(LSO) - Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, sáng 03/8, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất sẽ bổ sung hỗ trợ thêm nhóm giáo viên trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (chi hoạt động) mà bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo khoảng 145.000 người, ước tính số tiền khoảng 1.600 tỉ. Bộ LĐTB&XH đã lấy ý kiến ngành giáo dục và các bộ, ngành thẩm định đã đồng ý, hiện đã trình Thủ tướng.
Báo cáo với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ an sinh xã hội đối với người gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Tính đến ngày 27/7, các địa phương đã phê duyệt trên 16 triệu người, kinh phí 17,5 nghìn tỉ. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 27/7 là 11,920 nghìn tỉ, như vậy là xấp xỉ 12 nghìn tỉ đã giải ngân tiền mặt, đã hỗ trợ cho 12 triệu người, và đã hỗ trợ cho 12.784 hộ kinh doanh. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế đã thẩm định 27.000 trên 30.964 hộ kinh doanh, trong đó đủ điều kiện hỗ trợ là 22.000 và 1.519 đơn vị được tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 138.000 người. Cho đến nay về cơ bản các địa phương cũng đã hoàn thành việc chi hỗ trợ các nhóm được hỗ trợ, kể cả các nhóm yếu thế, trừ gói 16 nghìn tỉ.
Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 vấn đề, trong phiên họp Chính phủ tháng 6 Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý cho sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các bộ, hoàn thành toàn bộ hồ sơ, từ thẩm định lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg.
Trong đó tập trung 2 nội dung cơ bản:
Thứ nhất, sẽ bổ sung hỗ trợ thêm nhóm giáo viên trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (chi hoạt động) mà bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo khoảng 145.000 người, ước tính số tiền khoảng 1.600 tỉ. Bộ LĐTB&XH đã lấy ý kiến ngành giáo dục và các bộ, ngành thẩm định đã đồng ý, hiện đã trình Thủ tướng.
Về gỡ gói vay của doanh nghiệp, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị với Chính phủ cho sửa đổi, giảm các tiêu chí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay này. “Các thủ tục hồ sơ đã đầy đủ, đề nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê chuẩn vấn đề này. Hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và ngày 11/8/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chất vấn về gói hỗ trợ này”, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Về vấn đề thi cử của ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ủng hộ phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 2 kịch bản: Đối với nơi giãn cách thì có phương án xử lý riêng, những nơi bình thường thì tạo điều kiện thi bình thường, nhưng bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. “Ngày xưa trong chiến tranh, những trường hợp học sinh do hoàn cảnh phải đi bộ đội, tham gia quân ngũ sớm, không dự thi cấp 3, Nhà nước hoàn toàn có thể miễn thi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn.
Về hỗ trợ tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP và Nghị định 113/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng vừa qua rất lúng túng trong chi trả cho người nghỉ chế độ sớm do tinh giản biên chế khi không biết lấy tiền đâu để chi tinh giản biên chế, bây giờ chúng ta xác định lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp.
Trêm cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Thủ tướng và Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu vấn đề các chính sách để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ sớm để có khoản bù đắp lại chứ không để toàn bộ gánh nặng cho bảo hiểm hưu trí tử tuất, sẽ không bảo đảm được.
LSO (t/h)