Bộ Công an tăng cường đấu tranh phòng ngừa lộ, lọt thông tin cá nhân

12/12/2023 18:24 | 5 tháng trước

(LSVN) - Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.


Ảnh minh họa.

Theo phản ánh, hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân bị lộ, lọt ra ngoài như số điện thoại, họ tên, địa chỉ sinh sống, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số tài khoản… của người dân đang rất phổ biến. Người dân không chỉ nhận được các tin nhắn lừa đảo, đường link giả mạo, người sử dụng còn bị làm phiền vì các cuộc gọi điện thoại mời chào các loại dịch vụ khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân và hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023.

Việc ban hành Nghị định này đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm kế thừa văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân, thông tin cá nhân, quyền riêng tư; cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa lộ, lọt thông tin cá nhân, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tham mưu Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 13/2023/NĐ-CP; đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân; đưa ra cảnh báo về các hành vi, phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân của người dân, có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt; hướng dẫn người dân tố giác khi bị thu thập thông tin cá nhân trái phép…

Thứ ba, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách, quản lý các đối tượng có biểu hiện mua bán, sử dụng thông tin cá nhân trái phép; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng.

Bên cạnh đó, kịp thời điều tra, đề nghị truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện để răn đe, giáo dục và tuyên truyền cho nhân dân cảnh giác, phòng ngừa.

Thứ năm, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là lực lượng được giao làm công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.

PV

Hướng dẫn sắp xếp bố trí CBCCVC ở những địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã