Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công an, Việt Nam hiện là thành viên của 21 điều ước quốc tế song phương về dẫn độ có quy định về bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ trước khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.
Cụ thể, trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể yêu cầu nước ký kết kia bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ trong thời gian chờ yêu cầu dẫn độ chính thức.
Tại một số hiệp định về dẫn độ còn quy định, các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể bắt giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình nếu có căn cứ xác định người này đã thực hiện tại nước ký kết kia một tội phạm có thể bị dẫn độ theo hiệp định mà không cần có yêu cầu bắt giữ.
Người bị bắt trong trường hợp này phải bị giam giữ tại nước ký kết bắt giữ trong một thời hạn nhất định (tối thiểu là 1 tháng) kể từ ngày nước ký kết kia nhận được thông báo về việc bắt.
Quy định này nhằm bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn trong thời gian kể từ khi bị phát hiện đến khi các cơ quan có thẩm quyền lập, dịch và gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức.
Cũng theo Bộ Công an, thời gian qua, công an một số đơn vị, địa phương đã bắt giữ một số người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam theo yêu cầu của phía nước ngoài hoặc khi có thông báo của Interpol.
Song khi thực hiện, VKSND chỉ phê chuẩn quyết định bắt, tạm giữ mà không phê chuẩn quyết định tạm giam, quyết định bắt. Lý do là Bộ luật TTHS 2015 không quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các trường hợp này.
Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam với những kẻ phạm tội ở nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam (đặc biệt là từ các quốc gia có hiệp định về dẫn độ với Việt Nam) cần căn cứ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.
Ngoài nội dung trên, Bộ Công an còn đề xuất bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế.
Cụ thể, bổ sung quy định về thẩm quyền của Bộ Công an từ chối dẫn độ trong trường hợp yêu cầu dẫn độ thuộc các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.
Bổ sung quy định về các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ. Một là, người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc... Hai là, hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo BLHS Việt Nam.
Bổ sung quy định về trường hợp có thể từ chối dẫn độ, gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự…
MINH QUÝ