/ Hoạt động trợ giúp
/ Bức cung dẫn đến làm oan người vô tội có thể bị phạt tù chung thân?

Bức cung dẫn đến làm oan người vô tội có thể bị phạt tù chung thân?

05/01/2021 18:04 |

(LSO) - Bức cung là hành vi của chủ thể đặc biệt trong hoạt động tố tụng đã sử dụng các biện pháp, thủ đoạn trái pháp luật (như đe dọa, uy hiếp tinh thần, đánh đập, tra tấn, hoặc cùm kẹp, bỏ đói…) để buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

So với Điều 299 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), “Tội bức cung” quy định tại Điều 374 BLHS 2015 được mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm này là “người nào trong hoạt động tố tụng”. Trong thực tiễn hoạt động tố tụng, “người nào” chỉ có thể được thể hiện là Điều tra viên, Kiểm sát viên, làm công tác điều tra hoặc kiểm sát điều tra; Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử vụ án.

Án oan Hàn Đức Long là một vụ án oan xảy ra tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Internet.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này còn có thể là những người làm việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ lấy hoặc trợ giúp việc lấy lời khai, hỏi cung như Cán bộ điều tra (ở Cơ quan điều tra các cấp), Kiểm tra viên (ở Viện kiểm sát các cấp); những người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ở các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; lực lượng Cảnh sát biển; Kiểm ngư; các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tội bức cung mà các chủ thể tội phạm này không chỉ xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động tố tụng, đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn trực tiếp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Các hành vi bức cung xâm phạm tới khách thể trên được các nhà bình luận khoa học hình sự cắt nghĩa, lý giải ra sao?

Theo Từ điển Pháp luật Việt Nam, “bức cung” được hiểu là hành vi của người tiến hành tố tụng hình sự sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật (tức không đúng với quy định của pháp luật) về tố tụng để buộc người bị thẩm vấn khai sai sự thật khách quan của vụ án.

Hành vi khách quan của tội này là cưỡng ép người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật. Người bị thẩm vấn ở đây có thể là bị can, bị cáo, người làm chứng hoặc người bị hại; người phạm “Tội bức cung” đã dùng những thủ đoạn khác nhau (có thể dùng hành vi bạo lực, tra tấn) tác động đến ý chí của những người này để buộc họ khai không đúng sự thật và trái với ý muốn của họ.

Ảnh minh họa.

Việc lấy lời khai, hỏi cung trong hoạt động tố tụng hình sự là một biện pháp điều tra công khai, trực diện với người phải lấy lời khai hoặc hỏi cung nhằm làm rõ toàn bộ sự thật về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện (đối với trường hợp người bị hỏi cung là người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam) hoặc về những tình tiết liên quan đến vụ án mà họ biết (đối với trường hợp người bị lấy lời khai là người bị hại, người làm chứng…). Như vậy, đây là một trong những hoạt động điều tra nhằm thu thập chứng cứ giải quyết các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng mà những người tiến hành tố tụng phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm…, nhằm đảm bảo tính khách quan của các lời khai đã thu thập được về vụ án.

Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 58, 59, 60 và 61 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Để phòng ngừa việc lấy lời khai, hỏi cung trái pháp luật, buộc những người này phải khai báo, Điều 374 (Tội bức cung) quy định hành vi ép buộc người bị lấy lời khai, bị hỏi cung phải khai báo theo ý muốn của người tiến hành tố tụng là hành vi bức cung và người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hậu quả nghiêm trọng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hành vi bức cung trong hoạt động tố tụng hình sự được coi là hoàn thành khi người phạm tội “sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc”; không tính đến việc người bị lấy lời khai, hỏi cung đã khai ra thông tin liên quan đến vụ án hay chưa, hoặc nếu đã khai ra thông tin đó đã gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa.

Cần lưu ý: Mặt khách quan của “Tội bức cung” khác với “Tội dùng nhục hình” (Điều 373 BLHS 2015) ở chỗ tội phạm này được thể hiện ở hành vi “gây áp lực về mặt tinh thần” đối với người bị lấy lời khai hoặc hỏi cung (bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại…).
Còn mặt khách quan của “Tội dùng nhục hình” được thể hiện ở hành vi “dùng bạo lực vật chất” đối với những người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người phải thi hành án, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Mặt khác, cần phân biệt điểm d khoản 2 Điều 374 quy định tình tiết định khung “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung”; trong khi đó Điều 373 lại quy định hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người khác” là tình tiết định tội.

Do vậy, đối với người tiến hành tố tụng dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm để lấy lời khai của người bị lấy lời khai, bị hỏi cung theo ý muốn chủ quan của mình thì không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi này về 2 tội: Tội dùng nhục hình và Tội bức cung.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 373 (Tội dùng nhục hình), nếu hành vi dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm thực hiện với người bị hỏi cung; hoặc Tội bức cung (Điều 374), nếu hành vi dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm thực hiện với người bị lấy lời khai, trong trường hợp này, hành vi dùng nhục hình bị coi là tình tiết tăng nặng.

Tội bức cung được thực hiện do lỗi cố ý; người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện với mục đích ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

Điều 374 (Tội bức cung) BLHS 2015 quy định 04 khung hình phạt và hình phạt bổ sung. Trong đó, tại khoản 4 điều này nếu người bức cung có các hành vi bức cung làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…; thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Điều 374. Tội bức cung
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a, Phạm tội 02 lần trở lên;
b, Đối với 02 người trở lên;
c, Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
d, Dùng hục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung;
đ, Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e, Dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g, Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a, Làm người bị bức cung tự sát;
b, Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a, Làm người bị bức cung chết;
b, Dẫn đến làm oan người vô tội;
c, Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư LÊ TRỌNG HÙNG