Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo quy định của luật

11/08/2018 11:00 | 5 năm trước

LSVNO - Quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn, việc xác định các điều kiện hạn chế tiếp cận thông tin của công dân cần phải được quy định trong luật theo quy định tại Điều 14 Hiến ph...

LSVNO - Quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn, việc xác định các điều kiện hạn chế tiếp cận thông tin của công dân cần phải được quy định trong luật theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Ảnh minh họa.

Tiếp cận thông tin là hoạt động mang tính thường xuyên và trở thành nhu cầu tất yếu của con người. Trên thế giới, vấn đề tiếp cận thông tin được ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế và ở quốc gia đã xây dựng các luật về tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm cho quyền tiếp cận thông tin của con người. Ở Việt Nam, tiếp cận thông tin được xem là quyền dân sự - chính trị được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là sự ra đời của Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 chính là việc cụ thể hóa các công ước quốc tế về tiếp cận thông tin mà Việt Nam là thành viên cũng như quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật Tiếp cận thông tin đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền này, bao gồm:

Thứ nhất: Bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn, việc xác định các điều kiện hạn chế tiếp cận thông tin của công dân cần phải được quy định trong luật theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo đó“các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và khẳng định những quyền này “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Thứ hai: Mọi công dân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Công dân khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai có quyền hạn chế quyền này. Tiếp cận thông tin trở thành một nhu cầu tất yếu đối với công dân, đặc biệt trong thời đại bùng nổ về công nghệ như hiện nay và chủ thể đáp ứng các thông tin này là Nhà nước, đồng thời thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đây là những nguyên tắc nhằm bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin của công dân được bảo đảm.

Thứ ba: Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Nếu nhận thấy các thông tin không đúng, không chính xác thì công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện và tố cáo, đây chính là sự ghi nhận và bảo đảm cho quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin.

Ngoài các nội dung nêu trên, để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin của công dân được thuận lợi và dễ dàng, Luật Tiếp cận thông tin còn đưa ra các quy định như cách thức tiếp cận thông tin đa dạng; công dân không phải mất chi phí, lệ phí khi yêu cầu tiếp cận thông tin…

Giải pháp nhằm nâng cao quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay

Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, cần có một số giải pháp sau đây:

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Văn bản quy phạm phải có tính ổn định, hạn chế thay đổi nhiều, nếu có thay đổi thì phải thống kê những danh mục, nội dung còn hiệu lực và những danh mục, nội dung được thay thế để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật vào thực tế. Việc ban hành văn bản phải bảo đảm tiến độ, tránh để chậm trễ hoặc khi Luật có hiệu lực thi hành rồi mà văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành.

Tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thức tuyên truyền mới phù hợp. Tiếp tục sử dụng các hình thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tài liệu tuyên truyền (đề cương giới thiệu, phổ biến các văn bản luật, pháp lệnh; sách hỏi - đáp pháp luật; tờ rơi, tờ gấp pháp luật; đặc san tuyên truyền pháp luật; các loại băng tiếng, băng hình với các nội dung pháp luật đơn giản, ngắn gọn và các cuộc nói chuyện về pháp luật …) và khéo léo kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức thi sân khấu hóa, lồng ghép trong các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý...

Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, các cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn để nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về Luật Tiếp cận thông tin, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành luật trong thực tiễn.

Các bộ, ban, ngành, các địa phương, các cán bộ, công chức và công dân trong quá trình tiếp cận, triển khai thực hiện Luật, nếu phát hiện những bất cập, hạn chế, vướng mắc cần báo cáo, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng luật trong thực tiễn. Đồng thời kịp thời khen thưởng, động viên các cơ quan, đơn vị, cá nhân có những thành tích trong hoạt động triển khai thi hành luật, bên cạnh đó cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở việc thi hành luật trong thực tiễn.

Ở nước ta, vấn đề tiếp cận thông tin luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền này, chính là sự thể hiện nguyên tắc dân chủ và sự minh bạch, công khai để người dân trực tiếp tham gia giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, đồng thời đóng góp ý kiến vào các vấn đề của đất nước, qua đó góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, ổn định về chính trị, phát triển kinh tế và xây dựng vị trí, vai trò của nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.

Trần Văn Hùng