Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo nguy cơ thương vong do tự chế pháo nổ trái phép. Trong đó, Bộ nêu rõ các loại pháo được phép sử dụng và không được phép sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, theo Bộ Công an, người dân được phép sử dụng những loại pháo hoa không gây tiếng nổ do Công ty TNHH Một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Ngoài ra, cá nhân mua và sử dụng pháo hoa chỉ được thực hiện thông qua các đại lý ở 56 tỉnh, thành trên toàn quốc và cửa hàng của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, tình trạng mua bán pháo hoa không gây tiếng nổ lại đang diễn ra một cách công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook với từ khoá "mua pháo hoa" sẽ cho ra nhiều tài khoản cá nhân và hội nhóm mua bán khác nhau như: Pháo Tết 2024, Hội chơi pháo hoa... thu hút hàng nghìn người theo dõi với hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ, giao dịch, mua bán.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam hiện cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa không nổ trong những dịp lễ, Tết, trong những dịp kỷ niệm cá nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại pháo hoa đều được sử dụng và việc mua bán pháo hoa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ.
Theo Luật sư, hiện nay việc quản lý, sử dụng pháo hoa được thực hiện theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính Phủ.
Đối với pháo hoa không nổ, việc sử dụng được quy định tại Điều 17 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP này như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 14 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy.
Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn và chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân mua bán vận chuyển pháo hoa được thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP. Theo đó, chỉ các tổ chức cá nhân nào đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và nộp hồ sơ thủ tục được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì mới được mua bán loại pháo hoa này.
Đối với các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép mua bán pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất thì phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn. Hiện pháp luật không cấm các doanh nghiệp này quảng cáo bán hàng trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội nên đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép thì được phép bán trên các nền tảng điện tử.
Còn đối với các tổ chức, cá nhân không được cấp phép bán loại pháo hoa này thì cũng không được phép quảng cáo, không được phép thực hiện hành vi bán pháo hoa trên không gian mạng.
Trường hợp các tổ chức cá nhân tự ý quảng cáo, giới thiệu, rao bán pháo nổ, pháo hoa nổ hoặc trường hợp rao bán pháo hoa mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
TRẦN VỸ