/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về chế định bào chữa viên nhân dân

Bàn về chế định bào chữa viên nhân dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hoạt động bào chữa của bào chữa viên nhân dân không phải chuyên nghiệp mà chỉ mang tính chất nghiệp dư. Cho đến nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa có một văn bản nào quy định về hoạt động bào chữa của bào chữa viên nhân dân nên vị trí, vai trò của họ cũng mờ nhạt. Việc bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chủ yếu là Luật sư và người đại diện hợp pháp của những người đó.

Trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 có quy định về người bào chữa nhưng chưa đưa ra khái niệm cụ thể về người bào chữa thì BLTTHS năm 2015 đã nêu khái niệm cụ thể tại khoản 1 Điều 72 như sau: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Theo khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015 thì người bào chữa có thể là: Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. 

Khoản 3 Điều 72  BLTTHS năm 2015 quy định về Bào chữa viên nhân dân: “Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”. Bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can, bị cáo trong 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình (điểm c khoản 2 điều 76 BLTTHS 2015).

Thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận tự cử Bào chữa viên nhân dân tham gia TTHS. Theo quy định tại khoản 4 điều 75 BLTTHS năm 2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền và trách nhiệm tự cử Bào chữa viên nhân dân tham gia TTHS để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 BLTTHS năm 2015, khi đăng ký bào chữa, bào chữa viên nhân dân phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Như vậy, về mặt pháp lý, bào chữa viên nhân dân là một chủ thể tư pháp có tư cách của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn tố tụng hình sự ở Việt Nam, việc xem xét thủ tục chứng nhận tư cách người bào chữa, các nguyên tắc, phạm vi hành nghề lại chưa được hướng dẫn và quy định chi tiết, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bào chữa viên nhân dân.

Trên thực tế hiện nay, chưa có cơ chế quản lý danh sách và cập nhật tiêu chuẩn “bào chữa viên nhân dân”, cách thức cử bào chữa viên nhân dân ra sao và ngay các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho những người này cũng chưa được quy định rõ. Ngoài ra, mặc dù có một số người tham gia với tư cách bào chữa viên nhân dân có những đóng góp nhất định trong việc bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là thành viên tổ chức Mặt trận, nhưng nhìn chung chất lượng hành nghề của phần đông những người này không cao, gặp rất nhiều cản ngại, vướng mắc do những hạn hẹp về kiến thức pháp luật, lại không được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng hành nghề trong tranh tụng vụ án hình sự, không được tập sự trong các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp...

Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc tham gia tố tụng của Bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp cho bị can, bị cáo với tư cách là người bào chữa. Như vậy mới phát huy và thu hút được sự tham gia tố tụng của tổ chức xã hội và công dân. Hiện nay, hầu như chế định này đang bị bỏ lửng, không được quy định cụ thể trong BLTTHS và cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể khiến cho việc áp dụng chế định này trong thực tế hết sức khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, để phát huy dân chủ và thu hút đông đảo lực lượng quần chúng trong đấu tranh chống tội phạm nói chung và góp phần vào việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật nói riêng, khái niệm Bào chữa viên nhân dân nên hiểu theo nghĩa rộng, tức là bất cứ người nào có khả năng bào chữa được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận chứ không thể bó hẹp trong phạm vi được quy định như trước khi có BLTTHS. 

NGUYỄN THỊ YẾN HOA

Tòa án quân sự Quân khu 1

Quyền được tiếp xúc với người bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Lê Minh Hoàng