(LSVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, khi xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn cũng cần tính tới nhiều yếu tố.
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực mới đây.
Cần một giai đoạn “quá độ”
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng, bởi nó gắn với ý tưởng về phát triển bền vững, an toàn và bảo đảm sức khỏe cho con người.
Đặc biệt là các nhà sản xuất kinh doanh “chơi” trên thị trường quốc tế, các mặt hàng xuất khẩu không những phải tương thích với các cam kết quốc tế của WTO hay của FTA về vấn đề tiêu chuẩn mà còn phải phù hợp với đòi hỏi của thị trường xuất khẩu, nên có thể nói đây là vấn đề “sống còn”.
Để tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp phải đáp ứng được các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đối với nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu, không sát với thực tế, ông Võ Trí Thành đề cập đến câu chuyện “quá độ”. Các nước đi sau như Việt Nam, trình độ, năng lực, công nghệ chưa thể đáp ứng được ngay, do đó chúng ta cần một giai đoạn “quá độ”, nghĩa là các doanh nghiệp cần thời gian để nâng cao năng lực, nhà nước cũng cần có những hỗ trợ cần thiết trong vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong giai đoạn “quá độ” này là phải có những ưu tiên, ví dụ những tiêu chuẩn gây hại cho sức khỏe con người thì cần loại bỏ ngay, còn những tiêu chuẩn liên quan đến việc tham gia mạng, chuỗi, đòi hỏi những công nghệ mới… chúng ta cần thời gian để chuyển đổi.
Ngoài ra còn vấn đề lạm dụng các tiêu chuẩn. Giữa các nước, các biện pháp phi thuế quan đôi khi có việc lạm dụng, để bảo hộ, cạnh tranh thiếu lành mạnh, hay mập mờ để thủ tiêu đối thủ, điều này đòi hỏi sự minh bạch cũng như xử phạt nghiêm minh. Đây là những bài học mà vừa qua chúng ta đã thấy, phải có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tiêu chuẩn chung nên cần tổng thể, toàn diện và bền vững
Dưới góc độ các doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cho dù ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì khi nói về tiêu chuẩn hóa trong hoạt động kinh tế, người ta luôn phải lưu ý đến mặt trái của nó.
Trong thị trường nội địa, nếu tiêu chuẩn sản phẩm của một nhà sản xuất nào đó, vì bất cứ lý do gì, được chọn là tiêu chuẩn của ngành, hay thậm chí là tiêu chuẩn của quốc gia, thì nó dễ dàng trở thành rào cản ngăn chặn các nhà sản xuất khác tham gia thị trường.
Ở mức độ nhỏ hơn, nếu một nhà sản xuất nào đó đưa được các yêu cầu hay điều khoản có lợi cho mình vào trong các tiêu chuẩn thì họ cũng có thể chặn được bước đi của các đối thủ cạnh tranh.
Ở bình diện quốc tế, câu chuyện hoàn toàn tương tự, và các tiêu chuẩn luôn là nội dung lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Các tiêu chuẩn về sản phẩm, về nguyên vật liệu vẫn thường được các quốc gia sử dụng như rào cản để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm nhập khẩu, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, mà các yêu cầu cụ thể của tiêu chuẩn luôn khoác bên ngoài một lớp áo “hiền lành” và chính đáng như: Bảo vệ người tiêu dùng, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, phù hợp với văn hóa và phong tục…
Theo TS. Tô Hoài Nam, xây dựng các tiêu chuẩn cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện, không thể cục bộ, nhìn vào một vài cá thể để xây dựng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn được.
Đặc biệt xây dựng tiêu chuẩn đối với những sản phẩm, mặt hàng có khả năng xuất khẩu hoặc là thế mạnh của Việt Nam thì chúng ta phải nhìn ra cả khu vực, thị trường quốc tế chứ không riêng trong nước.
Ông Tô Hoài Nam cho rằng khi các quy định về tiêu chuẩn được ban hành thì các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng kế hoạch để sản xuất, đầu tư về khoa học công nghệ, tính toán chất lượng, mẫu mã … để hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Do đó văn bản quy định các tiêu chuẩn phải mang tính bền vững, ít thay đổi và không được có sự nhầm lẫn.
“Khác với các quy định về thủ tục hành chính thay đổi nhanh, các quy định tiêu chuẩn phải làm thật vững”, TS. Tô Hoài Nam cho hay.
Chính vì vậy mà tất cả các quốc gia đều rất thận trọng khi đưa ra các bộ tiêu chuẩn, nếu không khảo sát kỹ, không thảo luận, bàn bạc và lấy ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, chuyên gia hiểu biết sâu về lĩnh vực đó thì rất khó ra được một chính sách tốt, không hiệu quả, thậm chí còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn nếu được xây dựng tốt sẽ kích thích sản xuất, khích lệ tiêu dùng còn nếu nó là sản phẩm kém chất lượng, làm ẩu hay gian dối sẽ là một thảm hoạ cho rất nhiều bên.
HOÀNG GIANG/VGP