, rồi giao cho mỗi người giữ một bản để làm bằng.

Điểm qua các duyên cớ ly hôn trên đây, cho thấy quyền lợi của người đàn bà trong ly hôn chưa được cổ luật đảm bảo một cách đầy đủ. Người chồng có thể rẫy vợ trong những trường hợp thất xuất, ngoài sự can thiệp và kiểm soát của tòa án. Nếu bị oan ức, thì người vợ phải đi kiện mới có thể làm sáng tỏ được vấn đề, nhưng cũng không phải dễ dàng.

Cả trường hợp ly hôn thuận tình cũng không phải hoàn toàn đảm bảo được quyền lợi của người đàn bà. Hơn nữa, trong những trường hợp nghĩa tuyệt, cổ luật còn bắt người chồng phải bỏ không thì sẽ bị hình phạt. Chỉ có một số ít trường hợp được luật pháp công nhận cho cả hai người phối ngẫu có quyền được xin ly hôn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cho thấy các nhà làm luật dưới triều Nguyễn cũng đã khá chu đáo trong việc bảo vệ về quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và ổn cố của đời sống gia đình. Hơn nữa, trong thực tế, vì mục đích cao cả của giá thú trong xã hội Việt Nam ngày trước, cùng với sự mở rộng cửa của chế độ đa thê, vấn đề danh dự giữa hai dòng họ thông gia, sự giáo dục cẩn thận của gia đình (tức là gia giáo), sự củng cố của nền nếp gia phong, ý thức về tình nghĩa và bổn phận đã ràng buộc chặt chẽ đối với con người trong xã hội cũ, nên những hiện tượng ly hôn trong xã hội ngày xưa thường rất ít diễn ra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn. Theo đó, trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

CẨM NGỌC

Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn

Vi phạm quy định về đấu thầu: Nguyên nhân và giải pháp

(LSVN) – Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra nhiều quyết định khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng có hành vi dàn xếp dự thầu, thoả thuận với nhau về giá bỏ thầu, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy, pháp luật hình sự quy định như thế nào về tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"? Cần có những giải pháp gì để đấu tranh phòng và chống tội phạm này? Bạn đọc P.Q. hỏi.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với: Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập,...

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo Điều 38 Luật Đấu thầu được thực hiện như sau: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Hành vi dàn xếp dự thầu, thoả thuận với nhau về giá bỏ thầu là vi phạm tính công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu thầu, là hành vi thông thầu gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, vi phạm về chế độ quản lý tài sản nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân với các cấp chính quyền.

Bởi vậy, hành vi vi phạm này sẽ bị  xử lý hình sự theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015. cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 222 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 12 năm tù.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm quy định về đấu đến mức phải xử lý hình sự như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn có những sơ hở thiếu sót trong việc mời thầu, nhận hồ sơ thầu, chấm thầu, kiểm soát trong quá trình tổ chức đấu thầu; quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu chưa được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương; một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để trục lợi; việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý với các vi phạm  với nhóm tội phạm về chức vụ chưa kịp thời, còn có những khó khăn, bị cản trở vì các mối quan hệ, vị trí công tác của người vi phạm; các đối tượng vi phạm có chức vụ, có hiểu biết và nhiều mối quan hệ nên luôn tìm cách che giấu hành vi và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Để đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm thì phải tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phạm tội thì mới kiểm soát được tình hình.

Đối với các tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ nói chung và tội phạm vi phạm về đấu thầu nói riêng thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây để đấu tranh phòng và chống tội phạm:

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là chính sách công và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, về quản lý tài sản công, quản lý về dầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản công theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiệu quả và có tính khả thi, có phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm cụ thể và tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát để pháy hiện và xử lý sai phạm;

- Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức;

- Tăng cường cơ chế giám sát, tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công;

- Cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, lựa chọn, bồi dưỡng người đủ phẩm chất, có trình độ, có đạo đức và có bản lĩnh để giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý tài sản nhà nước;

- Cần tiếp tục cải cách tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

- Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

HỒNG HẠNH

An Giang: Kẻ sát hại bé gái 7 tháng tuổi đối diện với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm, Phó Trưởng Công an huyện và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình sẽ bị xử lý ra sao?

(LSVN - Luật sư cho biết trong vụ việc này, các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự thì sẽ đối diện với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm. 

Tiến "trắng" và đồng phạm tại phiên tòa vụ "Cố ý gây thương tích" mà Công an huyện Vũ Thư từng không khởi tố vụ án. 

Khởi tố, bắt giam Phó trưởng Công an huyện, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư

Ngày 02/12, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, bắt Phó trưởng Công an huyện Vũ Thư Vũ Đức Tuấn; Phạm Thị Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư và Kiểm sát viên Nguyễn Hoàng Hà (Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư).

Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự.

Nguyên nhân khiến 3 lãnh đạo, cán bộ kể trên bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong vụ án Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường “Nhuệ”, SN 1995, Nguyên Xá, Vũ Thư) và một số đàn em khác đánh anh Trần Ngọc Hoàng (lái xe ô tô khách 9 chỗ ngồi tuyến Vũ Thư, Thái Bình - Hà Nội) đứt cơ, gân 2 tay và 2 chân tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư vào ngày 22/5/2018.

Sau khi sự việc xảy ra, Đường "Nhuệ" đã đến nhà anh Hoàng đưa ra mức bồi thường 130 triệu đồng và yêu cầu anh không đi giám định sức khỏe, để không xử lý hình sự vụ việc. Do lo sợ, anh Hoàng đã có đơn đề nghị không đi giám định vết thương.

Đến ngày 22/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự kể trên và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư sau đó phê chuẩn quyết định không khởi tố này.

Kết quả điều tra thể hiện, quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm "Cố ý gây thương tích", xảy ra ngày 22/5/2018 tại xã Vũ Tiến (Vũ Thư), Điều tra viên, cán bộ Điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã không thực hiện giám định thương tích, không dẫn giải người bị hại đi giám định, thiết lập tài liệu khống, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.

Về phía Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư biết rõ Cơ quan điều tra không thực hiện trưng cầu giám định thương tích đối với bị hại, tuy nhiên không thực hiện quyền hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục xác minh; đã thống nhất với Cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư, bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

3 cán bộ huyện Vũ Thư đối diện khung hình phạt nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của người tiến hành tố tụng. Đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, giảm sút uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí có thể tiếp tay cho tội phạm. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp như thế này là cần thiết trong công cuộc cải cách tư pháp, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong giai đoạn hiện nay.

Theo quy định của pháp luật, trước khi khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh tin báo. Quá trình xác minh tin báo phải đảm bảo tính khách quan, cán bộ được phân công giải quyết tin báo tố giác tội phạm có trách nhiệm phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm, làm rõ bản chất sự việc, căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng không được phép làm oan sai người vô tội nhưng cũng không được phép bỏ lọt tội phạm.

Pháp luật quy định Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát là các cơ quan bảo vệ pháp luật, có nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không khởi tố vụ án hình sự thì đó là hành vi bỏ lọt tội phạm, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động tư pháp nên người có chức vụ trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" theo Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong trường hợp này, các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự thì sẽ đối diện với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm. 

Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng sau đó đối tượng này tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Điều 369. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

b) Đối với 02 người đến 05 người;

c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

d) Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Đối với 06 người trở lên;

b) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Làm người bị hại tự sát.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, đối với cán bộ điều tra (Điều tra viên), Kiểm sát viên, Thẩm phán được giao nhiệm vụ xác minh tin báo hoặc điều tra vụ án hình sự mà cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án như tiêu hủy chứng cứ, bỏ ra ngoài hồ sơ những chứng cứ buộc tội, bớt các chứng cứ gỡ tội, bổ sung vào các hồ sơ các tài liệu chứng cứ giả mạo, sửa chữa lời khai..., làm thay đổi bản chất của vụ án, vụ việc thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" theo Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, trong trường hợp này khi Cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc dẫn đến bỏ lọt tội phạm thì các Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đây là mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với người tiến hành tố tụng trong việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của pháp luật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiếp tay dung túng cho tội phạm.

Luật sư Cường đánh giá việc khởi tố, bắt Phó trưởng Công an huyện Vũ Thư và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư cho thấy quyết tâm đấu tranh phòng chống tội phạm, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Kết quả của những vụ án như thế này sẽ làm trong sạch bộ máy công quyền, giữ vững niềm tin của người dân đối với hệ thống chính quyền, làm trong sạch hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đối với đảng viên, công chức mà vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự như vậy thì cơ quan tổ chức cũng sẽ tiến hành xử lý kỷ luật đối với những người này ở hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi đảng và tước danh hiệu Công an nhân dân, cho ra khỏi ngành đối với Kiểm sát viên.

Việc xử lý kỷ luật công chức, xử lý kỷ luật đảng viên sẽ không thay thế chế tài của pháp luật. Quy trình xử lý kỷ luật công chức và xử lý kỷ luật đảng viên có thể được tiến hành trước, tiến hành song song hoặc sau khi thực hiện các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án. 

HỒNG HẠNH

Vì sao Phó Trưởng Công an huyện và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình bị bắt?

 

Cách ly người nghi nhiễm Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cứu thương: Liệu có trái quy định pháp luật?

(LSVN) -

Bệnh nhân bị cách ly cả đêm trên xe cấp cứu vì nghi mắc Covid-19.

Liên quan đến vụ việc vừa qua Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đã ký văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin phản ánh về sự việc cách ly người bệnh Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cứu thương tại Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn.

Cụ thể, khi người dân đến xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, bị nghi nhiễm và chờ kết quả xét nghiệm PCR, Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn yêu cầu người bệnh ở lại chờ kết quả nhưng không bố trí phòng cách ly theo quy định mà lại được cho lên xe cấp cứu để tạm cách ly suốt 16 tiếng.

Sau khi xem xét nội dung, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xem xét, xác minh những thông tin mà người dân phản ánh. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế TP. Hà Nội kiểm tra quy trình sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Cục yêu cầu xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Sở Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống Covid-19. 

Vậy, hiện nay việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 được quy định như thế nào?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:

“1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly;

2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.”.

Đồng thời, tại  Điều 11 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cần phải đảm bảo các điều kiện như:

“a) Được thiết lập ở vị trí ít người qua lại. Trường hợp dùng để cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc một số bệnh thuộc nhóm B phải có phòng đệm trước khi vào phòng cách ly;

b) Cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài. Trường hợp không có phòng cách ly áp lực âm phải đặt phòng cách ly ở cuối chiều gió và mở hai cửa sổ để bảo đảm thông khí;

c) Có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải.”

Theo các quy định nêu trên thì Bệnh viên Đa khoa Bảo Sơn cách ly y tế với người nghi nhiễm Covid trên xe cấp cứu là không đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Mặt khác, việc cách ly người ghi nhiễm covid trên xe cứu thương tại nơi có người dân qua lại và trong một thời gian dài, suốt khoảng 16 tiếng là vừa không đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và gây ra sự bức xúc rất lớn cho người bị cách ly trái quy định.  

Tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Hành vi “cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.”sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối tổ chức vi phạm thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nếu hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế mà làm lây lan dịch bệnh thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc, để xem xét và xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn 2 và các cơ sở y tế khác cũng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm từ vụ việc này, để tránh lập lại các sai sót tương tự, đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

DUY ANH

Không để xảy ra tình trạng F0 không liên hệ được với cơ sở y tế

Một số quan điểm về hoạt động đối chất, thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự

(LSVN) - Theo quan điểm của tác giả thì việc chứng minh, làm sáng tỏ bản chất vụ án phải được giải quyết, thu thập theo đúng trình tự thủ tục theo từng giai đoạn của vụ án và được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện theo đúng trình tự quy định. Còn nếu phát sinh mâu thuẫn tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo nộp bằng chứng chứng minh hoặc mời người làm chứng đến phiên tòa để đối chất.

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Lê Đình Nghĩa thảo luận về “Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự” đăng ngày 22/11/2021 trên Tạp chí Luật sư, tác giả xin được trao đổi thêm một số quan điểm sau.

Ảnh minh họa.

Trong phần một số vướng mắc về đối chất tác giả có quan điểm như sau:

Thứ nhất, trong quá trình điều khiển việc xét hỏi, sau khi Thẩm phán đã hỏi xong, thì Thẩm phán phải thường xuyên theo dõi việc xét hỏi tiếp tục của những người tiến hành tố tụng khác, nếu thấy câu hỏi có tính chất mớm cung, ép cung hoặc những câu hỏi có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật điều tra, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người thì có quyền yêu cầu người hỏi đặt lại câu hỏi hoặc yêu cầu người trả lời không trả lời câu hỏi đó. Nếu lời khai giữa các bị cáo tại phiên tòa có mâu thuẫn khác với lời khai trong quá trình điều tra vụ án thì họ phải đưa ra được những bằng chứng, nhân chứng để chứng minh lời khai đó là đúng. 

Theo quan điểm của tác giả thì việc chứng minh, làm sáng tỏ bản chất vụ án phải được giải quyết, thu thập theo đúng trình tự thủ tục theo từng giai đoạn của vụ án và được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện theo đúng trình tự quy định. Còn nếu phát sinh mâu thuẫn tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo nộp bằng chứng chứng minh hoặc mời người làm chứng đến phiên tòa để đối chất. Tuy nhiên nếu không có căn cứ mà vẫn cho các thành phần tham gia đối chất thì sẽ làm ảnh hưởng đến phiên tòa, gây tốn kém và làm mất thời gian. Nếu lời khai của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng có căn cứ thì phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứ không thể tùy vào diễn biến tại phiên tòa và hoạt động đối chất để kết luận bị cáo có tội hay không có tội. 

Vì vậy theo tác giả một điều luật riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đối chất tại phiên tòa của Thẩm phán là không cần thiết.

Thứ hai, về đối chất khi vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm. Về câu hỏi đặt ra của tác giả Lê Đình Nghĩa khi vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, Điều tra viên có được tiến hành đối chất hay không? 

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Lê Đình Nghĩa về vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo nhưng xét thấy có những mâu thuẫn mang tính chất quyết định để xem xét có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không, cần thiết Cơ quan điều tra, Điều tra viên cho tiến hành đối chất để xác định có hay không có hành vi phạm tội, tội phạm và kết quả đối chất là cơ sở, nguồn chứng cứ để xem xét giải quyết vụ án. 

Ngày 26/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số  28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tin báo) của lực lượng Công an nhân dân (Thông tư 28). Thông tư 28 được ban hành dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của liên ngành Trung ương về giải quyết tin báo. Theo Thông tư 28: “…4.Việc giải quyết tin báo:… Quá trình giải quyết tin báo, Cơ quan điều tra được phép triệu tập và lấy lời khai những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh; áp dụng các biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra”. 

Vậy Điều tra viên được áp dụng biện pháp đối chất trong hoạt động giải quyết tin báo, tuy nhiên vướng mắc ở đây là Thông tư của Bộ Công an và chỉ được thực hiện bởi lực lượng Công an nhân dân, chưa có quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 01/2017. Còn đối với Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thì không có quy định cụ thể nào về hoạt động đối chất trong giai đoạn giải quyết tin báo, vì vậy cần có kiến nghị khắc phục bổ sung điều luật nhằm thống nhất giữa các ngành. 

Trong phần một số vướng mắc về hoạt động thực nghiệm điều tra tác giả có quan điểm như sau:

Với câu hỏi “Trường hợp Kiểm sát viên tiến hành thực nghiệm điều tra thì Kiểm sát viên có phải thông báo cho Cơ quan điều tra, Điều tra viên hay không?”, theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, Kiểm sát viên được quyền tự mình thực hiện thực nghiệm điều tra, nếu thuộc một trong các trường hợp tại khoản 7 Điều 165 BLTTHS 2015:

“1. Trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. 

2. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc. 

3. Trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố”.

Vậy nếu thuộc các trường hợp trên thì Kiểm sát viên được quyền tự mình thực hiện thực nghiệm điều tra.

Với câu hỏi “Trường hợp nào Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành thực nghiệm điều tra?”, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Quá trình thu thập các thông tin, tài liệu về hành vi phạm tội và vụ án từ các nguồn tin khác nhau và bằng các biện pháp khác nhau, cho nên mức độ đầy đủ và tính xác thực cũng khác nhau. Việc kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án có nhiều biện pháp điều tra khác nhau, trong đó thực nghiệm điều tra là một hoạt động có hiệu quả cao. Tuy nhiên, không phải vụ án nào cũng tiến hành thực nghiệm điều tra mà chỉ những trường hợp cần thiết. Cơ sở pháp lý được quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả trong bài viết, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc.

NGUYỄN GIA HOÀNG

Viện Kiểm sát quân sự khu vực 12 Quân khu 1

Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự

Admin