Bàn về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

13/10/2018 17:43 | 5 năm trước

LSVNO - Ở Việt Nam, hoạt động săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đang diễn ra rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng,...

LSVNO - Ở Việt Nam, hoạt động săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đang diễn ra rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống với loại tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm” gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các văn bản pháp luật thì nhiều, nhất là các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng việc thực thi còn bất cập.

Nếu Bộ luật Hình sự 1985 chỉ quy định hành vi vi phạm chung với hành vi bảo vệ rừng thì Bộ luật Hình sự 1999 đã có riêng 01 điều luật quy định tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” và đến nay, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có 02 điều luật quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 234 và Điều 244), đồng thời quy định cụ thể hơn các hành vi vi phạm trong nhiều điều khoản, cùng với khung hình phạt nặng hơn. Nếu Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 quy định mức hình phạt tối đa đối với người phạm tội cũng chỉ đến 07 năm tù, thì nay với hai điều luật mà người phạm tội phạm cả hai tội, thì mức hình phạt tối đa có thể đến 27 năm tù (12 năm với 15 năm). Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Từ khi tham gia vào CITES (ngày 20/01/1994), Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản để xử lý hành vi xâm phạm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như: Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP); Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP); Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES; Thông tư 25/2016/TT-BTNMT ngày 22/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn mẫu đơn đăng ký, giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và mẫu báo cáo tình trạng bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;… Có thể nói, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là rất phong phú, trong đó đặc biệt có Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các văn bản pháp luật này đã góp phần phòng, chống hành vi xâm phạm đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Sau khi Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua (tuy chưa được sửa đổi, bổ sung năm 2017), ngày 24/02/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT quy định Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES. Đây là văn bản quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý hành chính và các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo khi xác định hành vi phạm tội theo Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, về pháp luật, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Có thể nói, hiếm có quốc gia nào có nhiều văn bản pháp luật về việc bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như chúng ta. Nếu thống kê thành “hệ thống” các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì cũng tới hơn 20 văn bản khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hành vi vi phạm xảy ra, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế; số trường hợp vi phạm chỉ được xử phạt hành chính chiếm tỷ lệ khá lớn; các vụ được xét xử hình sự về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm” không nhiều. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2015-2017 đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, chỉ có 8 bị cáo áp dụng phạt tù từ 3-7 năm, 96 trường hợp tù từ 3 năm trở xuống; các vụ việc còn lại, đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo.

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao thì các mức hình phạt đối với người phạm tội chưa đủ sức răn đe, chưa góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm[1].

Ảnh minh họa.

Một số vấn đề về xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015

Nếu Bộ luật Hình sự 1999 chỉ có 01 điều quy định về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (Điều 190), thì Bộ luật Hình sự 2015 có 02 điều luật quy định 02 tội danh khác nhau (Điều 234 và Điều 244) về việc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm.

So với Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thì Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn; đã lượng hóa cụ thể các trường hợp phạm tội, tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử như: quy định trị giá và số lượng động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự[2].

Các quy định tại Điều 234 và Điều 244 đã phân biệt trường hợp nào bị xử phạt hành chính, còn trường hợp nào phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, cũng như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp theo danh mục nhóm IB và nhóm IIB chỉ liệt kê các loài động vật, chưa nêu khái niệm thế nào là “hoang dã”, thế nào là “nguy cấp, quý, hiếm” nên thực tiễn xử lý rất khó khăn, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhất là của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đối với các dấu hiệu định tội

Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự đều quy định cụ thể đối với hành vi xâm phạm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là căn cứ vào nhóm IB, IIB hoặc Phụ lục I và II của CITES. Đây là quy định “dẫn chiếu” và là quy định “cứng”. Do đó, nếu muốn bổ sung các loài, cá thể động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng không được trái với Công ước.

Điều 234 Bộ luật Hình sự chỉ quy định trị giá hàng phạm pháp hoặc thu lợi bất chính, trong khi đó Điều 244 lại quy định số lượng động vật nguy cấp, quý, hiếm. Vì sao lại có sự khác nhau này? Có lẽ động vật hoang dã xác định được trị giá hàng phạm pháp, còn động vật nguy cấp, quý, hiếm không xác định được giá trị, nên mới quy định số lượng.

Việc định nghĩa thế nào là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau:

Có ý kiến cho rằng, “Động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là tất cả các loài động vật, bao gồm động vật trên cạn, động vật thủy sản và các loài động vật khác, mà sự tồn tại của chúng là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và phát triển tự do”. Nếu như vậy, đối với các loài động vật đã được thuần hóa, được nuôi trong các trang trại, nhà dân sẽ không phải là động vật hoang dã như: voi bản Đôn (Đắk Lắk); hổ, báo, gấu… được nuôi trong các công viên hoặc tại các trang trại của người dân sẽ không phải là đối tượng xâm phạm của 02 tội phạm này.

Đối với việc mua bán các sản phẩm được làm từ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như: đồ mỹ nghệ làm từ ngà voi; ví, túi xách, dây lưng làm từ da cá sấu… có bị coi là hành vi vi phạm không? Trong khi đó, tại khoản 4 Điều VII của CITES về các trường hợp miễn trừ và những điều khoản đặc biệt khác liên quan đến buôn bán có quy định: “Mẫu vật của một loài động vật thuộc Phụ lục I được tạo ra trong điều kiện nuôi nhằm mục đích thương mại, hoặc của một loài thực vật được nhận nuôi một cách nhân tạo nhằm mục đích thương mại sẽ được coi là mẫu vật của những loài thuộc Phụ lục II”. Việc buôn bán các mẫu vật này có được miễn trừ trách nhiệm hình sự về các tội quy định tại Điều 234 và Điều 244 không? Và điều quan trọng là tiêu chí nào để phân biệt các sản phẩm này lấy từ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hay lấy từ động vật được nuôi nhằm mục đích thương mại, hoặc của một loài thực vật được nhận nuôi một cách nhân tạo nhằm mục đích thương mại?

Có ý kiến cho rằng,Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng hoặc các sản phẩm, mẫu vật có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến như cao nấu từ xương động vật, túi xách làm từ da động vật hoang dã… Vậy các sản phẩm mẫu vật có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm được làm từ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, nhóm IIB và Phụ lục I, Phụ lục II của CITES bán trong các cửa hàng, thậm chí trong các nhà hàng ăn uống có coi là hành vi phạm tội không? Đây cũng là vấn đề chưa rõ.

Về danh mục động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã được CITES quy định tại nhóm IB, nhóm IIB và Phụ lục I, Phụ lục II và Thông tư số  04/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy ngoài danh mục trên còn loài khác không?

Có ý kiến cho rằng, nên căn cứ vào Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, khái niệm động vật hoang dã khác đã được quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rồi, nếu thấy Thông tư này chưa có giá trị bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng thì Hội đồng Thẩm phán vẫn có quyền đưa ra một danh mục ban hành kèm theo nghị quyết của mình, vì theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử... “khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điềukhoảnđiểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015”[3]. Nếu lại căn cứ vào Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Nghị định 160/2013/NĐ-CP thì không hợp lý (đều là văn bản trước khi Bộ luật Hình sự 2015 được ban hành và có nhiều nội dung chồng chéo). Nên chăng, Hội đồng Thẩm phán ban hành nghị quyết có tính chất “dẫn chiếu”, cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc tham khảo Thông tư này để đưa ra một danh mục kèm theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán.

Vấn đề xác định giá trị động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Có ý kiến cho rằng, việc định giá động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm căn cứ vào khoản 2 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần tính theo giá thị trường tại địa phương vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tại địa phương không xác định được giá loại động vật hoang dã đó (do nó không được mua bán trên thị trường) và pháp luật không có quy định khác thì giá trị các loại động vật hoang dã đó được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hội đồng định giá có thể căn cứ và khung giá do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, khảo sát giá thị trường hoặc lời khai của bị can để quyết định mức giá trong từng vụ án. Nếu như vậy, thì việc áp dụng sẽ không thống nhất, dẫn đến tình trạng cùng một loài, một cá thể động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn ở địa phương khác sẽ thoát tội. Trong khi đó, có một nguyên tắc có tính pháp chế là pháp luật phải được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.

Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm

Đối với hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, Bộ luật Hình sự 1999 không quy định là hành vi phạm tội. Vậy đối với hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện thì có coi là tội phạm hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng, nên ấn định thời hạn 01 năm mà người có hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ý kiến khác lại cho rằng, trường hợp tàng trữ bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, quý, hiếm trước ngày 01/01/2018, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng, không phải thu hồi.

Cả hai ý kiến trên đều không có cơ sở khoa học pháp lý, vì hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tuy Bộ luật Hình sự 1999 chưa quy định là hành vi phạm tội, nhưng nếu sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà vẫn tàng trữ thì phải coi là hành vi phạm tội. Bởi lẽ, về lý luận, hành vi tàng trữ là hành vi phạm tội kéo dài, chỉ kết thúc khi cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Do đó, hành vi xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, mà sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 người có hành vi tàng trữ vẫn không giao nộp bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 234 hoặc 244 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật của ta còn nhiều hạn chế, nên có thể quy định một thời gian nhất định (có thể là 06 tháng hoặc 01 năm), kể từ khi đăng báo Nhân dân hoặc thông báo trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, mà người có hành vi tàng trữ không đem giao nộp bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cho cơ quan công an thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm 

Vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, trường hợp người phạm tội có hành vi chiếm đoạt mà đối tượng bị chiếm đoạt là động vật hoặc sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như: hành vi chiếm đoạt ngà voi, sừng tê giác thì tùy từng trường hợp mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: tội cướp tài sản (Điều 168); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản (Điều 175). Ý kiến khác lại cho rằng hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Theo chúng tôi, Điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyn, buôn bán trái phép chứ không quy định hành vi chiếm đoạt, còn nếu đã chiếm đoạt thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu. Còn người bị chiếm đoạt, tùy từng trường hợp mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội theo Điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự. Về lý luận thì trộm cắp của người vừa trộm cắp vẫn là trộm cắp; cướp của người vừa cướp được tài sản vẫn là tội cướp. Tuy nhiên, người bị chiếm đoạt mà đối tượng là động vật hoặc sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm không được bồi thường thiệt hại, vì người chiếm hữu, sử dụng, định đoạt động vật hoặc sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi sở hữu trái pháp luật. Tuy nhiên, họ là bị hại trong vụ án đối với hành vi chiếm đoạt nhưng họ có thể là bị cáo của vụ án theo Điều 234 hoặc 244 Bộ luật Hình sự và tất nhiên vật chứng của vụ án sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau

Đây cũng là trường hợp phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, trường hợp trong một vụ án, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp chim, lớp thú, lớp bò sát và lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng số lượng từng lớp đều thấp hơn số lượng quy định trong từng khoản của Điều 244, thì tính tổng số lượng cá thể để quy đổi về theo một loài để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ý kiến này có vẻ hợp lý, vì nhiều cá thể của các lớp, các loài khác nhau thì có thể cộng lại thành số lượng đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây là động vật chứ không phải đồ vật nên không thể cộng lại được. Không ai cộng voi với hổ, với chim; chim với cá được, vì mỗi loài, mỗi lớp có giá trị rất khác nhau, lại không thể tính ra được giá trị nên theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì trường hợp trong một vụ án, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp chim, lớp thú, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng số lượng từng lớp đều thấp hơn số lượng quy định trong từng khoản của Điều 244 thì người có hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng có thể bị xử lý hành chính.

Đây là vấn đề cả về lý luận và thực tiễn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không cần phải quy đổi mà tính tổng số của các loài hoặc các lớp, vì điều luật quy định các hành vi khác nhau bằng dấu (phẩy) chứ không dùng kết từ (hoặc). Mặt khác, điều luật không quy định tội “vi phạm loài động vật, lớp chim, lớp thú, lớp bò sát hoặc lớp khác”, hay tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp hoặc quý hoặc hiếm”. Có như vậy mới có tác dụng đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Về quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội

Đây là vấn đề trong các cuộc hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng khó hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ hướng dẫn về cách xác định hành vi phạm tội mà không hướng dẫn quyết định hình phạt thì không toàn diện. Điều mà các tòa án địa phương mong đợi là Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Bởi lẽ Điều 234 và 244, mỗi điều luật quy định 03 khung hình phạt, mỗi khung hình phạt lại có các loại hình phạt, mức hình phạt khác nhau, nếu không hướng dẫn thì sẽ rất khó cho các thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi phải xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm và sẽ dẫn đến tình trạng việc áp dụng hình phạt không thống nhất; có tòa án phạt nặng, có tòa án lại áp dụng hình phạt nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xét xử trong thời gian qua như Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu là “chưa đủ sức răn đe”.

Quyết định hình phạt là một hoạt động tư duy khá phức tạp. Có thể đưa ra một nguyên tắc chung khi áp dụng hình phạt đối với Điều 234 và Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 là “cần phải xử lý nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội theo Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự”, còn chi tiết thì có thể hướng dẫn: “Trong trường hợp phạm tội nào thì áp dụng hình phạt tiền, mức tiền phạt bao nhiêu; trường hợp nào thì phải áp dụng hình phạt tù; trường hợp nào thì áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt, còn trường hợp nào thì được áp dụng mức thấp nhất hoặc dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Ví dụ: khoản 1 Điều 244 quy định mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng. Vậy trường hợp nào thì áp dụng mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, trường hợp nào thì áp dụng trên 01 tỷ đồng đến 02 tỷ đồng. Đối với hình phạt tù cũng vậy, trường hợp nào thì áp dụng hình phạt 05 năm tù, còn trường hợp nào thì áp dụng hình phạt 01 năm tù…

 Việc cho người phạm tội được hưởng án treo theo Điều 65 Bộ luật Hình sự theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như thế nào? Trường hợp nào thì không cho người phạm tội được hưởng án treo. Ví dụ: Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự thì nhất thiết không cho hưởng án treo, để thể hiện rõ quan điểm xử lý nghiêm đối với người phạm tội quy định tại Điều 234 và 344 Bộ luật Hình sự.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 234 và 244, thì trường hợp nào áp dụng hình phạt tiền, trường hợp nào đình chỉ hoạt động có thời hạn, trường hợp nào thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, trường hợp nào thì cấm kinh doanh hoặc cấm huy động vốn…

Về việc xử lý vật chứng

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền là cơ quan nào; theo quy định nào của pháp luật? Thực tiễn, nhiều vụ án cơ quan điều tra bắt được người vận chuyển nhưng khi giao cho một cơ quan có chức năng bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thì cơ quan này không nhận, vì thiếu kinh phí hoặc không có phương tiện để bảo quản nên không nhận.

Vì vậy, cần phải ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý vật chứng như: việc tái thả động vật vào rừng hay biển phải tuân thủ trình tự, thủ tục quy định rõ ràng; đối với động vật sống nhưng chưa đủ điều kiện thả về với tự nhiên cần được cứu hộ thì phải được gửi tới những nơi có đủ điều kiện để cứu hộ động vật. Khi đã có đủ điều kiện thả về tự nhiên thì cơ sở cứu hộ phải tái thả động vật. Nếu chỉ có Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thì không khả thi.

Vấn đề kinh phí để bảo quản, cứu hộ hay chăm sóc động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng cần phải đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền.

LS Đinh Văn Quế

 

[1]Phát biểu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tập huấn về xét xử các tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[2]Xem Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.

[3]Xem khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.